Đội tuyển taekwondo vừa kết thúc hành trình dự các vòng loại Olympic Paris 2024 mà không giành vé. Như vậy, cho đến lúc này, trong 5 tấm vé chính thức của thể thao Việt Nam dự Olympic Paris 2024, nhóm các môn võ thuật mới đóng góp 1 vé. Mục tiêu giành 2-3 vé của nhóm này vì thế cũng chông chênh.
Đặt dấu mốc đầu tiên
Lịch sử thể thao Việt Nam đã ghi nhận tấm huy chương đầu tiên của mình tại đấu trường Olympic vào năm 2000 bởi võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân. Năm đó, tấm HCB của võ sĩ này tại Olympic 2000 đã tạo bước ngoặt lớn cho thể thao Việt Nam để hướng đến các mục tiêu xa hơn. Còn trước đó, thể thao Việt Nam cứ mò mẫm tìm tấm huy chương đầu tiên của mình tại Olympic mà chưa thể xác định được điểm đột phá sẽ là từ môn nào.
Ngay như ở Olympic 1980 tại Liên Xô cũ, khi còn quá ít thông tin cũng như sự cọ xát ở các đấu trường lớn, đội tuyển bắn súng Việt Nam từng được kỳ vọng sẽ đặt dấu ấn cho thể thao Việt Nam ở Olympic. Nhưng đến khi vào đấu trường lớn, các xạ thủ Việt Nam không thể là chính mình như khi tập luyện dẫn đến thất bại với thành tích thua xa so với khi tập luyện. Chính lần thất bại trong kỳ đầu tiên tham dự Olympic của thể thao Việt Nam đã khiến các nhà quản lý biết rõ nền thể thao nước nhà đang ở đâu tại đấu trường Olympic. Từ đó, mới có những tính toán sát thực tế hơn.
Và tấm HCB của Trần Hiếu Ngân tại Olympic Sydney 2000 ở Australia cũng là sự cụ thể hóa những giải pháp cụ thể trong đường đi nước bước để giành tấm huy chương ở Olympic. Từ sau đó, nhóm môn võ thuật vẫn luôn nhận được sự kỳ vọng mỗi khi thể thao Việt Nam bước vào hành trình tranh vé trực tiếp tham dự Olympic. Thế nhưng, sau đó, nhóm môn võ thuật này cũng chỉ có thể hoàn thành một nửa kỳ vọng là giành vé dự Olympic.
Như trong 3 kỳ Olympic 2012, 2016, 2020, thể thao Việt Nam đều có khá nhiều tuyển thủ nhóm môn võ thuật giành suất chính thức tham dự. Tại Olympic London năm 2012 tại Anh, thể thao Việt Nam có 1 vé ở môn judo, 2 vé ở môn taekwondo, 1 vé ở môn vật. Tại Olympic Rio năm 2016 ở Brazil, thể thao Việt Nam có 1 vé ở môn judo, 2 vé ở môn vật. Còn ở Olympic Tokyo 2020 tại Nhật Bản, thể thao Việt Nam có 2 vé ở môn boxing, 1 vé ở môn judo, 1 vé ở môn taekwondo.
Còn mục tiêu giành huy chương tại Olympic của nhóm môn võ thuật dường như là bất khả thi khi không có những VĐV thực sự xuất sắc ở từng nội dung thi đấu. Trình độ của các VĐV giành vé dự Olympic cũng chỉ ở mức khá tại châu Á, đủ để giành vé dự Olympic nhưng không đủ để giành huy chương Olympic.
Mục tiêu 2-3 vé vẫn khả thi?
Trước vòng loại Olympic 2024, nhóm môn võ thuật vẫn được kỳ vọng sẽ đóng góp đáng kể vào việc hoàn thành mục tiêu đoạt 12-15 vé trực tiếp tham dự. Các môn nhận được kỳ vọng gồm taekwondo, boxing, judo và phần nào là môn vật.
Tuy nhiên, đến lúc này, đội tuyển taekwondo đã kết thúc hành trình tại vòng loại Olympic 2024 mà không giành được tấm vé nào. Ngành thể thao cũng đã dồn toàn lực đầu tư cho một số võ sĩ trọng điểm của môn taekwondo nhằm giành vé chính thức tham dự, trong đó võ sĩ hàng đầu Trương Thị Kim Tuyền được cử tham dự tối đa các giải đấu quốc tế nhằm tích điểm, có thứ hạng cao trên bảng xếp hạng thế giới. Nhưng ngay cả ở các giải quốc tế, thành tích của Trương Thị Kim Tuyền cũng không quá nổi bật. Trình độ của các võ sĩ taekwondo trên thế giới hiện ở mức quá cao so với các VĐV Việt Nam dẫn đến sự chênh lệch đáng kể giữa các võ sĩ Việt Nam với nhiều võ sĩ trên thế giới. Gần đây nhất, ở vòng đấu quyết định là vòng loại Olympic 2024 khu vực châu Á của môn taekwondo, thể thao Việt Nam đã cử tham dự 4 gương mặt sáng giá nhất.
Tuy nhiên, cuối cùng 3 võ sĩ thất bại từ những lượt đầu tiên, chỉ còn võ sĩ Bạc Thị Khiêm vào trận đấu tranh vé. Thế nhưng cô gái này cũng không thể làm nên chuyện, qua đó chấm dứt hành trình tìm vé dự Olympic 2024 của đội tuyển mà không giành được tấm vé nào.
Còn trước đó, nhóm môn võ thuật đã mang về 1 vé tham dự Olympic 2024 cho thể thao Việt Nam với tấm vé ở môn boxing nữ của vox sĩ Võ Thị Kim Ánh. Đấy là tấm vé khá bất ngờ với thể thao Việt Nam, đủ làm lóe lên hy vọng giành thêm vé dự Olympic 2024 trong nhóm môn võ thuật, ở những nội dung ít được nhắc tới.
Cho đến lúc này, boxing nữ vẫn còn cơ hội tranh vé dự Olympic 2024 ở vòng loại thế giới tại Thái Lan vào tháng 5 tới. Câu chuyện lúc này lại là Ban huấn luyện sẽ chọn ai tham dự vòng loại này để cụ thể hóa mục tiêu. Đến lúc này, đây vẫn là bài toán với Ban huấn luyện và có lẽ phải đến tháng 4 mới có thể xác định được nhân sự dự vòng loại lần này.
Trong khi đó, các đội tuyển khác ở nhóm môn võ thuật vẫn đang có sự tập trung cao độ. Như ở môn judo, các võ sĩ hàng đầu vẫn đang được tạo điều kiện tối đa trong tập luyện cũng như thi đấu quốc tế nhằm tích điểm trên bảng xếp hạng thế giới để có vị trí thuận lợi khi xét vé tham dự.
Còn môn vật lại thận trọng với mục tiêu giành suất chính thức dự Olympic Paris (Pháp) 2024. Đến lúc này, yếu tố con người vẫn là vấn đề với các nhà quản lý khi không có những VĐV thực sự xuất sắc, dù chỉ ở tầm châu lục. Thế nên, Ban huấn luyện của đội cũng chỉ thận trọng phấn đấu tuyển thủ đạt kết quả tốt nhất trong giải vòng loại Olympic của châu Á ở Kyrgyzstan trong tháng 4, vòng loại thế giới vào tháng 5 tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Và dù không có quá nhiều nhân tố nổi trội thì các nhà quản lý vẫn hy vọng nhóm môn võ thuật sẽ có thể mang về tổng số 2-3 vé dự Olympic 2024 cho thể thao Việt Nam. Tất nhiên, ai cũng hiểu là mục tiêu đó khá chông chênh.
Judo sáng hy vọng
Gần đây nhất, võ sĩ môn judo Chu Đức Đạt đã vào nhóm 10 võ sĩ có thể giành vé dự Olympic ở hạng cân của minh. Tuy nhiên, võ sĩ này sẽ phải dự đủ các giải quốc tế trong thời gian tới để chắc suất trên bảng xếp hạng thế giới, qua đó có thể giành vé dự Olympic 2024.
Minh Khuê
https://cand.com.vn/the-thao/chong-chenh-nhom-mon-vo-thuat-voi-tam-ve-du-olympic-2024-i725910/