Một con chó hơn 2 tuổi tại Gò Vấp, TP.HCM khiến cả xóm cưng chiều, thích thú vì dáng hình đáng yêu, lại biết 'xách' đồ hộ chủ mỗi khi đi tạp hóa.
Xách" đồ về cho chủ là thói quen đã lâu của cún cưng có tên "Gấu" rất đáng yêu này. |
Đó là "Gấu", con chó đáng yêu đang được nhiều người nhắc đến, sống cùng chủ tại quận Gò Vấp (TP.HCM). "Gấu" được ông Sử Văn Không (53 tuổi, được mọi người gọi là Long), đem về nuôi cách đây hơn 2 năm. Mẹ "Gấu" là giống chó ta, còn bố "Gấu" thuộc dòng Bẹc-giê.
...
Ông Long và bà Phạm Thị Diệu Hiền, 57 tuổi đã có hàng chục năm buôn bán ở chợ Gò Vấp. Khi con cái đã trưởng thành và có gia đình riêng, ông Long cảm thấy cuộc sống 2 vợ chồng già buồn tẻ nên muốn nuôi một chú chó cho vui nhà vui cửa. Tình cờ đúng dịp một người bạn thân có đàn chó lai 3 con mới đẻ, ông Long quyết định nhận một con về nuôi và đặt tên nó là "Gấu" từ đó.
Đây là "Gấu", hơn 2 tuổi |
Không qua bất kỳ một lớp huấn luyện đặc biệt nào, chó cưng này bộc lộ khả năng biết quan sát và lắng nghe lời chủ từ khi còn nhỏ. Bắt đầu từ thói quen đi mua đồ tạp hóa mỗi ngày ở gần nhà, ông Long đều dẫn Gấu đi cùng. Thấy bịch đồ để dưới đất, Gấu tự dùng miệng ngoạm chặt rồi thong dong "xách" về. Hành động đáng yêu và đầy bất ngờ đó đã trở nên quen thuộc với người dân ở phường 7, quận Gò Vấp suốt 2 năm nay, đến mức bà chủ tiệm tạp hóa quen mặt, gói đồ xong là để dưới đất gọi tên "Gấu" mà không đưa cho chủ.
Cửa hàng tạp hóa quen mặt với "Gấu", bà chủ chỉ cần đặt bịch đồ xuống đất, nàng cún này tự ngoạm mang về. |
Hình ảnh thú vị, quen thuộc với người dân ở P.7, Q.Gò Vấp vài năm nay. |
Chủ tớ vui vẻ đi mua đồ tạp hóa mỗi buổi chiều. |
"Nó đi một khoảng nó không thấy chủ nó là quay trở lại kiếm, rồi chủ nó đi trước, nó đi sau, giữ chủ ghê lắm", bà Lâm Thị Viên, chủ tiệm tạp hóa quan sát và nói với phóng viên.
Chó đi trước, thỉnh thoảng ngoái nhìn lại theo chủ như người dẫn đường. Chủ vui vẻ theo sau, tình cảm như đôi bạn thân. Trong xóm, ai thấy vậy cũng thích thú, ngưỡng mộ ông Long vì có con chó trung thành.
Chó đi trước, thỉnh thoảng ngoái nhìn lại theo chủ như người dẫn đường. |
"Mỗi buổi chiều mình bế con đi dạo thì thấy chú Long thường dẫn con chó đi mua đồ ăn, xong nó tự xách về cho chú rất hay. Mà hình như nó cũng biết giận dỗi nữa, nếu như chú dắt nó đi mà không cho nó ăn là nó vẫy đuôi bỏ đi", anh Phạm Ngọc Đức, hàng xóm với ông Long, kể.
"Rất ít khi thấy con chó nào có thể xách đồ hộ chủ được như vậy, đa phần chỉ thấy những con chó con đi chơi với chủ thôi. Nó giống như một người bạn vậy", chị Cao Ngọc Phương, ở gần nhà ông Long, nói thêm.
Cưng như con cái trong nhà
"Thường thường buổi trưa tôi hay nhậu chút đỉnh cho vui... Mà mỗi lần muốn uống là kêu nó đi cùng. Mua mồi nhậu về xong nó vứt ngoài đường á, giống như nó ghét không cho tôi nhậu nhẹt. Còn bánh trái nó đem vô tận nhà", ông Long nói bằng giọng điệu có chút giận hờn là vậy, nhưng người nghe thấy được cả sự cảm thương mà ông dành trọn cho cún cưng của mình.
Sau hơn 2 năm ở nhà ông Long, "Gấu" đã nặng tới gần 40 kg. Mỗi ngày, ông Long cho "Gấu" uống 3 bữa sữa tươi vào buổi sáng, trưa và xế chiều. Gấu chỉ ăn một bữa cơm duy nhất vào buổi tối.
"Bánh kẹo xách vô tận nhà, rượu nó để ngoài cửa, không cho tôi uống", ông Long nói |
Bà Hiền, vợ ông Long thường gọi "Gấu" là "Con", coi chó cưng là niềm vui mỗi ngày khi trở về tổ ấm. |
Hai vợ chồng già cưng chiều "Gấu" hết mực. |
"Gấu" chỉ ăn một bữa cơm duy nhất trong ngày, chắc nó ý thức được cân nặng của mình đang là bao nhiêu?! |
"Chủ yếu cho nó uống sữa để tốt cho đường tiêu hóa. Nhà mình cũng không phải có điều kiện, mình ăn gì nó ăn nấy thôi", ông Long nói.
Yêu thương không thể nói hết thành lời, ông Long và bà Hiền chưa từng coi Gấu như một vật nuôi. "Cứ kêu: Gấu vô con, vô đi con, vô cho uống sữa nè con. Vợ tôi cũng thế, đều gọi Gấu là "con" như một thành viên trong gia đình", ông Long chia sẻ.
Nhà có con chó khôn, cả xóm xin giống
Chuyện nhà ông Long có chó khôn không chỉ cả xóm mà cả góc chợ Gò Vấp, nơi ông bà buôn bán không ai là không biết. Nhưng có một điều đặc biệt, mặc dù đã to lớn trưởng thành, nhưng Gấu chưa một lần... sinh đẻ. Ông Long vẫn hay trêu Gấu đẻ xong sợ xấu, sợ mất dáng.
Ông Long kịch liệt phản đối những kẻ trộm chó. "Nếu như họ nuôi một con chó, chắc chắn họ sẽ không bao giờ dám ăn một miếng thịt chó". |
Bà Hiền cười vui vẻ bảo: "Chắc nó chưa tìm thấy đối tượng phù hợp. Quanh xóm cũng có vài con chó đực, nhưng người nhỏ thó, vài con cũng thỉnh thoảng ngó nghiêng chị Gấu nhưng vừa thấy là nó sủa ầm lên, đâu có cho đụng vô người, bởi vậy nên vẫn còn "trong trắng" đến tận giờ".
Hai vợ chồng luôn dõi theo từng bước chân của "Gấu" |
Tiếng lành đồn xa, ai thân thiết cũng đều nhắn nhủ ông Long khi nào "Gấu" đẻ nhớ để cho một con, mà phải đúng màu lông vàng như thế, dáng hình như thế.
Với tất cả những yêu thương này, bộn bề ngoài kia cũng chỉ có thể dừng chân ngoài ngõ. |
Niềm vui mỗi ngày của hai vợ chồng sau khi đi làm về là hình ảnh chó cưng vẫy đuôi, rúc đầu vào lòng chủ nhân mừng rỡ. Chiều về, ông Long dắt Gấu đi dạo, mua hàng tạp hóa, cùng vợ tắm rửa, chăm sóc cún cưng đầy yêu thương. Chợt thấy, cuộc sống ngoài kia có xô bồ, tấp nập bao nhiêu cũng chợt tan biến trong tổ ấm nhỏ của hai vợ chồng già cùng nàng cún đáng yêu.
http://thanhnien.vn/doi-song/cho-cung-khien-ca-xom-o-sai-gon-hoa-mat-vi-biet-xach-do-giup-chu-874895.html