Chu Ân Lai và Kissinger nói gì về Việt Nam trong cuộc gặp năm 1971?

Trong cuộc gặp với Tiến sĩ Kissinger Mỹ vào năm 1971, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã nói nhiều điều về Việt Nam, lúc đó đang có chiến tranh.

Dưới đây là phần trích dịch biên bản cuộc hội đàm giữa Tổng lý (tức Thủ tướng) Trung Quốc Chu Ân Lai và Tiến sĩ Henry A. Kissinger – Cố vấn cho Chủ tịch Các vấn đề an ninh Quốc gia Mỹ vào ngày 9/7/1971 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Cuộc họp này kéo dài từ sáng sớm đến đêm muộn. (Các tít phụ do VOV đặt.)

Ông Kissinger về sau trở thành Ngoại trưởng thứ 56 của Mỹ (từ năm 1973-1977). Kissinger tham gia hòa đàm về lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Dự cuộc họp này về phía Trung Quốc còn có Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Yeh Chien-ying, Đại sứ Trung Quốc tại Canada Huang Hua, Vụ trưởng Vụ Tây Âu và châu Mỹ Bộ Ngoại giao Trung Quốc Chang Wen-chin. Về phía Mỹ có thêm 3 chuyên viên cấp cao về các vấn đề an ninh quốc gia.

Toàn văn biên bản cuộc nói chuyện Chu Ân Lai-Kissinger này là tài liệu số 139 (bằng tiếng Anh) nằm trong Tập 17 của Quan hệ Đối ngoại của Mỹ, giai đoạn 1969-1976, phần về Trung Quốc (1969-1972). Tài liệu được đăng tải trên trang web chính thức của Cục Sử gia thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ (tại địa chỉ mạng: history.state.gov/).

Cuộc họp Chu Ân Lai-Kissinger 1971 được tổ chức trong bối cảnh Chiến tranh Việt Nam đang diễn ra khốc liệt và Tổng thống Mỹ Richard Nixon sắp thăm Trung Quốc vào năm 1972.

Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai (bìa trái) gắp thức ăn cho ông Henry Kissinger tại một bữa tiệc ở Bắc Kinh năm 1971. (Ảnh: Thư viện Quốc hội Mỹ). 

***

Nể phục Hai Bà Trưng, thừa nhận Việt Nam là dân tộc vĩ đại

Thủ tướng Chu Ân Lai: Đó là một đất nước anh hùng (ý nói về Việt Nam – ND).

Tiến sĩ Kissinger: Họ là dân tộc anh hùng, dân tộc vĩ đại

Thủ tướng Chu Ân Lai: Họ là một dân tộc vĩ đại, anh hùng, và đáng ngưỡng mộ. Hai ngàn năm trước, Trung Quốc đã xâm lược họ (Việt Nam – ND) và rồi Trung Quốc bị đánh bại. Trung Quốc đã bị đánh bại bởi 2 nữ tướng.

Và khi tôi tới Việt Nam với tư cách là một đại diện của nước Trung Hoa mới đi thăm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cá nhân tôi đã đi viếng mộ của 2 nữ tướng đó và đặt vòng hoa lên mộ để tỏ lòng kính trọng 2 nữ anh hùng nãy – những người đã đánh bại tổ tiên chúng tôi, những người đã đi bóc lột (bóc lột dân tộc Việt - ND).

Ở Pháp có nhân vật Jeanne d'Arc mang tầm vóc như vậy.

Khẳng định Hồ Chí Minh sẽ đắc cử áp đảo nếu bầu cử diễn ra ngay sau Hiệp định Geneva

Thủ tướng Chu Ân Lai: Vì vậy, người dân Việt Nam cảm thấy họ bị lừa gạt lớn vào thời điểm này. Quy định đã nêu rõ ràng rằng một năm sau khi Hiệp định Geneva 1954 ký kết, một cuộc trưng cầu dân ý sẽ được tổ chức ở Việt Nam và rằng cả người dân miền Bắc và miền Nam Việt Nam sẽ cùng nhau tổ chức các ban bầu cử để vạch ra luật bầu cử. Bất cứ luật bầu cử nào được xây dựng nên, với sự giám sát của quốc tế thì chắc chắn rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ trúng cử nếu một cuộc bầu cử diễn ra. Trái tim người dân đặt vào đó cả. Không thể đi ngược xu hướng, đi ngược sự tiến hóa của lịch sử.

 Đối với điều này, chúng ta phải theo quan điểm thực tế lịch sử. Người dân Việt Nam dành tình yêu dạt dào cho Hồ Chí Minh. Ông ấy đem lại cho họ ý thức về phẩm giá dân tộc, niềm tự hào dân tộc. Tôi với ông ấy là chỗ bạn cũ của nhau từ rất lâu rồi. Cá nhân tôi biết Hồ Chí Minh vào năm 1922.

(...)

 Ảnh chụp một góc màn hình website Cục Sử gia, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 16/7/2019, ở trang lưu biên bản hội thoại giữa Chu Ân Lai và Henry Kissinger năm 1971.

Thủ tướng Chu Ân Lai: Chính hoạt động của Mỹ đã đi ngược lại tất cả những điều đó và đã cưỡng ép nuôi dưỡng các con rối Ngô Đình Diệm để lật đổ chế độ Bảo Đại vào lúc đó, rồi phá hoại Hiệp đinh Geneva. Theo cách này, Hiệp định Geneva đã bị vi phạm hoàn toàn.

Và kết quả là đông đảo quần chúng miền Nam Việt Nam đã không thể đạt được sự giải phóng. Lẽ tất nhiên họ rất thất vọng. Một lần nữa họ lại phải chịu đựng áp bức và thảm sát.

Hàng trăm ngàn người dân miền Nam Việt Nam bị tống vào tù hoặc bị sát hại. Nhiều người tập kết ra Bắc theo điều khoản của Hiệp định Geneva. Phong trào yêu nước của người dân miền Nam Việt Nam bắt đầu diễn tiến theo con đường đó. Tổng thống Kenendy đứng đằng sau điều này. Trước khi bị ám sát, Kennedy đã giật dây để cả Diệm lẫn em trai ông ta đều bị giết.

Những điều này tất yếu dẫn tới sự trỗi dậy của phong trào kháng chiến chính nghĩa của người dân miền Nam Việt Nam...

Nêu cao tinh thần độc lập, tự lực cánh sinh của Việt Nam

Thủ tướng Chu Ân Lai: (....) Nhân dân Việt Nam đã tiếp tục phong trào kháng chiến cho tới ngày hôm nay. Ông biết là người Việt Nam đã không yêu cầu người Trung Quốc gửi quân đội sang. Họ tự dựa vào bản thân mình trong 10 năm qua. Đó là thực tế.

Tất nhiên, những trận đánh lớn nhất là từ năm 1964 đến 1968. Sự kiện vịnh Bắc Bộ cũng có trong tài liệu của các ông. Theo cách này, Hiệp định Geneva đã bị vi phạm hoàn toàn.

Quan điểm của chúng tôi (chính quyền Trung Quốc – ND) đối với vấn đề Việt Nam và đối với việc giả quyết vấn đề Đông Dương gồm có 2 điểm sau:

Điểm thứ nhất là tất cả binh sĩ nước ngoài đến từ Mỹ và các nước khác theo chân Mỹ vào Đông Dương phải được rút về nước.

Điểm thứ hai là dân tộc 3 nước Đông Dương sẽ tự mình định đoạt số phận tương ứng của mình.

Tiến sĩ Kissinger: Chúng tôi đồng ý với cả 2 điểm này.

Thủ tướng Chu Ân Lai: Ông phải biết rằng trong toàn bộ thời gian này chúng tôi thực sự hậu thuẫn cho họ nhưng chúng tôi chưa gửi một người lính nào sang đây (sang Việt Nam – ND) để chiến đấu cả.

Cuộc đấu trí căng thẳng Lê Đức Thọ - Kissinger
Kissinger: Mỹ, Trung cần đặt ra lằn ranh đỏ để tránh xung đột
Vương Hỗ Ninh: Nhà tư tưởng hay 'Kissinger mới' của Trung Quốc?
/ vtc.vn