Chó mèo chịu vạ lây trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Người Trung Quốc gặp khó khăn khi muốn mua thức ăn thú cưng nhập khẩu từ Mỹ trong khi không muốn dùng hàng nội vì lo ngại về chất lượng.

cho meo chiu va lay trong cuoc chien thuong mai my trung

Olivia Ren nếm thử thức ăn của chó cưng Dada. Ảnh: NYTimes.

Olivia Ren, cư dân Thượng Hải, không bao giờ nghĩ rằng cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc lại ảnh hưởng đến chú chó Dada của mình.

Dada là chó cưng giống golden retriever của Ren. Cô đã chi nhiều tiền để mua thức ăn cho chó hãng Canidae nhập khẩu từ Mỹ. Giờ đây, loại này và các thương hiệu thức ăn thú nuôi khác của Mỹ đã trở thành mục tiêu trong cuộc chiến thương mại giữa hai nước. Các chuyên gia ngành công nghiệp thực phẩm cho biết giới chức Trung Quốc đã trì hoãn việc thông quan hàng Mỹ kể từ tháng 5. Mức thuế mới được áp đặt từ tháng 7 cũng làm cho thức ăn cho thú cưng nhập khẩu đắt hơn, theo NYTimes.

Hồi tháng 6, do lo sợ hàng khan hiếm, Ren đã tích trữ 90 kg Canidae cho Dada và con chó bull Pháp của bạn trai mình tên là Houhou. "Tôi mơ thấy ác mộng rằng tôi không thể mua được Canidae nữa", cô nói.

Ren không phải là chủ thú cưng duy nhất ở Trung Quốc lo lắng. Austin Chen, cư dân ở Quảng Châu, đã tích trữ nhiều thức ăn từ thương hiệu Mỹ cho con mèo của mình. "Đây là lần đầu tiên tôi nhận ra cuộc chiến thương mại ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của tôi và con mèo của tôi", anh nói.

Thức ăn cho thú cưng có vẻ là mục tiêu ít người nghĩ đến trong cuộc chiến thương mại, nhưng điều đó cho thấy các quan chức Trung Quốc phải thật sáng tạo khi muốn trả đũa Trump. Lượng hàng Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ ít hơn nhiều lượng hàng Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc, vì vậy, họ không thể "ăn miếng trả miếng" tương xứng khi Washington áp thuế với 250 tỷ USD hàng Trung Quốc. Thay vào đó, Bắc Kinh đã thực hiện một loạt các động thái không chính thống, chẳng hạn như chặn một vụ tiếp quản doanh nghiệp hay giữ lô hàng xe nhập khẩu tại các bến cảng Trung Quốc.

Thú cưng đã trở thành ngành kinh doanh lớn ở Trung Quốc. Giá bất động sản và các chi phí khác tăng vọt khiến cho việc lập gia đình trở nên đắt đỏ với nhiều cư dân thành phố. Nhiều người đã chọn nuôi động vật để bớt cô đơn.

Theo China Securities, công ty môi giới ở Bắc Kinh, chi tiêu cho thú cưng ở Trung Quốc đã tăng hơn 8 lần kể từ năm 2010, lên khoảng 25 tỷ USD một năm. Thị trường này vẫn đang phát triển mạnh. Trung Quốc có dân số gấp 4 lần Mỹ nhưng lượng thú cưng chỉ bằng một nửa, với 51 triệu con chó và 41 triệu con mèo.

Nhiều người Trung Quốc không tin tưởng vào thức ăn cho thú cưng được sản xuất nội địa. Một số người cẩn thận như Ren thường tự mình thử thức ăn. Nếu chúng có mùi khó ngửi hoặc có vị như cá hay gà ôi thì họ sẽ không để thú cưng ăn. "Thức ăn không tốt thường có mùi vị rất giống dầu ăn để lâu", Ruan Qionghao, ở Thượng Hải, nuôi một chú chó golden retriever tên là Mixiu, nói.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ năm 2014 phát cảnh báo về thức ăn cho thú cưng từ 6 công ty Trung Quốc. Cùng năm đó, chuỗi cửa hàng bán lẻ của Mỹ Petco cho biết họ sẽ ngừng bán thức ăn cho thú cưng từ Trung Quốc. PetSmart, nhà bán lẻ lớn tại Mỹ, sau đó có động thái tương tự.

"Thức ăn thú cưng sản xuất trong nước rất độc hại", Elaine Sun, chủ của một con chó poodle ở thành phố Vô Tích, nói. "Dù họ có quảng cáo thế nào thì tôi cũng không tin".

cho meo chiu va lay trong cuoc chien thuong mai my trung

Cô gái có tên Wang Dan chải lông cho con mèo của mình. Ảnh: NYTimes.

Hiện chưa có nghiên cứu nào về chất lượng thức ăn thú cưng ở Trung Quốc, nhưng người tiêu dùng nước này đang cảnh giác với một loạt sản phẩm thực phẩm nội địa, đặc biệt sau khi 6 trẻ em thiệt mạng và gần 300.000 em bị ốm do sữa bột nhiễm melamine cách đây một thập kỷ. Bê bối gần một triệu liều vắc-xin dởm bị phanh phui trong mùa hè này càng khiến người dân mất niềm tin.

Các quan chức ở Trung Quốc nói rằng việc nhập khẩu thức ăn cho thú cưng từ Mỹ đã trở nên khó khăn hơn kể từ tháng 5 do căng thẳng thương mại. EPet, thị trường trực tuyến ở Trung Quốc, hồi giữa tháng 9 cho biết các biện pháp kiểm soát nhập khẩu đang thắt chặt và các quan chức kiểm tra nhiều hơn.

"Đáng buồn thay, ngành công nghiệp thức ăn thú cưng của chúng tôi đã bị ảnh hưởng bởi cơn bão thương mại", công ty cho biết.

Roy Cheng, người chuyên nhập khẩu thức ăn thú cưng từ Mỹ ở Thượng Hải, cho biết các lô hàng của ông đã bị kiểm tra ít nhất 6 lần trong hai tháng qua. Trước khi chiến tranh thương mại diễn ra, các cuộc thanh tra diễn ra chưa đến một lần một tháng.

"Giờ tôi cứ như chính khách vậy. Tôi xem tin tức về chiến tranh thương mại mỗi ngày", ông nói.

Vivian Li, đại diện tại Trung Quốc của Halo, nhà sản xuất thức ăn cho thú cưng ở Tampa, Florida, cho biết công ty đã định vào thị trường Trung Quốc trong năm nay nhưng đang chùn bước trước các thủ tục hải quan siết chặt và mức thuế 25%. "Đây là khoảng thời gian rất khó khăn đối với chúng tôi", Li nói.

Robert B. Zoellick, cựu đại diện thương mại Mỹ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn ở Bắc Kinh hồi tháng trước rằng thức ăn cho thú cưng có thể là lĩnh vực mà hai nước đạt được thỏa hiệp. "Văn hóa nuôi thú cưng đang phát triển. Ai cũng muốn giữ cho chúng khỏe mạnh", ông nói. "Trong trường hợp này, bạn có những \'người tiêu dùng\' rất đáng yêu, cần được nâng niu".

Tuy nhiên, thức ăn cho thú cưng hiện vẫn là "con tin" của cuộc chiến thương mại. Ren gần đây đã tìm mua trên mạng được một bịch Canidae nhưng nó bị kẹt ở hải quan. Cuối cùng, cô phải hủy đơn hàng.

"Tôi thà tự nấu còn hơn", cô nói. "Chó cũng giống con người. Ăn đồ tốt thì mới ít phải đi chữa bệnh".

cho meo chiu va lay trong cuoc chien thuong mai my trung Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Con bài lợi hại của Bắc Kinh

Trung Quốc hiện nắm giữ hơn 1.000 tỷ USD trái phiếu của Mỹ và điều này thường được gọi là “phương án vũ khí hạt ...

cho meo chiu va lay trong cuoc chien thuong mai my trung Ai đắc lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung?

Các đường nét chiến lược thương mại của Tổng thống Donald Trump đang dần lộ rõ. Nhiều đối tác thương mại của Mỹ phải đối ...

cho meo chiu va lay trong cuoc chien thuong mai my trung Cách Trung Quốc nhìn nhận ý đồ của Mỹ trong cuộc chiến thương mại

Trung Quốc diễn giải rằng Mỹ muốn kiềm chế họ phát triển chứ không đơn giản là gây sức ép để khiến họ thay đổi ...

/ https://vnexpress.net