Chủ tịch Hà Nội: Một số nơi có biểu hiện kèn cựa địa vị, bè phái

Ông Nguyễn Đức Chung nêu tình trạng mất đoàn kết nội bộ vẫn còn xảy ra ở một số nơi, hay việc bớt xén thời gian làm việc, đùn đẩy trách nhiệm, có biểu hiện cục bộ, kèn cựa địa vị, ganh tị.

Ông Nguyễn Đức Chung nêu tình trạng mất đoàn kết nội bộ vẫn còn xảy ra ở một số nơi, hay việc bớt xén thời gian làm việc, đùn đẩy trách nhiệm, có biểu hiện cục bộ, kèn cựa địa vị, ganh tị.

Hội thảo khoa học “Nâng cao trách nhiệm công vụ, đẩy mạnh dân vận chính quyền phục vụ phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội trong điều kiện mới” được Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản và TP Hà Nội phối hợp tổ chức hôm qua.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, với mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm để phục vụ, trong thời gian qua tất cả hệ thống bộ máy chính trị của TP đã quyết tâm thực hiện việc tăng cường trật tự, kỷ cương hành chính.

Đồng thời nâng cao vai trò nêu gương, đạo đức công vụ, tinh thần, ý thức, cũng như văn hóa ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung: Một bộ phận công chức vẫn còn vô cảm 

Theo ông, công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức TP có nhiều đổi mới. Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP được triển khai sâu rộng; kỷ luật, kỷ cương hành chính được đặc biệt quan tâm, kịp thời chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo TP, việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính ở một số đơn vị chưa nghiêm. Vẫn còn một bộ phận công chức, viên chức năng lực hạn chế.

Tình trạng vi phạm, sách nhiễu, lạm quyền, cửa quyền vẫn còn xảy ra. Thái độ của một bộ phận vẫn còn vô cảm trước những vấn đề bức thiết của đời sống dân sinh, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Trong tham luận với tựa đề “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao chất lượng thực thi công việc và đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức TP Hà Nội trong giai đoạn hiện nay”, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu rõ, vẫn còn nhiều cán bộ công chức, viên chức giải quyết công việc cho dân theo kiểu “ban ơn”, chưa thực sự đúng nghĩa là “công bộc” của dân, chưa đúng nghĩa là quan hệ giữa người phục vụ và người được phục vụ.

Bên cạnh đó, tình trạng mất đoàn kết nội bộ một số nơi vẫn còn xảy ra, hay việc bớt xén thời gian làm việc, đùn đẩy trách nhiệm, có biểu hiện cục bộ, kèn cựa địa vị, ganh tị, bè phái, lợi ích nhóm, thiếu sự phối hợp dẫn đến hiệu quả công việc chưa cao.

Ông Chung thông tin, từ 2016 đến tháng 9 năm nay, các cơ quan TP đã xử lý kỷ luật hơn 2 nghìn cán bộ, công chức, viên chức, trong đó kỷ luật với hình thức buộc thôi việc, đưa ra khỏi bộ máy nhà nước 43 người.

Chủ tịch Hà Nội cho hay, TP đã đúc rút ra nhiều bài học đắt giá về trách nhiệm công vụ, cũng như trong công tác dân vận chính quyền. Như bài học đối thoại với nhân dân trong giải quyết các vấn đề nóng, ứng xử, phát ngôn, phản biện của báo chí về cung cấp, giải quyết những vấn đề dân sinh.

Trước có thái độ thách đố người dân, giờ đã chuyển biến

Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà cho biết, trong những năm vừa qua vẫn còn có những vụ việc cán bộ, công chức có vi phạm đạo đức công vụ,  gây nhũng nhiều, phiền hà đến DN, người dân trong quá trình giải quyết.

Bà Hà nhắc lại vụ giải quyết thủ tục hành chính tại phường Văn Miếu; việc bảo kê các phương tiện vận tải; một số đối tượng vòi vĩnh, thu tiền bốc dỡ tại chợ Long Biên; vụ ăn chặn hàng từ thiện tại trung tâm nuôi dưỡng người già...

Giám đốc Sở Nội vụ nhận định, có một sự trì trệ, sách nhiễu, cửa quyền, suy thoái đạo đức công vụ của cán bộ, công chức mà chủ yếu do một số nguyên nhân: Công tác tuyên truyền, triển khai các quy định của TƯ, TP, một số đơn vị chưa thường xuyên quyết liệt; một số vụ việc trong nội bộ hoặc một số lãnh đạo còn tư tưởng bao che, sợ ảnh hưởng đến thành tích, sợ ảnh hưởng đến thi đua của đơn vị.

Phó trưởng Ban Dân vận TƯ Bùi Tuấn Quang đánh giá, cán bộ công chức trước đây có thái độ thách đố người dân, giờ đã có chuyển biến rõ ràng, dù còn nhưng cũng rất hãn hữu.

Phó trưởng Ban Dân vận TƯ Bùi Tuấn Quang

Ông cũng cho rằng, việc đối thoại gần đây đã trở thành nhu cầu tất yếu và nội tại của chính quyền. Trước đây khi có vấn đề, người dân muốn đối thoại nhưng chính quyền lảng tránh, bây giờ thì khác, không riêng Hà Nội mà các tỉnh thành khi có vấn đề thì chính quyền đã chủ động mời người dân đối thoại để tìm tiếng nói chung.

Theo ông Quang, Hà Nội là điển hình về đối thoại từ lãnh đạo TP đến cấp xã phường, lắng nghe người dân và quan tâm giải quyết.

Hương Quỳnh  20/12/2019    06:00 GMT+7

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu công an điều tra vụ bé 12 tuổi bị đánh ở Ciputra

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan tổ chức xác minh, điều tra vụ việc cháu bé 12 tuổi bị hàng xóm ...

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu làm rõ vụ chôn trộm chất thải nguy hại ở Sóc Sơn

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung giao các sở, ngành và công an điều tra làm rõ việc chôn trộm chất thải ...

Chuyên gia Nhật Bản xin lỗi Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung vì "hiểu lầm phát ngôn"

Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản JEBO gửi lời xin lỗi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ...

/ vietnamnet.vn