"Chưa có chứng cứ chủng virus tại Tân Sơn Nhất lây lan nhanh"

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nói chưa ghi nhận chứng cứ chủng virus biến thể gây chùm bệnh tại sân bay Tân Sơn Nhất có khả năng lây lan nhanh.

Người đứng đầu ngành y tế nêu quan điểm trên tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 (Ban chỉ đạo), chiều 13/2.

Báo cáo Ban chỉ đạo từ điểm cầu TP HCM, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết từ chùm ca bệnh ở sân bay Tân Sơn Nhất, ngành y tế đã phát hiện 36 ca nhiễm. TP HCM đã xét nghiệm trên 5.000 trường hợp tiếp xúc gần, cơ bản là âm tính. Đồng thời thành phố cũng xét nghiệm tầm soát ở những khu vực trọng điểm, đông người qua lại. Trong hơn 4.800 mẫu đã được lấy, trên 2.000 mẫu âm tính, số còn lại đang chờ kết quả.

Về biến thể virus gây chùm ca bệnh ở sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh ở TP HCM. Những biện pháp mạnh như khoanh vùng, cách ly, phong tỏa, xét nghiệm diện rộng đã được áp dụng.

Tuy nhiên, Bộ vẫn đề nghị thành phố mở rộng diện xét nghiệm, nhất là khu công nghiệp. Đây cũng là khuyến cáo chung với các địa phương. "Chúng ta vẫn phải tiếp tục rà soát diện rộng, quét hết tất cả những nơi nghi ngờ, càng mở rộng lấy mẫu bao nhiêu, càng yên tâm bấy nhiêu, chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống xấu hơn", Bộ trưởng đề nghị.

2026 4

Ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Y tế. Ảnh: Đình Nam

Sau khi nghe phân tích sâu nguyên nhân, dự báo các khả năng để tìm ra nguồn ổ bệnh ở TP HCM, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: "Chúng ta đã có thêm thông tin nghi ngờ biến thể virus này thâm nhập qua tiếp xúc của một số nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất với thợ máy, nhân viên của chuyến bay chở hàng từ một số nước có biến thể này đến Việt Nam (các nhân viên, thợ máy của các hãng hàng không đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất chỉ ở trên máy bay, không nhập cảnh)". Không loại trừ khả năng mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào sân bay, ông yêu cầu tiếp tục truy vết thật nhanh, khoanh vùng cách ly, phân tích virus, để dự báo, tìm nguồn lây, điều trị.

"Bên cạnh, việc xét nghiệm tất cả người có biểu hiện nghi ngờ, khi đến khám tại các cơ sở y tế, hay những bệnh nhân nội trú có nguy cơ, thành phố cần định kỳ xét nghiệm các trường hợp ở những điểm có nguy cơ cao. Đây là điều rất quan trọng đối với những đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM, đòi hỏi sự linh hoạt, nhạy bén của anh em trên thực địa", Phó thủ tướng nói.

Xuất phát từ chủng gốc Vũ Hán, đến nay Việt Nam ghi nhận bốn biến chủng nCoV gồm Anh, Nam Phi, Rwanda châu Phi và một đột biến thể G.

Sáng 2/1, Bộ Y tế công bố trường hợp đầu tiên nhiễm biến chủng Anh tại Việt Nam là "bệnh nhân 1435". Người phụ nữ 45 tuổi, quê Trà Vinh, nhập cảnh từ Anh ngày 22/12/2020.

Biến chủng Anh phát hiện lần đầu tại ở Kent, đông nam nước Anh, hồi tháng 9/2020, gồm nhiều biến thể. Theo các nhà khoa học, biến thể mới của nCoV có khả năng lây truyền nhanh và mạnh hơn 70% so với các chủng trước đó, chưa có cơ sở cho thấy độc lực cao hơn, tại thời điểm nghiên cứu.

Đợt dịch cuối tháng 1 đến nay tại Hải Dương và Quảng Ninh, chưa rõ nguồn lây nhưng đều do biến chủng nCoV Anh, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh, thành về tình hình kinh tế - xã hội tháng 1, sáng 2/2.

Tại TP HCM, "bệnh nhân 1660", 28 tuổi, đến từ Hải Dương sau khi được giải trình tự gene ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cũng cho kết quả nhiễm biến chủng Anh.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sáng 31/1 công bố kết quả giải trình tự gene "bệnh nhân 1442", 25 tuổi, quốc tịch Nam Phi, nhiễm biến thể nCoV mới từ Nam Phi. Đây là trường hợp đầu tiên nhiễm chủng Nam Phi tại Việt Nam. Bệnh nhân này được cách ly ngay khi nhập cảnh.

Biến thể Nam Phi (501.V2 hay B.1.351) lần đầu tiên được phát hiện ở khu vực Vịnh Nelson Mandela hồi tháng 10. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng nó đã xuất hiện và lưu hành kể từ tháng 8, sau đó lan rộng khắp khu vực, bao gồm Cape Town - một địa điểm du lịch nổi tiếng. Biến thể đã nhanh chóng lây lan khắp châu Phi, được tìm thấy ở ít nhất 24 quốc gia bên ngoài lục địa.

Các nhà khoa học thế giới đánh giá biến thể nCoV tại Nam Phi đáng lo ngại hơn biến thể nCoV từ Anh do lây lan nhanh và có thể lẩn tránh vaccine.

Ngày 12/2, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) công bố kết quả giải trình tự gene mẫu dịch mũi họng "bệnh nhân 1979" và hai bệnh nhân thuộc tổ bốc xếp ở sân bay Tân Sơn Nhất cho thấy thuộc chủng A.23.1 ở Rwanda, châu Phi.

Nghiên cứu được thực hiện bởi Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM phối hợp đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU).

Qua phân tích, ba bộ gene của bệnh nhân trên có sự tương đồng trên 99,95%. Như vậy, chùm lây nhiễm gồm "bệnh nhân 1979" và các bệnh nhân tổ bốc xếp nhiều khả năng là xuất phát từ một nguồn lây.

Biến chủng này lần đầu tiên Việt Nam và Đông Nam Á. HCDC khẳng định chủng này không phải biến chủng Anh gây dịch tại Hải Dương, Quảng Ninh; cũng không phải chủng Nam Phi.

Ngoài ra, đợt dịch ở Đà Nẵng, khởi phát hồi cuối tháng 7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, biến chủng nCoV phát hiện ở Đà Nẵng tương tự với các chủng đang lưu hành ở nhiều quốc gia.

Thời điểm đó, đột biến nCoV lây lan rộng nhất trên thế giới có tên gọi D614G. Biến chủng này được cho là không mới, thường được gọi là thể G, xuất hiện lẻ tẻ trong các mẫu bệnh phẩm của người nhiễm nCoV từ khi dịch mới khởi phát ở Vũ Hán cho đến tận tháng 2/2020. Tuy nhiên, khi xâm nhập vào Mỹ và các nước châu Âu, thể G tăng lên nhanh chóng.

Các phân tích giai đoạn cuối tháng 7/2020, chủng D614G tồn tại ở hơn 70% ca nhiễm được xác nhận trên toàn thế giới, gần 100% tại châu Âu. Đột biến này của nCoV lây lan mạnh, độc tính không đổi.

Viết Tuân

Nhóm công nhân bốc xếp Tân Sơn Nhất phải xét nghiệm hàng ngày Nhóm công nhân bốc xếp Tân Sơn Nhất phải xét nghiệm hàng ngày
Ba chuỗi lây nhiễm và Ba chuỗi lây nhiễm và "tình huống nảy sinh bất ngờ" ở cụm dịch Tân Sơn Nhất

/ vnexpress.net