Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, không phải cấm hẳn xe máy mà Hà Nội chỉ đưa ra lộ trình từ nay đến năm 2030 sẽ hạn chế xe máy.
Hà Nội sẽ có xe mini buýt
Sáng 24/7, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội trả lời cho câu hỏi: Vì sao Hà Nội lại đặt ra lộ trình hạn chế xe máy đến năm 2030?
Trả lời câu hỏi trên, ông Chung lý giải: Để thực hiện nghị quyết nêu trên, thành phố lên kế hoạch xây dựng các tuyến tàu điện ngầm (Metro) nhằm nâng cao năng lực vận tải hành khách của các phương tiện công cộng.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung |
Theo ông Chung, kế hoạch trên đã được Thủ tướng đồng ý. Ông Chung cho biết, Hà Nội kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP chứ không vay vốn ODA để xây dựng các tuyến Metro trên. Vẫn theo lời Chủ tịch UBND thành phố, hiện có 3 nhà đầu tư nước ngoài và 6 nhà đầu tư trong nước cho biết sẽ đầu tư vào các dự án Metro của Hà Nội.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ phát triển mạnh giao thông công cộng. theo kế hoạch từ nay tới năm 2020, thành phố sẽ tăng thêm 1.000 đến 1.500 xe buýt mở thêm nhiều lộ trình xe buýt cũng như nhiều loại hình xe buýt.
"Hà Nội sẽ có mini buýt, xe buýt như hiện nay và có thêm cả những loại hình xe buýt nhỏ hơn nữa để phục vụ các tour du lịch vận hành trong nội đô thành phố", ông Chung thông tin.
Ông Chung khẳng định, khi nào phương tiện công cộng đáp ứng được từ 50-70% lượng người tham gia lúc đó Hà Nội mới tính phương án hạn chế và tính tới cấm dần xe máy.
Khó thực hiện
Cấm xe máy là chủ đề được bàn đến từ lâu nhưng vẫn là bài toán khó đối với các nhà quản lý.
TÌnh trạng ùn tắc xe ở Hà Nội |
Ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: "Dự báo đến năm 2030, chúng ta sẽ có 1,9 triệu xe ô tô và 7,5 triệu xe máy trên đường - nhưng có mâu thuẫn giữa sự phát triển cơ sở hạ tầng và nhu cầu vận chuyển của người dân".
Theo ông Viện, nếu không hành động lúc này, Hà Nội sẽ phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng như: quá tải cơ sở hạ tầng và mức ô nhiễm tăng cao, ảnh hưởng đến bầu không khí thành phố.
"Chúng tôi phải đảm bảo cả sự di chuyển và và chất lượng sống của người dân Hà Nội”, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội chia sẻ trên một tờ báo nước ngoài cho biết.
Khi được hỏi, rất nhiều ý kiến đồng ý rằng ô nhiễm là vấn đề lớn, nhưng đa số không tin cấm xe máy sẽ cải thiện tắc nghẽn hoặc ô nhiễm.
Mặc dù được cảnh báo Hà Nội đang nghẹt thở vì khói bụi của 5 triệu xe máy và sự gia tăng ngày càng nhanh của loại hình vận tải này nhưng việc cấm ngay xe máy là một thách thức rất lớn. Câu chuyện ở đây không chỉ là thói quen đi lại mà còn liên quan tới tài sản cá nhân, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Nút thắt của vấn đề là những lo ngại như: hạ tầng giao thông kém, người dân còn khó khăn và đa số đi xe máy; phương tiện giao thông công cộng chưa phát triển, tuyến buýt nhanh đầu tiên Kim Mã - Yên Nghĩa không hiệu quả; mật độ dân số tăng cao, nhà cao tầng mọc lên trong nội đô ngày càng nhiều… tất cả chưa có được câu trả lời nào đủ thuyết phục người dân từ bỏ xe máy để sử dụng phương tiện công cộng.
Cử tri Trần Ngọc Toán (phường Tràng Tiền) đặt câu hỏi: “Nếu cấm xe máy người dân đi lại bằng gì? Cấm xe máy chẳng khác gì chỉ bảo vệ cho người giàu đi ôtô”, ông Toán nói và kiến nghị cơ quan chức năng cần khảo sát số lượng xe máy của từng gia đình, có lộ trình loại bỏ xe cũ nát, hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện cá nhân và quản lý ôtô cá nhân như đối với xe máy.
Trước đó ngày 4/7, HĐND TP Hà Nội đã thông qua đề án về tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030.
Theo nghị quyết, thành phố sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030; tổ chức thống kê, phân loại theo khu vực (quận, huyện), niên hạn, chủng loại toàn bộ xe máy trên địa bàn thành phố; phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng.