- Ảnh: Rác thải chất đống, bốc mùi hôi thối trên nhiều tuyến phố Hà Nội
- Xử lý rác thải khi có F0 cách ly, điều trị tại nhà thế nào?
Chuyên gia cho rằng, tình trạng rác thải ùn ứ sẽ tiếp diễn trong thời gian tới nếu rác không được phân loại tại nguồn và chỉ xử lý bằng cách chôn lấp.
Trước tình trạng một số quận ở Hà Nội lại rơi vào tình trạng ùn ứ rác thải sinh hoạt, trả lời PV VTC News, PGS.TS Vũ Thanh Ca - Giảng viên Khoa Môi trường, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế và Khoa học Công nghệ (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) - nhận định, do chưa có các giải pháp xử lý hiệu quả khác, rác thải đô thị ở Việt Nam nói chung và TP Hà Nội nói riêng, chủ yếu vẫn được chôn lấp.
Các khu vực được sử dụng để chôn lấp ngày càng hẹp, lượng rác thải lại ngày càng nhiều nên khó khăn trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý, dẫn đến tình trạng ùn ứ rác thải trong nội đô.
“Là đô thị lớn nhất, nhì cả nước với xấp xỉ 8 triệu dân, trung bình mỗi ngày, Hà Nội phát sinh hơn 6.000 tấn rác thải sinh hoạt. Ngoài ra, còn một lượng lớn rác thải công nghiệp từ các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp. Thế nhưng, tại Hà Nội chỉ có hai khu xử lý chất thải chính là Nam Sơn và Xuân Sơn. Hiện nay, cả hai khu này đều quá tải”, ông Ca nói.
Từ giữa tháng sáu, rác thải sinh hoạt bị ùn ứ, chất đống trên nhiều tuyến phố nội thành Hà Nội. (Ảnh: Ngô Trần).
Chôn rác - dễ nhất nhưng lạc hậu nhất
PGS.TS Vũ Thanh Ca cho biết, pháp luật đã có quy định rất rõ ràng về những tiêu chuẩn của bãi chôn lấp rác. Điển hình như phải có lớp lót HDPE chống thấm, xây dựng hệ thống kênh dẫn thu gom nước rỉ rác để xử lý đạt trước khi thải ra môi trường xung quanh, thường xuyên phun xịt khử mùi…
“Lý thuyết là vậy nhưng trên thực tế rất khó để tìm được bãi rác có thể đạt được mọi tiêu chuẩn. Nhiều bãi rác vẫn để tình trạng nước rỉ rác thấm xuống đất và làm ô nhiễm mạch nước ngầm, không có sự che chắn kỹ lưỡng, tạo môi trường phát triển cho những loại côn trùng gây bệnh, ruồi, muỗi… ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe của con người”, ông Ca cho hay.
Theo chuyên gia này, bãi rác Nam Sơn là ví dụ điển hình của vấn đề tiêu chuẩn khu vực xử lý rác không được đảm bảo. Mặc dù bãi rác được đầu tư đáng kể nhưng mùi hôi thối vẫn ảnh hưởng khu dân cư. Vì vậy, nhiều lần người dân đã biểu tình, chặn xe rác không cho vào trong bãi.
“Đến nay, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác của thành phố vần rất luộm thuộm. Rác là vấn đề lớn nhưng chính quyền Hà Nội quan tâm chưa đủ. Hà Nội chọn cách dễ nhất nhưng lại là lạc hậu nhất”, ông Vũ Thanh Ca nêu quan điểm.
Rác là vấn đề lớn nhưng chính quyền Hà Nội quan tâm chưa đủ, chọn cách xử lý dễ nhất nhưng lạc hậu nhất - PGS.TS Vũ Thanh Ca
Cùng quan điểm, TS Hoàng Dương Tùng - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho rằng, một thành phố được hướng đến hình mẫu đô thị thông minh, kiểu mẫu của cả nước nhưng vẫn xử lý rác thải theo công nghệ của thế kỷ trước là rất bất cập.
“Các quốc gia tiên tiến đã hạn chế và tiến tới dừng hẳn phương pháp xử lý chôn lấp rác thải từ nhiều năm trước. Quỹ đất thành phố có hạn nhưng phải dành hàng trăm hecta phục vụ việc chôn lấp là rất lãng phí, bên cạnh đó còn để lại nhiều hệ luỵ đối với môi trường”, ông Tùng nói.
Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường khẳng định, nếu Hà Nội vẫn mãi lệ thuộc vào việc chôn lấp để xử lý rác thải, các tuyến phố trung tâm sẽ còn ngập trong rác, chưa kể là những mâu thuẫn với người dân xung quanh. Câu chuyện ô nhiễm môi trường tiếp tục diễn ra. Việc Hà Nội phải di dời, đền bù cho hơn nghìn hộ dân quanh bãi rác Nam Sơn là minh chứng rõ nhất cho các bất cập này.
“Ngày 23/6, do trạm xử lý nước rác dừng hoạt động, dẫn đến quá tải nước rác lưu chứa nên bãi rác Xuân Sơn đã tạm thời dừng tiếp nhận rác. Gánh nặng lại đổ dồn lên bãi rác Nam Sơn và khi Nam Sơn quá tải hay gặp sự cố, chuyện ùn tắc rác tại trung tâm thành phố sẽ xảy ra trong thời gian tới”, TS Hoàng Dương Tùng dự báo.
Phải phân loại rác tại nguồn
Phân tích về giải pháp xử lý rác một cách hiệu quả, PGS. TS Vũ Thanh Ca cho rằng, quan trọng nhất là giảm thiểu rác phát sinh, trong đó việc phân loại rác tại nguồn đóng vai trò quan trọng.
Nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) thông tin, năm 2006, Hà Nội đã thực hiện thí điểm Dự án phân loại rác tại nguồn (gọi tắt là dự án 3R) do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tài trợ, phối hợp cùng Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội với mục tiêu làm giảm, tái chế và tái sử dụng rác thải.
Ngay từ các hộ dân, rác thải được phân thành 3 loại, bao gồm rác hữu cơ (hoa, rau, quả, thức ăn thừa…) đựng trong thùng rác màu xanh lá cây với rọ lọc chất lỏng; rác vô cơ (xương, cành cây, vỏ sò hến, sành sứ, vải, tã bỉm) đựng trong thùng rác màu da cam; rác tái chế (giấy, bìa, nhựa, kim loại) để dành hoặc bán cho người thu gom.
“Hiệu quả của dự án được đánh giá là tác động tích cực tới môi trường khi giảm được 30% lượng rác đưa đi chôn lấp. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, dự án đã tạm dừng vì đơn thuần chỉ là thí điểm, diễn ra với quy mô nhỏ, chưa tạo được chuyển biến về nhận thức đáng kể của lãnh đạo địa phương. Kết quả là nó dần chìm vào quên lãng.
Công tác phân loại rác nhằm mục đích lựa chọn giải pháp xử lý tốt nhất đối với từng loại rác. Nhưng chúng ta không phân loại được, đem cả một mớ hỗn độn đi chôn lấp khiến bãi rác càng quá tải. Hà Nội cũng không còn quỹ đất để mở rộng bãi rác nữa”, ông Ca nói.
Rác tại nhiều khu vực tại Hà Nội không được phân loại trước khi thu gom và xử lý. (Ảnh: Ngô Nhung).
Theo TS Hoàng Dương Tùng, mặc dù dự án thí điểm 3R đã ngừng thực hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề này, nên quy định về phân loại rác thải tại nguồn đã được đưa vào Luật Bảo vệ Môi trường nhiều năm. Mới nhất, Luật Bảo vệ Môi trường 2020 quy định: Từ ngày 1/1/2022, phân loại chất thải rắn sinh hoạt là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. Chất thải rắn sinh hoạt sẽ phải phân thành 3 loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định, các cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển. Đồng thời, đơn vị thu gom rác sẽ thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Việc không thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 55/2021/NĐ-CP. Theo đó, phạt tiền từ 15 đến 20 triệu đồng đối với hành vi không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.
“Luật đã quy định rất rõ, chế tài xử lý đủ mức răn đe, vì vậy chính quyền phải quyết tâm làm. Hà Nội là Thủ đô, trái tim của đất nước phải nêu gương thực hiện thật nghiêm tạo nên một môi trường xanh - sạch - đẹp. Không thể cứ mỗi một năm có đôi ba lần rác ùn ứ, lại làm hình ảnh Thủ đô xấu xí đi”, ông Tùng nhấn mạnh.
Bãi rác Xuân Sơn tạm dừng nhận rác
Ngày 23/6, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) có văn bản gửi Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, đề nghị tạm dừng tiếp nhận rác tại khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) để phòng ngừa sự cố môi trường - mất an ninh, an toàn công tác vận hành.
Theo đó, khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn đang tiếp nhận rác tại ô chôn lấp 2,2 ha và hợp nhất với giai đoạn 2 tại cos +38.000 với công suất tiếp nhận 1.750 tấn/ngày. Dự kiến, nếu điều kiện hạ tầng lưu chứa nước rác bảo đảm, sẽ vận hành tiếp nhận rác tại vị trí này đến ngày 30/10/2022.
Hà Nội chỉ đạo xử lý dứt điểm tình trạng ùn ứ rác tại nội đô
Ngày 17/6, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội có văn bản hỏa tốc gửi Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu xử lý dứt điểm tình trạng ùn ứ rác trên một số tuyến phố.
Văn bản nêu rõ, theo phản ánh của báo chí, tại một số tuyến phố trên địa bàn thành phố xảy ra tình trạng ùn ứ rác thải sinh hoạt, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị.
Để xử lý dứt điểm tình trạng trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông có ý kiến chỉ đạo: Giao Giám đốc Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, chỉ đạo xử lý, giải quyết ngay tình trạng ùn ứ rác, báo cáo UBND thành phố trước ngày 30/6.
https://vtc.vn/chon-cach-de-va-lac-hau-nhat-ha-noi-se-con-ngap-trong-rac-ar684267.html