Chưa hết tháng đã... tiêu hết tiền

Phúc nhẩm tính, tháng này cô nhận lương 8 triệu đồng, chỉ mua một đôi giày và hai cái áo, còn lại đi ăn cưới, ăn sinh nhật bạn, rồi điện nước... thế sao chưa gì đã tiêu hết tiền?

Phúc làm tại một công ty tư nhân tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, cả lương và tiền ăn trưa, làm thêm giờ, mỗi tháng nhận được trung bình 8 triệu đồng. Trừ đi tiền thuê nhà mỗi tháng 1 triệu đồng (Phúc ở trọ cùng một người bạn khác) và tiền ăn, tiềm thăm hỏi bạn bè cùng nhiều sinh hoạt phí khác, cô thường không để dành được khoản nào tiết kiệm.

“Những ngày đầu đi làm, tôi có mua sổ và liệt kê các khoản cần chi tiêu và khoản tiết kiệm trong tháng, tuy nhiên, một tỉ thứ phải lo như thăm bạn bè ốm đau, đi ăn cưới..., nên quên luôn việc ghi chép. Tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến việc mình sẽ mua được nhà ở Hà Nội”, Phúc nói.

Phương Trang, 27 tuổi, tổng thu nhập mỗi tháng được khoảng 17 triệu đồng, tuy nhiên với cô giấc mơ mua được nhà ở Thủ đô là một điều xa xỉ.

“Mỗi tháng tôi gửi về cho mẹ ở quê 2 triệu đồng, tiết kiệm 2 triệu đồng. Công việc của tôi cần mua sắm nhiều quần áo, tiền đối ngoại, mời khách hàng đi uống nước, ăn cơm trưa, do đó mình nhiều khi cũng không hiểu sao, làm được nhiều thì cũng hết, mà ít thì cũng hết, hiếm khi tôi để dành được nhiều hơn 2 triệu đồng mỗi tháng”.

Nhiều bạn trẻ tiêu dùng thông minh đã chia sẻ với PV Thanh Niên cách giải quyết tình huống "tiêu nhiều hơn số tiền kiếm được".

Liệu cơm gắp mắm

Phạm Thị Tươi, 26 tuổi, đã lập gia đình, đang làm tại một công ty bánh kẹo tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết “lựa cơm gắp mắm” là bí quyết chi tiêu giúp cô và chồng có thể sống đủ trong thời gian chồng cô mất việc, gia đình chỉ có 5 triệu đồng mỗi tháng.

"Chúng tôi thuê nhà 800.000 đồng/tháng, điện nước 200.000 đồng/tháng, ăn uống đơn giản nhất chỉ trong 3 triệu đồng/tháng bằng cách ăn sáng ở nhà, buổi trưa tôi mang cơm đến công ty ăn, không ăn uống lặt vặt bên ngoài. Còn 1 triệu đồng để dành phòng khi ốm đau, đám cưới, đám tang, về quê...”, Tươi cho hay.

Gia tăng thu nhập

Lê Mai Hạnh, 26 tuổi, đã kết hôn và có nhà riêng tại khu đô thị Times City Hà Nội, cho biết vợ chồng cô may mắn khi có công việc thu nhập tốt, sớm mua được căn hộ riêng. Tuy nhiên, theo Hạnh, kể cả khi đã có nhà riêng, mỗi gia đình nhỏ cũng cần cách chi tiêu hợp lý để có tích luỹ, chuẩn bị cho con cái hoặc các dự định khi con lớn, phải học, gia đình đi du lịch.

Bí quyết của Hạnh để chi tiêu hợp lý đó là gửi ngân hàng.

“Vợ chồng tôi liệt kê các khoản chi tiêu bắt buộc hằng tháng như tiền phí dịch vụ, tiền điện nước, internet, truyền hình cáp, tiền ăn, tiền tiêu vặt của hai vợ chồng. Sau đó tôi lấy thu nhập hai vợ chồng trừ đi các khoản chi tiêu bắt buộc và để vào tiết kiệm.

Tôi lập nhiều sổ, với các thời hạn khác nhau. Khi đáo hạn được một khoản lớn, tôi sẽ để vào sổ có thời hạn dài từ 6 tháng đến 1 năm. Song song với việc tiết kiệm, vợ chồng tôi tìm cách gia tăng thu nhập. Chồng tôi thành lập trung tâm dạy học trực tuyến, để anh ấy có thể dạy học ở nhà buổi tối. Ban đầu thì chồng tôi tự dạy, sau khi có nhiều học viên rồi, chồng tôi thuê thêm người dạy. Như vậy ngoài tiền lương của hai vợ chồng, chúng tôi có thêm thu nhập từ việc dạy học. Các khoản có thêm này vợ chồng tôi cũng cho vào tiết kiệm”, Hạnh nói.

Tiết kiệm “chết”

Nguyễn Kim Khang, 25 tuổi, làm việc tại một công ty bất động sản tại Hà Nội, đã lập gia đình và có một con trai 2 tuổi cho biết, anh từng có một quyết định táo bạo, đó là nghỉ công việc nhà nước nhiều người mơ nhưng lương chỉ có 2 triệu đồng để làm kinh doanh bên ngoài.

“Thời gian đó, vợ chồng chúng tôi khủng hoảng khi mức lương 2 triệu/tháng sống ở thành phố là một việc khó khăn. Thậm chí có tháng tôi phải vay mượn tiền bạn bè để trang trải chi phí thuê nhà, điện nước, ăn uống, ngoại giao…”, Khang nhớ lại.

Hiện tại, thu nhập của hai vợ chồng Khang tạm ổn, tuy nhiên, chàng trai 9X cho biết tích luỹ thời điểm này chưa nhiều do có những khoản phát sinh khi con bị ốm. Tuy nhiên, ông bố trẻ đã có cách chi tiêu rất thông minh, để cả nhà không bao giờ phải rơi vào vòng luẩn quẩn “chưa hết tháng đã hết tiền”.

“Tôi chia thu nhập ra thành nhiều phần để chi tiêu như sau: Chi phí sinh hoạt, chi phí cho bé, chi phí ngoại giao, chi phí cho bản thân, tiết kiệm “chết” (khoản tiết kiệm cố định, không được tiêu tới). Cứ thế hằng tháng tôi có một khoản tiết kiệm nhỏ, mặc dù chưa thể làm gì với số tiền đó. Tuy nhiên nó có một tác dụng là chỗ dựa, lực đẩy tinh thần rất lớn, thúc đẩy bản thân làm ra nhiều hơn, tiết kiệm được nhiều hơn”.

Nguyễn Kim Khang cho rằng, rất nhiều bạn trẻ khi còn độc thân dù thu nhập trung bình hay cao, đến cuối tháng đều bị mắc vào tình trạng “viêm màng túi trầm trọng” là vì dễ bị chi phối bởi mua sắm quần áo, công nghệ, hoặc nhiều sản phẩm dịch vụ khác, ăn uống.

Khang cũng là một tín đồ của hàng hiệu, tuy nhiên anh cho hay, anh chỉ lựa chọn sản phẩm cho 1 mùa theo mốc thời gian cố định, ví dụ đầu mùa đông sẽ mua 1 áo khoác to, 1 hoặc 2 áo khoác mỏng, 2 chiếc áo len, 10 đôi tất (vớ). Việc chạy theo công nghệ cũng sẽ rất tốn kém và lỗi mốt nhanh chóng, nên anh cân nhắc nghiêm túc.

“Tôi nghĩ rằng mỗi người sẽ có những phương pháp tiết kiệm khác nhau, nhưng có một nguyên tắc bất di bất dịch của người giàu mà đến giờ tôi mới dần áp dụng được đó là “bỏ ra một khoản tiết kiệm cố định trước” còn lại chi tiêu ra sao thì đó là tuỳ bạn”, Khang bộc bạch.

Chàng trai sinh năm 1992 cũng cho các bạn trẻ khác lời khuyên: “Dù đang làm công việc 2 triệu đồng/tháng hay 20 triệu đồng/tháng chúng ta cũng nên áp dụng phương pháp, khoản tiết kiệm cố định luôn luôn phải có, mặc cho biến động thu nhập của bạn ra sao. Và phải bảo vệ nó bằng được, vì nó chính là liều thuốc tinh thần dẫn ta đến thành công một cách nhanh chóng nhất”.

Bên cạnh đó, theo Khang, các bạn trẻ không nên bỏ qua cơ hội được học thêm các kỹ năng mới, bởi nó sẽ giúp cho bạn mở ra nhiều cánh cửa, giúp chúng ta có thêm cơ hội gia tăng thu nhập cho mình.

chua het thang da tieu het tien Thói quen \'đốt tiền\' xả stress ngày Black Friday sẽ khiến bạn hối hận

Để xả stress, nhiều người có thói quen shopping vô độ nhưng càng tiêu tiền họ lại càng thấy căng thẳng.

chua het thang da tieu het tien Mark Zuckerberg tiêu tiền như thế nào

Theo Business Insider, ông chủ Facebook cùng vợ khá đơn giản trong sinh hoạt cá nhân nhưng lại chi mạnh tay khi mua bất động ...

chua het thang da tieu het tien Nỗi khổ tâm của Jack Ma: “Tôi không có thời gian tiêu tiền”

Được công nhận là tỷ phú giàu nhất Châu Á với khối tài sản lên tới 37,4 tỷ USD nhưng Jack Ma vẫn có nỗi ...

/ https://thanhnien.vn