- Campuchia phát hiện 541 lao động nước ngoài bất hợp pháp tại công ty công nghệ
- Tiếp nhận 226 công dân Việt Nam từ Campuchia về nước
Ngày 21-9-2022, tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, đại diện UBND tỉnh, Bộ chỉ huy Biên phòng, Công an và các đơn vị chức năng tỉnh Tây Ninh đã tổ chức tiếp nhận 92 công dân Việt Nam trở về từ Campuchia. Trong số này có 71 người chạy thoát khỏi casino Lucky 88 vào ngày 17-9 và 21 người không có giấy tờ tùy thân được cảnh sát Campuchia phát hiện, giải cứu trong đợt kiểm tra các cơ sở kinh doanh khác ở một số tỉnh.
Ngay trong ngày, các đơn vị chức năng tỉnh Tây Ninh đã tập trung xác minh thân nhân, lai lịch và hỗ trợ kinh phí để những công dân này nhanh chóng trở về với gia đình.
Niềm tin mù quáng
Vào lúc 14h30 ngày 17-9- 2022, tại khu vực tòa nhà chung cư kinh doanh đánh bạc online (thuộc casino Luky 88 nằm gần khu vực cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh) do người Trung Quốc làm chủ ở ấp Bavet Kandal, phường Bavet, TP Bavet, tỉnh Svay Rieng, Vương quốc Campuchia có khoảng 60 người lao động tháo chạy về phía đồn cửa khẩu Bavet - Mộc Bài. Sau khi vào cuộc điều tra, đến gần tối cùng ngày, cảnh sát Campuchia đã yêu cầu công ty này đưa thêm 11 người ra trình diện.
Ngoài ra, qua đợt kiểm tra đột xuất đối với một số cơ sở kinh doanh khác, Cảnh sát Campuchia còn triệu tập thêm 21 công dân người Việt khác không có giấy tờ tùy thân lên thẩm vấn.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Cục Lãnh sự, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia đã chủ động, nhanh chóng liên hệ với các cơ quan chức năng của Campuchia để tìm hiểu vụ việc, tiến hành công tác xác minh nhân thân, làm thủ tục để tiếp nhận và đưa người về nước, đồng thời đề nghị phía Campuchia can thiệp, giải cứu những người còn lại.
Ngoài ra, ông Nguyễn Thanh Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo các đơn vị Biên phòng, Công an và các đơn vị có liên quan nắm tình hình vụ việc. Những trường hợp nào thuộc về công dân Việt Nam thì sẽ phối hợp cùng các cơ quan chức năng khác và lực lượng chức năng ở Campuchia để bảo hộ, hỗ trợ họ nhập cảnh về nước theo quy định. Đến sáng 21-9, các đơn vị này đã tổ chức tiếp nhận tổng cộng 92 công dân Việt Nam do phía Campuchia trao trả, trong đó có đến 2/3 số người này có quê ở vùng sâu, vùng xa của một số tỉnh miền núi phía Bắc như Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Lạng Sơn, Thanh Hóa... Số còn lại là người các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ.
T.T. Phương, một thanh niên ở tỉnh Sóc Trăng kể lại, quê anh ở huyện Vĩnh Châu, cha mất sớm, nhà không có ruộng đất nên quanh năm hai mẹ con đi làm thuê cho các chủ ruộng. Công việc của hai mẹ con là cuốc đất, đắp luống để trồng hành tím, đến mùa thu hoạch thì đi nhổ gốc, phân loại hành để chủ chuyển đi các tỉnh khác tiêu thụ. Bị ảnh hưởng từ tinh dầu hành trong thời gian dài khiến mắt của mẹ bị mờ nên hai mẹ con Phương quyết định xin nghỉ để tìm việc khác cho phù hợp. Trong thời gian nghỉ ở nhà, Phương thường lướt mạng để giết thời gian và vô tình thấy thông tin quảng cáo “việc nhẹ, lương cao” ở Campuchia.
Qua trao đổi với chủ tài khoản mạng, Phương được hứa nếu sử dụng máy tính thành thạo thì mỗi tháng được nhận lương 1.200 USD, còn bình thường thì 700-800 USD, bao ăn ở và không thu bất cứ loại phí nào. Nghĩ đây là cơ hội thoát khỏi cảnh quanh năm vất vả mà vẫn thiếu trước, hụt sau, đầu tháng 7-2022, Phương giấu mẹ mang chiếc xe Wave đi cầm được 1,5 triệu đồng làm lộ phí đi theo hướng dẫn đến khu rừng tràm gần cửa khẩu Xà Xía, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang ngồi chờ. Khoảng gần một giờ sau thì được một người chạy xe ôm chở đi bằng đường mòn, đến đường biên thì dừng lại bảo anh xuống chạy bộ một quãng rồi tiếp tục được một người khác đưa đến sòng bài ở gần cảng Sihanoukville.
Ngay lập tức Phương bị đưa vào phòng có khoảng vài chục người Việt, bên ngoài luôn có 7-8 bảo vệ có súng canh giữ suốt ngày đêm không cho bất cứ ai ra ngoài.
Hôm sau, tất cả được đưa đến casino gặp một số người đàn ông nói tiếng Trung Quốc và thông qua người phiên dịch, họ bảo tổng chi phí các loại để đưa một người đến đây là 70 triệu nên mọi người phải làm việc theo chỉ đạo của họ để vừa trừ nợ, vừa có tiền ăn, khi nào trả hết nợ thì có lương... Nếu ai không muốn làm thì phải trả gấp đôi số tiền này mới được thả về, nếu không sẽ bị bán cho chủ khác.
“Vỡ ra chuyện mình ngu muội, thiếu hiểu biết nên bị lừa thì đã muộn nên đành cắn răng gọi điện về cho mẹ mang cầm căn nhà lá lấy tiền chuộc thân nhưng cũng chỉ được gần trăm triệu. Chưa trả hết tiền chuộc, họ nhốt tôi vào một căn phòng ở khu hoang vắng cùng mấy thanh niên khác. Cũng may thời điểm này cảnh sát Campuchia kiểm tra gắt gao nên chúng tôi mới có cơ hội phá cửa ra ngoài và được một người dân tốt bụng chỉ cách bắt xe đi về hướng TP Bavet (gần cửa khẩu Mộc Bài) chứ ra cửa khẩu Xà Xía thì khả năng bị bắt lại là rất cao...”. Anh Phương chua xót kể.
Cay đắng nhất có lẽ là trường hợp anh N.V. Hoàng ở tỉnh Gia Lai. Đang có hơn sào rẫy trồng tỉa là nguồn kinh tế nuôi cả gia đình gồm cha mẹ và 5 anh em, nghe theo lời đường mật của một thanh niên trước đó từng bị lừa sang Campuchia làm “việc nhẹ, lương cao”, anh đem cầm cố lấy tiền làm lộ phí rồi khăn gói quả mướp lên đường. Đến cánh rừng cao su gần cửa khẩu Hoa Lư, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước thì xuống xe ngồi chờ đến chập choạng tối thì được đưa qua biên giới theo đường mòn rồi lên xe ô tô 15 chỗ chờ sẵn. Trước khi tiếp tục lên đường, người trên xe ô tô đưa cho thanh niên đưa anh đi một xấp tiền rồi lập tức tăng ga cho xe lao vút vào sâu trong đất Campuchia và điểm đến cuối cùng là một chung cư cao tầng ở TP Bavet (gần cửa khẩu Mộc Bài).
Bị bắt học chiêu trò lừa đảo qua mạng, anh Hoàng không chịu thì bị mấy người nói tiếng Trung Quốc thông qua phiên dịch yêu cầu nộp 3.000 USD tiền chuộc. “Sẵn có hơn chục triệu tiền cầm cố ruộng rẫy, tôi chìa ra rồi năn nỉ họ bớt và tha cho nhưng họ giật phắt tiền bỏ vào túi rồi cho bảo vệ nhốt lên tầng cao chờ bán cho chủ khác. Cũng may, có đợt tháo chạy tập thể, bảo vệ bị dàn mỏng nên tôi mới phá cửa chạy theo và sau đó được cảnh sát Campuchia đưa đến tập trung ở cửa khẩu Bavet lấy lời khai.
Được về với quê hương nơi mình sinh sống tôi mừng lắm, nhưng cũng chồng chất nỗi lo bởi ruộng rẫy đã mang cầm cố hết nên không biết những ngày tháng tới cả nhà với 7 miệng ăn bấu víu vào đâu...
Dùng người mình lừa người mình
Là một trong những người chạy trốn tập thể khỏi casino Lucky88 ở TP Bavet, anh V. Sùng, quê ở một huyện vùng sâu tỉnh Điện Biên chia sẻ, do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nên học xong cấp 3, anh trở về phụ giúp cha mẹ cắt cỏ, chăn trâu thuê kiếm sống. Trong lúc cùng đám trẻ trâu lướt mạng thì thấy có trang quảng cáo nhận người làm việc ở Campuchia, chỉ cần biết chút máy tính là có thể kiếm được 15-20 triệu/tháng.
Ở cái nơi thâm sơn cùng cốc ngày kiếm ba bữa ăn còn vất vả nên khi thấy quảng cáo, anh lập tức liên hệ và được chủ tài khoản mạng khẳng định chỉ phải bỏ tiền xe đi vào TP Hồ Chí Minh, tập trung tại một điểm ở bến xe An Sương rồi tiếp tục liên hệ sẽ có người đón, còn những chi phí khác được miễn. Nhờ mấy người thân bảo lãnh, Sùng được một chủ ghi số đề cho vay gần chục triệu với lãi suất cao làm lộ phí. Không có giấy tờ tùy thân nên không thể đi máy bay, lại chưa từng ra phố nên không biết đường đi nước bước khiến Sùng phải mất 5 ngày đêm, hỏi thăm nhiều người, chuyển gần chục nhà xe mới đến được bến xe An Sương, TP Hồ Chí Minh.
Vừa xuống xe, Sùng được một người đàn ông khoảng trên 30 tuổi đưa lên xe ô tô khác cùng gần chục thanh niên cũng ở miền Bắc thẳng tiến đến khu vực biên giới thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An tiếp giáp với Campuchia và ngay trong đêm được đưa vượt biên rồi di chuyển đến TP Bavet nhốt vào căn phòng nhỏ có nhiều người bảo vệ đeo súng. Sáng hôm sau, 8 bảo vệ cùng 2 người mặc áo sơ mi không biết nói tiếng Việt đến mở cửa phòng bảo: “Mỗi đứa đến được đây, bọn tao phải trả chi phí mất 50 triệu nên tất cả phải nghe lời, làm việc để trừ nợ, đứa nào làm tốt thì có lương. Đứa nào không chịu thì nộp 50 triệu sẽ được thả, còn không sẽ bị bán cho chủ khác...”. Cả đám thanh niên còn ngơ ngác chưa kịp hiểu gì thì đã bị dồn vào một phòng, bắt lên mạng thực hành những chiêu trò lừa đảo mà họ dàn dựng sẵn.
Xong “khóa” học kéo dài 5 ngày, Sùng cùng những thanh niên người Việt khác bị buộc hằng ngày lên mạng dụ dỗ những người Việt khác tham gia nhiệm vụ nạp tiền vào app để nhận lãi. Những giao dịch đầu tiên, họ được rút tiền lãi như cam kết và cuối cùng là yêu cầu chuyển số tiền lớn hàng trăm triệu khiến nhiều người không đủ khả năng nạp nên mất luôn số tiền gốc. Thời gian đầu, Sùng cùng những thanh niên này được giao chỉ tiêu phải lừa đảo được 3 triệu đồng. 15 ngày sau, con số tăng lên 5 triệu đồng, 10 ngày tiếp đến là 15 triệu đồng, rồi 30 triệu đồng một ngày. Việc anh trao đổi với các “con mồi” hoặc ra ngoài mua đồ ăn, đồ dùng sinh hoạt đều bị bảo vệ có trang bị súng, dùi cui điện giám sát chặt chẽ.
Nhận thấy việc đi lừa người khác là tội lỗi, Sùng cùng một số thanh niên bàn tính chuyện bỏ trốn nhưng chưa kịp thực hiện đã bị bảo vệ phát hiện, đánh cho một trận tơi bời rồi buộc phải lừa đảo tiếp. Trước tình cảnh này, một số thanh niên đã gọi điện thoại về gia đình nhờ cha mẹ, người thân vay tiền gửi sang chuộc thân rồi về nước “cày” trả nợ, còn Sùng cùng một nhóm khác do không thể vay được nữa nên đành bảo nhau tiếp tục làm việc nhưng chỉ ở mức cầm chừng chờ cơ hội tiếp tục trốn mặc dù có thể bị đe dọa đến tính mạng...
Đối diện với chúng tôi, anh N.V.T nghẹn ngào: “Quê em ở huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhà không có ruộng đất nhưng mấy cha con đi rừng, kéo củi thuê cũng có thể kiếm ngày ba bữa cơm, lại còn dư được dăm ba chục ngàn phòng những ngày mưa bão. Đang yên lành thì vào một ngày đầu tháng 6-2022, có hai thanh niên trong vùng đến rỉ tai hỏi có muốn đi làm việc ở Campuchia không, chỉ cần học cách đánh máy tính rồi lướt mạng là mội tháng có thể kiếm được trên chục triệu, nếu làm tốt có thể được đến vài ba chục triệu.
“Hơn hai chục tuổi đầu mà chưa từng một lần ra phố tỉnh, suốt ngày chỉ quanh quẩn với những lối mòn trong rừng, làm thân với những vách đá vô tri, vô giác nên khi nghe những lời đường mật, nhìn hai thanh niên đi xe đẹp, dùng điện thoại xịn, quần áo sáng láng thì em tin ngay. Cứ ngỡ ra đi là sẽ giúp được đổi đời, có thể giúp gia đình vượt qua khó khăn nên em bàn với anh trai bán chiếc xe máy cà tàng là chiếc cần câu cơm duy nhất của gia đình rồi vay thêm hàng xóm ít tiền làm lộ phí đi đường đến nơi nhận việc làm mới, không ngờ khi trở về lại trắng tay, mà còn nợ nần chồng chất... Lần này thoát được là may mắn lắm rồi. Về quê tiếp tục đi rừng vác củi thuê, tuy vất vả nhưng là nghề lương thiện, chứ cứ làm cái việc đi lừa tiền của những bà con ở quê hương mình thì tội lỗi lắm, có gột rửa cả đời cũng không sạch. Về đến quê, em cũng bớt chút thời gian tìm gặp những thanh niên trong vùng, nói với họ rằng “việc nhẹ lương cao” chỉ là cái bẫy chứ không phải thiên đường đâu!”.
https://antg.cand.com.vn/Ho-so-Interpol/chua-chat-tro-ve-tu-thien-duong-viec-nhe-luong-cao-i668731/