Chơi sàn tiền ảo, rủi ro khó lường


Cơn sốt tiền ảo đang lan rộng ở Việt Nam và cùng với đó là sự xuất hiện của các sàn đầu tư tiền ảo theo dạng ủy thác dưới hình thức là các website đầu tư tài chính. Để lôi kéo người chơi, các sàn này đưa ra các mức lợi nhuận vô cùng hấp dẫn. Và tất nhiên, không phải cái gì cũng dễ kiếm.

Có thể kể tên vô số website được giới môi giới chào hàng với nhà đầu tư Việt như Ethtrade, Bitcoinnect, LargoBit, CoinReum, Questra, Iseiko…

“Miếng mỡ” mà các sàn này đưa ra để dụ các nhà đầu tư rất hấp dẫn. Đơn cử, theo quảng cáo của môi giới sàn Questra, công ty này có tới 8 gói đầu tư với mức lợi nhuận từ 4 - 6,2%/tuần, tức 208 - 322%/năm. Ngoài mức lợi nhuận nhận được mỗi tuần, nhà đầu tư còn có cơ hội nhận hoa hồng 5 - 15% nhờ vào phát triển mạng lưới.

Ví dụ, với gói đầu tư Blue (2.430 euro, tương đương gần 68 triệu đồng), sau 1 tháng, nhà đầu tư sẽ thu về 525 euro (14,5 triệu đồng) và lợi nhuận trong 1 năm là 175 triệu đồng, gấp hơn 2,5 lần số vốn bỏ ra.

Các sàn đầu tư tiền ảo ủy thác khác cũng công bố mức lãi khủng từ 0,5 đến 3%/ngày, tùy theo số tiền bỏ ra ban đầu. Mức lãi tính theo tháng là 30-40% một tháng. Số tiền đầu tư ban đầu càng lớn, tỷ suất lợi nhuận càng cao.

Chính vì vậy, các sàn này đang đánh đúng vào tâm lý hám lợi nên dù biết rủi ro vẫn lôi kéo hàng trăm nhà đầu tư tham gia, bất chấp rủi ro, cạm bẫy giăng trước mắt.

Bởi vì, hầu hết sàn huy động vốn ủy thác đầu tư tiền ảo đều có địa chỉ ở nước ngoài, danh tính không rõ ràng. Vì vậy, khi tranh chấp xảy ra, nhà đầu tư sẽ không được bảo vệ. Tình trạng này đã từng xảy ra với sàn vàng, sàn forex trước đây.

Bên cạnh đó, giá trị các đồng tiền ảo luôn biến động khó lường và dễ bị tác động bởi các thông tin thay đổi chính sách quản lý của các nước. Cụ thể, Bitcoin đã tăng giá gấp đôi (hơn 2.000 USD/BTC) trong năm nay, song cũng chỉ cần một số thông tin bất lợi từ Trung Quốc (thông tin nước này cấm các sàn tiền ảo hoạt động), đồng tiền này rớt ngay gần 1.000 USD.

Theo chuyên gia phân tích kinh tế Nguyễn Duy Phương của CTCK VCSC, dù lợi nhuận mang lại khổng lồ nhưng với những nhà đầu tư tham gia chậm, mua ở giá cao dễ phải ôm toàn bộ rủi ro của những người mua trước. Rủi ro pháp lý cũng rất lớn khi nhiều quốc gia vẫn không chấp nhận tiền ảo; khi có tranh chấp, nhà đầu tư sẽ không được bảo vệ.

Quan trọng hơn, đồng tiền không có ngân hàng trung ương đứng sau sẽ khiến những cá nhân, tổ chức có mục đích xấu sẽ định hướng nhà đầu tư lao vào và nguy cơ rủi ro lớn. "Ngoài ra, vì là tiền ảo nên nhiều khả năng bị tấn công mạng và có thể mất toàn bộ, chưa kể nguy cơ sập sàn, sập mạng, trục trặc giao dịch hệ thống mạng" - ông Phương phân tích.

http://laodong.vn/kinh-te/choi-san-tien-ao-rui-ro-kho-luong-573051.ldo

/ Theo báo Lao Động