Mọi nỗ lực trong suốt 2 năm qua để hồi sinh dự án Xơ sợi Đình Vũ với tổng mức đầu tư hàng trăm triệu USD đang có nguy cơ “đổ xuống sông xuống biển” bởi những nguyên nhân khác nhau.
Với 12 dây chuyền DTY đã được khởi động lại và cho sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, việc “hồi sinh” Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ - một trong 12 dự án thua lỗ của ngành công thương đang đạt được kết quả khả quan nhưng đến thời điểm này, khó khăn vẫn còn rất lớn để có tiến tới khởi động lại toàn bộ Nhà máy.
Doanh thu và lợi nhuận ổn định
Tại buổi làm việc với Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX) và đối tác Tập đoàn An Phát ngày 24/6, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Trần Sỹ Thanh cho biết, việc “hồi sinh” Nhà máy Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ đã đạt được những kết quả ban đầu.
Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Trần Sỹ Thanh phát biểu tại buổi làm việc ngày 24/6/2019. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN
Kể từ khi 3 dây chuyền ban đầu được khởi động lại vào ngày 20/4/2018, đến nay Nhà máy đã có 12 dây chuyền/25 dây chuyền hoạt động ổn định, liên tục và cho ra sản phẩm sợi DTY đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường.
Theo Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX) Đào Văn Ngọc, từ 20/4/2018 - 31/10/2018, tổng sản lượng đạt 1.437,71 tấn sợi các loại, đến ngày 14/6/2019 tổng lượng sản phẩm bán ra là 1.318 tấn, doanh thu là 50,55 tỷ đồng.
Theo ông Ngọc, đến ngày 7/6/2019, PVTex phối hợp với Tập đoàn An Phát đã sản xuất được 4.410 tấn sợi DTY, doanh thu đạt gần 200 tỷ đồng, mang lại hiệu quả kinh tế trước chi phí cố định.
Đặc biệt, sản phẩm sợi DTY của PVTEX được thị trường chấp nhận và được tổ chức Oeko-Tex (Đức) cấp chứng nhận chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường châu Âu. Nhờ vậy, sản phẩm của PVTex đã xuất khẩu sang Mỹ, Hàn Quốc và Thái Lan.
Với những kết quả này, PVTEX không chỉ duy trì được hệ thống máy móc thiết bị, đội ngũ nhân công lao động mà còn bước đầu tạo ra lợi nhuận trước chi phí cố định, đồng thời bảo toàn phần vốn vay của các cổ đông.
Phát biểu tại buổi làm việc, Đại diện Tập đoàn An Phát cũng cho biết, tính đến hết tháng 5, Công ty An Sơn (đơn vị trực tiếp phối hợp với PVTEX) và Tập đoàn An Phát đã đầu tư 200 tỷ đồng để chạy lại 12 dây chuyền sản xuất sợi của Nhà máy.
Đặc biệt, sản phẩm mới là sợi AnPoly không chỉ được tiêu thụ rất tốt tại thị trường nội địa mà còn xuất khẩu được 400 tấn sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc.
Ngoài ra, với việc khảo sát đánh giá các dây chuyền, An Phát cho rằng tất cả các dây chuyền của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật để có thể chạy lại toàn bộ.
Về phía lãnh đạo Công ty PVTEX, Chủ tịch, kiêm Tổng Giám đốc Đào Văn Ngọc cũng cho biết, đến nay, toàn bộ công việc “giải cứu” Nhà máy đã được triển khai đúng chủ trương, phương án được phê duyệt.
Bên cạnh đó, với các giải pháp sáng tạo, việc giải cứu đã đem lại kết quả thiết thực. Nhà máy đến nay được bảo quản tốt, đã vận hành được một phần, tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu về chất lượng của thị trường.
Gian nan khởi động toàn bộ Nhà máy
Mọi nỗ lực trong suốt 2 năm qua để hồi sinh dự án Xơ sợi Đình Vũ với tổng mức đầu tư hàng trăm triệu USD đang có nguy cơ “đổ xuống sông xuống biển” bởi những nguyên nhân khác nhau, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Trần Sỹ Thanh đã cảnh báo như vậy tại buổi làm việc ngày 24/6.
Theo ông Thanh, thời gian qua đã có nhiều cơ quan báo chí đăng thông tin sai lệch, tiêu cực về PVTEX và các lãnh đạo tham gia giải cứu PVTEX.
Những thông tin sai lệch này không chỉ gây hoang mang cho các cán bộ công nhân viên PVTEX mà còn ảnh hưởng rất lớn tới uy tín của đối tác là Tập đoàn An Phát, ảnh hưởng tới thị giá cổ phiếu của An Phát trên thị trường chứng khoán. Điều này đã và đang đang đẩy việc hợp tác tới bờ vực phá sản, ông Thanh chỉ rõ.
Hiện An Phát là doanh nghiệp nhựa tư nhân gần như duy nhất vẫn giữ được 100% vốn Việt Nam trong khi nhiều doanh nghiệp khác đã bị nước ngoài "thôn tính". "Vì vậy, việc bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có An Phát là thực sự cần thiết, vì lợi ích lâu dài", ông Thanh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng tác động không nhỏ đến thị trường đầu ra của sản phẩm dệt sợi; trong đó có sản phẩm của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc PVTEX Đào Văn Ngọc nhấn mạnh.
Thực tế là từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung xảy ra, hàng hoá của Trung Quốc gặp khó khăn khi tiêu thụ vào Mỹ đã quay ra xuất khẩu ồ ạt vào các thị trường lân cận, đặc biệt là Việt Nam.
Cụ thể, từ tháng 10/2018 đến tháng 4/2019, sợi polyester filament nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng 26,6% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, theo tính toán của các doanh nghiệp dệt sợi Việt Nam dựa trên giá vốn thực tế trong tương quan so sánh với giá vốn doanh nghiệp Trung Quốc khai báo ở hải quan khi nhập khẩu, các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc đang bán phá giá trên 25% tại thị trường Việt Nam, ông Ngọc cho biết.
Theo đó, việc bán phá giá các sản phẩm dệt sợi của doanh nghiệp Trung Quốc đang khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam phải dừng một phần hoặc dừng hẳn sản xuất.
Công nhân làm việc tại phân xưởng sợi DTY của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN
Minh chứng rõ nét nhất là Công ty Nan Ya Formosa (công ty 100% vốn nước ngoài), Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ chỉ chạy được 70% công suất thiết kế; Công ty sợi Nam Việt phải giảm công suất xuống 50%, trong khi Công ty Đông Tiến Hưng phải tạm ngưng hoạt động do thua lỗ.
Về phía PVTEX, Công ty cũng không tránh khỏi khó khăn trong khôi phục lại hoạt động Nhà máy do ảnh hưởng tiêu cực của việc bán phá giá này.
Chung tay “hồi sinh” Nhà máy
Theo Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc PVTEX Đào Văn Ngọc, hiện PVTEX tiếp tục làm việc với đối tác An Phát để sắp xếp tài chính cho việc chạy lại toàn bộ Nhà máy.
Hiện tại, đối tác An Phát đã thu xếp được hơn 400 tỷ đồng chuẩn bị cho việc chạy lại toàn bộ 29 dây chuyền sản xuất sợi DTY của Nhà máy (trong đó có 4 dây chuyền dự phòng).
Còn nguồn tài chính cho việc chạy lại toàn bộ Nhà máy dự kiến khoảng 1.000 tỷ đồng đang được PVTEX và Tổ hợp APH (bao gồm Công ty cổ phần An Phát Holdings, Công ty Fortrec Chemical và Reliance Pte.Ltd) tập trung thương thảo các nội dung cụ thể.
Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc PVTEX Đào Văn Ngọc phát biểu tại buổi làm việc ngày 24/6/2019. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN
Hiện hai bên cũng đã thống nhất xây dựng hoàn thành Kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm (2020-2024) và sẽ được các bên báo cáo trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong thời gian tới làm nền tảng cho việc ký kết Hợp đồng hợp tác.
PVTEX đặt mục tiêu trong quý III/2019 sẽ ký hợp đồng hợp tác với An Phát và các đối tác để chuẩn bị công tác bảo dưỡng, tuyển dụng, đào tạo, tiến tới chạy lại toàn bộ Nhà máy vào cuối năm 2019.
Tại buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng đã đề nghị lãnh đạo Nhà máy tiếp tục bám sát các chỉ đạo về phương án “giải cứu” Dự án đã được Chính phủ thông qua để yên tâm hoạt động.
Bên cạnh đó, các cổ đông; trong đó có cổ đông là Tổng Công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí (cổ đông chiếm 25%) cần thực hiện nghiêm túc các cam kết với PVTEX trong việc khởi động lại Nhà máy.
PVTEX và An Phát cũng cần rà soát lại các khó khăn trong quá trình đàm phán, báo cáo cổ đông để chung tay giải quyết.
Ngoài ra, Ban Lãnh đạo Nhà máy cần tập trung vào sản xuất, duy trì chất lượng sản phẩm đi đôi với việc bảo trì bảo dưỡng các dây chuyền chưa khởi động của Nhà máy để sẵn sang khi đủ điều kiện hội tự có thể khởi động lại toàn bộ Nhà máy.
Ông Hùng cũng cho biết, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã báo cáo với Bộ Công Thương tổ chức điều tra bán chống phá giá với các sản phẩm sợi của nước ngoài nhập khẩu vào thị trường Việt Nam để đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng với doanh nghiệp Việt Nam.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Lê Mạnh Hùng đề xuất giải pháp hồi sinh Dự án Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Trần Sỹ Thanh đề nghị An Phát tiếp tục thực hiện cam kết cùng PVTEX “trên một con thuyền” để khởi động lại toàn bộ nhà máy theo kế hoạch trên nền tảng kế hoạch hợp tác 5 năm đã được đàm phán.
Ông Thanh cũng cho biết sẽ làm việc với Bộ Công an để đảm bảo vấn đề an ninh cho Dự án có thể hoạt động bình thường, nhất là không để các thông tin sai lệch có thể ảnh hưởng tới việc hợp tác của các bên trong việc “hồi sinh” toàn bộ Dự án này.
Về phần mình, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Trần Sỹ Thanh khẳng định sẵn sàng chịu trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ về các quyết sách với phương án giải cứu Nhà máy.
“Không có lý do gì mà lại để dự án đã được hồi sinh lại chết tiếp”, ông Thanh khẳng định./.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chủ động, đồng hành ứng phó với biến đổi khí hậu
Ngày 18/6, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo “Ứng phó ... |
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam góp phần quan trọng cân đối ngân sách Trung ương
Trong các năm 2017, 2018 và những tháng đầu năm 2019, thu ngân sách Nhà nước đã không ngừng tăng lên, trong đó có những ... |
Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Trần Sỹ Thanh tiếp xúc cử tri tại Lạng Sơn
Ngày 23/4, đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, Bí thư Đảng ủy, ... |