Chống rửa tiền qua BĐS: Môi giới không làm nổi?

 Để doanh nghiệp kinh doanh, môi giới bất động sản xác định được hoạt động rửa tiền rất khó, chưa kể, có nơi cố tình làm ngơ, bỏ qua vì lợi.

Ai làm nổi?

Bộ Xây dựng mới đây có công văn gửi Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện công tác phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị các Sở có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới bất động sản, sàn giao dịch bất động sản đang hoạt động tại địa phương thực hiện công tác phòng chống rửa tiền theo quy định.

Trao đổi với Đất Việt, các chuyên gia đều thừa nhận việc thực hiện phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản không hề dễ dàng.

Theo chuyên gia tài chính-kinh tế Trịnh Đoàn Tuấn Linh, việc phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản được quy định rất rõ trong Luật Phòng, chống rửa tiền 2012 và Nghị định 116/2013/NĐ-CP ngày 04/10/2013.

Đối tượng thực hiện luật này là các tổ chức tài chính và phi tài chính, tuy nhiên đến nay, việc triển khai thực hiện chủ yếu mới diễn ra trong các tổ chức tài chính, đặc biệt là các ngân hàng thương mại. Trong khi đó, các tổ chức phi tài chính như doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, sàn địa ốc thì làm chưa nhiều.

Bên cạnh đó, nhìn vào thị trường bất động sản thời gian qua, những người làm chuyên môn, quản lý thấy có nhiều dấu hiệu cho thấy có hoạt động rửa tiền trong đó khi lượng giao dịch và lượng tiền rất lớn. Vì thế, phòng chống rửa tiền trong linh vực kinh doanh bất động sản đến giờ mới thực hiện, theo ông Linh, đã là hơi muộn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, Việt Nam phải thực hiện các quy định của luật pháp quốc tế về phòng chống rửa tiền là đương nhiên song việc thực hiện không dễ dàng.

"Ở các nước trên thế giới, việc thanh toán bằng tiền mặt được kiểm soát chặt chẽ, chủ yếu họ thực hiện chuyển khoản nên kiểm soát dễ dàng. Còn ở Việt Nam, thói quen thanh toán bằng tiền mặt khiến tình trạng rửa tiền trở nên khó kiểm soát.

Chính phủ đang có lộ trình dần chuyển đổi sang không sử dụng tiền mặt và chừng nào chúng ta làm được việc này thì mới kiểm soát được nạn rửa tiền.

Còn bây giờ, để các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới bất động sản, sàn giao dịch bất động sản nhận biết, xác định hiện tượng rửa tiền là rất khó.

Những người làm nghề môi giới bất động sản có học luật nhưng thực tế, như đã nói, hầu hết người dân đều sử dụng tiền mặt, khi thanh toán người ta đều mang bọc tiền, thậm chí bao tải tiền đến, trong số đó ai là người có tiền thật, ai là người đáng ngờ? Rất khó để chỉ ra được và nghiệp vụ môi giới không làm nổi việc đó.

Với những người tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật, nếu biết chắc đó là hoạt động rửa tiền thì họ sẽ có báo cáo. Thế nhưng, nhiều người có thể dù biết chắc đó là hoạt động rửa tiền nhưng vì kiểm soát không chặt chẽ, họ cố tình làm lơ, bỏ qua vì mục đích lợi nhuận, việc làm.

Vì thế, quy định phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản cần phải được đồng hóa với nhiều quy định khác, chẳng hạn yêu cầu phải giao dịch qua ngân hàng, thì việc thực thi mới có hiệu quả. Còn bây giờ chủ yếu mang tính khẩu hiệu, vận động các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, sàn giao dịch bất động sản là chính", ông Nguyễn Văn Đính phân tích.

Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng chỉ ra thực tế, ngay việc phải báo cáo thường xuyên hoạt động của mình - vốn là yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới bất động sản, sàn giao dịch bất động sản mà họ còn không thực hiện và cũng không ai phạt dù có chế tài thì việc báo cáo về các giao dịch nghi ngờ có rửa tiền càng khó hơn.

"Chính sự buông lỏng quản lý khiến cho việc thực thi những vấn đề nhạy cảm và khó kiểm soát càng trở nên khó khả thi. Vì thế, hoạt động quản lý nhà nước phải mạnh hơn và phải có chế tài xử lý tất cả những hành vi không tuân thủ quy định của pháp luật bắt buộc đối với người hành nghề kinh doanh bất động sản.

Quan trọng nhất là các địa phương phải quản lý cho chặt. Theo quy định, khi hoạt động ở địa phương nào thì các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới bất động sản, sàn giao dịch bất động sản phải đăng ký hoạt động và gửi báo cáo tới cơ quan quản lý ở địa phương đó.

Nhưng thực tế có địa phương nào biết được các đơn vị trên làm gì trên địa bàn do mình quản lý? Sự buông lỏng quản lý này gây rất nhiều hệ lụy như môi giới, lừa đảo, chào bán những dự án ma... và để phát hiện hoạt động rửa tiền thì càng khó khăn hơn", ông Nguyễn Văn Đính nói.

Báo cáo giao dịch tiền mặt từ 300 triệu trở lên: Nhiều cách lách

Một trong những nội dung mà các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới bất động sản, sàn giao dịch bất động sản phải thực hiện là lập và gửi báo cáo các giao dịch đáng ngờ, báo cáo các giao dịch tiền mặt có giá trị lớn từ 300 triệu đồng trở lên.

Theo chuyên gia tài chính-kinh tế Trịnh Đoàn Tuấn Linh, không phải tự nhiên Bộ Xây dựng đưa ra con số 300 triệu đồng nói trên mà con số này đã được quy định rõ trong Nghị định 116/2013/NĐ-CP ngày 04/10/2013.

Nghị định này yêu cầu ngân hàng thương mại phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng khi khách hàng thực hiện giao dịch không thường xuyên có giá trị lớn - là giao dịch của khách hàng không có tài khoản hoặc có tài khoản thanh toán nhưng không giao dịch trong vòng 6 tháng trở lên với tổng giá trị từ 300 triệu đồng trở lên trong một ngày.

Tuy nhiên, cũng theo ông Linh, việc thực hiện báo cáo các giao dịch đáng ngờ không dễ bởi mục tiêu của người bán hàng là bán được hàng, trong khi việc báo cáo, rà soát về những giao dịch đáng ngờ giống như việc làm không công, ảnh hưởng đến lợi ích trước mắt của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới bất động sản, sàn giao dịch bất động sản. Điều này không chỉ xảy ra ở các doanh nghiệp kinh doanh, môi giới bất động sản mà các ngân hàng thương mại cũng có hiện tượng này.

"Gốc rễ của vấn đề là luật đưa ra thì đầy đủ, chặt chẽ nhưng tổ chức thực hiện, giám sát thực hiện, chế tài xử lý lại bị buông lỏng. Vì thế, khi nhận được các yêu cầu về phòng chống rửa tiền thế này, các cá nhân, tổ chức chắc chắn sẽ dòm chừng xem có ai làm không, nếu không ai làm mà bản thân họ lại đi thực hiện thì thấy mình thiệt thòi.

Chỉ đến khi thanh tra, xử lý thì những việc như vậy mới vỡ ra. Còn thông thường, để lách việc báo cáo về các giao dịch từ 300 triệu đồng trở lên, người ta chỉ cần chia tiền ra nộp 2 lần hoặc nhờ người khác nộp một phần", chuyên gia Trịnh Đoàn Tuấn Linh chỉ rõ.

Nhấn mạnh quy định không phải để cho vui, ông Linh cho rằng nếu quyết tâm làm nghiêm lập lại kỷ cương và làm nghiêm từ đầu thì không khó để phòng chống rửa tiền.

Đặc biệt, để làm nghiêm lĩnh vực phòng chống rửa tiền thì tất cả các lĩnh vực khác cũng phải làm nghiêm, và quan trọng hơn là liệu các cơ quan quản lý có đủ nguồn lực để làm hay không mà thôi.

chong rua tien qua bds moi gioi khong lam noi Tồn kho BĐS: Sự thật sốc khác lời Bộ Xây dựng

Con số Bộ Xây dựng công bố chưa đánh giá hết vấn đề hàng tồn kho, nhất là đối với những doanh nghiệp có lượng ...

chong rua tien qua bds moi gioi khong lam noi Nhiều dự án BĐS TP.HCM ách tắc vì đất công xen cài

Nhiều dự án BĐS tại TP HCM đang ách tắc, không thực hiện được thủ tục pháp lý để triển khai vì vướng đất công ...

chong rua tien qua bds moi gioi khong lam noi 'Mỏ vàng' cuối cùng của BĐS Nam Phú Quốc

Những dự án đáp ứng tiêu chí du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí với đa dạng dịch vụ, tăng trải nghiệm cho du khách được ...

/ http://baodatviet.vn