Chọn thầu cao tốc Bắc-Nam: Phải tỉnh hơn

Vẫn biết người chấm thầu phải công tâm, minh bạch, đứng trên lợi ích quốc gia, song để thực hiện được điều này rất khó.

Quan tâm đến việc chọn nhà đầu tư thực hiện dự án cao tốc Bắc-Nam, trao đổi với Đất Việt, các ý kiến đều khẳng định, việc lựa chọn phải được tính toán, cân nhắc, nghiêm túc, trên cơ sở công khai, minh bạch, đặc biệt phải rút kinh nghiệm từ các dự án do các nhà thầu nước ngoài tham gia vào xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam để có lựa chọn tốt nhất.

Nhấn mạnh đến sự tự quyết của phía Việt Nam, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng, với những kinh nghiệm đã có, Việt Nam phải có thái độ kiên quyết đối với những nhà đầu tư có dự án chậm tiến độ, thậm chí đối với nhà đầu tư đang dính dáng tới những dự án chưa hoàn thành, kéo dài cả chục năm thì không nên cho tham gia dự thầu.

"Ngay như chúng tôi thực hiện đề tài khoa học, phải hoàn thành đề tài khoa học này mới được tham gia đấu thầu đề tài khác", ông nói.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển cũng nhắc đến việc nhà đầu tư trúng thầu xong sẽ bán lại cho các nhà thầu phụ. Ông khẳng định chuyện bán thầu là hết sức bình thường, thế nhưng cơ quan quản lý nhà nước phải tính đến việc quản lý, ràng buộc nhà đầu tư như thế nào, không thể để công trình bị bán đi bán lại tới nhà thầu thứ mấy, cuối cùng nảy sinh các vấn đề về chất lượng, tiến độ...

"Đó là lỗ hổng trong quản lý, điều hành, triển khai các dự án. Phải quy định rõ những phần việc cốt lõi, quan trọng nhất của gói thầu, có tính chất quyết định đến chất lượng, sự lâu bền của công trình thì tổng thầu phải lo và chịu trách nhiệm, còn những phần việc khác ít quan trọng hơn mà nhà thầu khác có lợi thế hơn thì tổng thầu phải để nhà thầu khác làm, không thể ôm tất cả mọi thứ.

Trong danh sách dự thầu cao tốc Bắc-Nam, nhà đầu tư ngoại áp đảo nhà đầu tư trong nước. Ảnh minh họa

Chuyện này phải được tính đến trong hợp đồng với nhà đầu tư. Hợp đồng dĩ nhiên theo quy định chung, nhưng phải đàm phán thêm với nhà đầu tư về các nội dung trên.

Không thể có chuyện nhà đầu tư thắng thầu xong, bán lung tung, dự án kéo dài 5-10 năm mà ta phải chấp nhận. Chúng ta đã có nhiều bài học nhãn tiền mà bởi sự yếu kém trong đàm phán đã dẫn tới sự lệ thuộc vào tổng thầu, dẫu nhà thầu có sai ta cũng phải chịu", GS.TS Đặng Đình Đào nhấn mạnh.

Cũng chia sẻ ý kiến về việc lựa chọn nhà đầu tư cho dự án quan trọng cao tốc Bắc-Nam, NGƯT.GS.TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp Đại học GTVT, nhắc lại nguyên tắc không phân biệt đối xử với bất kỳ nhà đầu tư nào.

"Chúng ta đấu thầu quốc tế, phải có tiêu chuẩn lựa chọn nhà thầu, trong đó có 3 tiêu chuẩn rất quan trọng: chất lượng, chi phí và tiến độ.

Lựa chọn được nhà thầu hoàn hảo, đúng với mong muốn (có năng lực tài chính, kinh nghiệm tốt, đúng thời hạn...) rất khó, trách nhiệm của những người chấm thầu là phải làm được việc ấy để các nhà đầu tư tâm phục khẩu phục.

Đầu tiên chúng ta chọn nhà đầu tư thỏa mãn tất cả các tiêu chí, sau đó lọc dần dựa trên kinh nghiệm, khả năng tài chính, uy tín, thương hiệu... của nhà đầu tư", ông nói.

Khẳng định không phân biệt đối xử song GS.TS Từ Sỹ Sùa cho rằng phải có sự sàng lọc. Trong hồ sơ nhà thầu chắc chắn có tiêu chí về kinh nghiệm, đó có thể là kinh nghiệm tốt hoặc không tốt, nhưng hội đồng chấm thầu phải có sự thẩm định và trừ điểm đối với nhà thầu có "lịch sử" chậm tiến độ, đội vốn.

Bên cạnh đó, cả hai vị chuyên gia cũng lưu ý đến các nhà đầu tư là liên danh. Theo GS.TS Từ Sỹ Sùa, Việt Nam khuyến khích các nhà đầu tư trong nước liên danh, liên kết với nhau và với các nhà đầu tư nước ngoài, song việc này cũng có cái khó.

"Người Việt nói với người Việt đã khó, người Việt với người nước ngoài còn khó hơn", ông nhận xét.

Còn GS.TS Đặng Đình Đào cho hay, khái niệm liên danh, liên kết rất vô tận và đã xuất hiện những mô hình liên danh làm đường, làm cầu khiến Việt Nam phải ôm bài học đắng, do đó phải tính toán, xem xét thận trọng.

"Trong thương mại, doanh nghiệp Việt Nam còn liên kết với phía Trung Quốc sản xuất hàng giả, hàng nhái, dán mác Việt Nam. Những kiểu liên danh, liên kết đó làm hại cho ngân sách nhà nước, làm hại người tiêu dùng. Chúng ta phải cảnh giác với những liên danh ấy, đặc biệt là những nhà thầu đã có vết kém chất lượng, thời gian, chi phí càng phải thận trọng hơn", ông nói.

Vì thế, GS.TS Đặng Đình Đào yêu cầu các liên danh phải có thỏa thuận hợp tác rõ ràng, quy định cụ thể về nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi bên, ai chịu trách nhiệm chính...

Nhìn lại danh sách các nhà đầu tư dự thầu cũng như các tiêu chí chọn thầu được công bố, GS Đào chia sẻ:

"Với nhiều công trình, hình thức đầu tư hiện nay chúng ta đang có và đang triển khai, với cách quản lý hiện nay, thực ra tôi chưa tin lắm. Chỉ e gặp nhà thầu nhiều chiêu trò mà quản lý nhà nước, người thực thi không thận trọng, không lường trước được thì dễ rơi vào vết xe đổ cũ. Chúng ta đã có nhiều bài học nên cần phải tỉnh hơn nữa".

Để tránh chọn sai nhà thầu, các vị chuyên gia nhắc lại yêu cầu đối với hội đồng chấm thầu - phải công tâm, minh bạch, đứng trên lợi ích quốc gia.

"Lý thuyết là như vậy, nhưng thực hiện được thì không đơn giản", GS.TS Đặng Đình Đào nhận xét.

Chuyên gia Anh gợi ý về đường sắt cao tốc cho Việt Nam

Việt Nam nên đầu tư vào đường cao tốc 350 km/h để thể hiện tham vọng phát triển kinh tế mạnh mẽ.

Doanh nghiệp Trung Quốc áp đảo khi dự sơ tuyển dự án cao tốc Bắc - Nam

Có 16 nhà đầu tư Trung Quốc tham gia sơ tuyển dự án cao tốc Bắc - Nam, đông nhất trong số các doanh nghiệp ...

8 dự án cao tốc Bắc Nam sắp được đấu thầu quốc tế

45 nhà đầu tư, liên danh nước ngoài đã nộp hồ sơ tham gia đấu thầu 8 dự án cao tốc Bắc Nam, với lộ ...

2 phương án làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam chênh lệch 32 tỷ USD

Bộ GTVT đề xuất phương án làm đường sắt Bắc - Nam tốc độ 350 km/h với chi phí 58,7 tỷ USD. Tuy nhiên, Bộ ...

/ baodatviet.vn