Chính sách kích thích kinh tế của ông Tập Cận Bình và bom nợ Trung Quốc đe doạ thế giới

TS. Phạm Sỹ Thành Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (VCES), cho biết những số liệu cho thấy các chính sách kích thích kinh tế, bao gồm cả kênh tiền tệ và tài khoá của ông Tập Cận Bình đã phát huy tác dụng. Song đi kèm với những chính sách trọng cung, kích thích kinh tế thông qua kênh tiền tệ, tỷ lệ nợ/GDP của Trung Quốc cũng tăng trưởng “chóng mặt”.

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc về mức thấp nhất 40 năm. (Nguồn: VCES)

 

Chính sách kích thích của ông Tập Cận Bình và “bom nợ” 34.000 tỷ trong nền kinh tế Trung Quốc

Kinh tế Trung Quốc đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong 4 thập kỷ qua, song những số liệu thống kê kinh tế mới nhất cho thấy kinh tế Trung Quốc thực sự đã chững lại so với trước đây. Điều này diễn ra trong bối cảnh chiến thanh thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Chia sẻ tại buổi công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô Trung Quốc nửa đầu năm 2019, TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (VCES), cho biết: “Những số liệu công bố mới đây về kinh tế Trung Quốc không có nhiều bất ngờ so với phân tích và dự báo của thị trường”.

TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (VCES)

Cụ thể, GDP quý 2 tăng 6,2%, sản xuất công nghiệp tháng 6 đạt 6,3%, phục hồi nhẹ so với mức 5% của tháng 5, tiêu dùng cũng tăng nhẹ trở lại. Đầu tư cơ sở hạ tầng đã suy giảm bất chấp các khoản trái phiếu địa phương tiếp tục được tung ra. Trong khi thị trường nhà đất vẫn chịu kiểm soát từ các ngân hàng thì sản xuất thép và than đá đã tăng vọt.

“Vậy điều gì đã xảy ra với kinh tế Trung Quốc?”, TS. Phạm Sỹ Thành đặt câu hỏi.

Theo ông Thành, những số liệu trên cho thấy các chính sách kích thích kinh tế, bao gồm cả kênh tiền tệ và tài khoá đã phát huy tác dụng. Song đi kèm với những chính sách trọng cung, kích thích kinh tế thông qua kênh tiền tệ, tỷ lệ nợ/GDP của Trung Quốc cũng tăng trưởng “chóng mặt”.

TS. Phạm Sỹ Thành đưa ra thông tin: “Quy mô gói kích thích lần này là 3.700 tỷ NDT, tương ứng 530 tỷ USD. Điều này không khỏi làm chúng ta nhớ lại thời điểm năm 2008 - thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, và năm 2015 – thời điểm xảy ra cú sốc tỷ giá và thị trường chứng khoán. Trung Quốc đều tung ra khoảng 4.000 tỷ NDT trong hai lần đó. Kết quả, tỷ lệ nợ của Trung Quốc đã tăng vọt từ 140% GDP vào năm 2007 lên 280% GDP vào năm 2018”.

Tỷ lệ nợ trong nền kinh tế Trung Quốc qua các năm. (Nguồn: VCES)

Còn theo thông tin từ Bloomberg, nợ chính phủ và tư nhân của Trung Quốc hiện lên đến 34.000 tỷ USD, một con số khổng lồ. Đây là “quả bom nợ” có thể đe dọa cả nền kinh tế thế giới.

Theo Bloomberg, một phần lớn số tiền này chảy vào các tập đoàn tài chính, đặc biệt là các công ty nhà nước, và hàng loạt chính quyền địa phương đã thúc đẩy tăng trưởng bằng biện pháp liên tục xây dựng hạ tầng trong những năm qua. Cuộc đua xây dựng hạ tầng dữ dội để thúc đẩy tăng trưởng đã dẫn tới hậu quả là nguồn cung hạ tầng trở nên thừa mứa, vượt xa nhu cầu.

Nhìn lại 6 tháng đầu năm 2019, TS. Phạm Sỹ Thành nhận định, sự ổn định kinh tế Trung Quốc là kết quả của chính sách kích thích kinh tế. Nhưng Trung Quốc ngày càng chuyển từ sử dụng chính sách tiền tệ sang chính sách tài khóa để kích thích nền kinh tế. Thêm vào đó, các chính sách tiền tệ của PBoC cũng chuyển từ công cụ lãi suất sang sử dụng công cụ tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Đây là khác biệt cơ bản giữa gói kích thích 2018 – 2019 so với gói 2008-2010 và 2015-2016

Dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc 6 tháng cuối năm 2019 sẽ tiếp tục suy giảm, về mức 6%. Việc các tổ chức quốc tế đều điều chỉnh giảm dự báo GDP Trung Quốc là do lo ngại chiến tranh thương mại Mỹ-Trung kéo dài.

Băn khoăn kế hoạch “Made in China 2025”

Một tác động khác từ chiến tranh thương mại Mỹ -Trung tới nền kinh tế Trung Quốc được TS. Phạm Sỹ Thành chỉ ra là chính sách MIC 2025, thường được gọi là dự án “Chế tạo tại Trung Quốc 2025” (Made in China 2025).

“Made in China 2025” nhằm biến Trung Quốc thành “siêu cường sản xuất”. Kế hoạch này nhấn mạnh 10 lĩnh vực ưu tiên, bao gồm công nghệ thông tin thế hệ mới; các công cụ máy móc và robot điều khiển số tiên tiến; công nghệ hàng không vũ trụ, bao gồm cả động cơ máy bay lẫn thiết bị hàng không; dược phẩm sinh học và thiết bị y tế hiệu suất cao.

Tại thời điểm nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc, việc nắm bắt những ngành công nghiệp và công nghệ mới nổi như vậy được coi là phương tiện then chốt để duy trì và cải thiện tăng trưởng. Chẳng hạn, việc theo đuổi những tiến bộ trong sản xuất thông minh được cho là mang tính sống còn để đảm bảo khả năng cạnh tranh trong tương lai trong bối cảnh diễn ra một cuộc cách mạng công nghiệp mới.

Tình hình triển khai kế hoạch "Made in China 2025". (Ảnh: VCES)

Song 4 năm tính từ khi “Made in China 2025” được triển khai, TS. Phạm Sỹ Thành vẫn băn khoăn về đóng góp thực sự của Made in China 2025 vào kinh tế Trung Quốc.

“Nếu Made in China 2025 phát huy tác dụng thì tại sao sản xuất công nghiệp Trung Quốc vẫn không ngừng suy giảm?”, ông Thành đặt câu hỏi.

Gần đây, trước những chỉ trích của Mỹ và châu Âu về những tham vọng liên quan đến MIC 2025, Trung Quốc đã "xoa dịu" bằng cách thông qua Luật đầu tư nước ngoài mới vào tháng 3/2019. Tên gọi MIC 2025 và các từ liên quan như “tỷ lệ tự cung tự cấp”, được coi là chỉ dẫn cho những nỗ lực của Trung Quốc để thay thế các sản phẩm và công nghệ nước ngoài, phần lớn đã bị loại bỏ khỏi các văn bản chính sách.

Ông Tập Cận Bình không đề cập đến "Made in China 2025" tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương năm nay, cũng như thủ tướng Lý Khắc Cường không sử dụng trong Báo cáo Công tác Chính phủ 2019. Trong số 445 văn bản của chính phủ liên quan đến MIC 2025, chỉ có 11% được ban hành trong năm 2018.

Người Trung Quốc phẫn nộ vì kẻ hiếp, giết du học sinh ở Mỹ thoát án tử
Tránh phụ thuộc Trung Quốc, Apple sẽ thử sản xuất tai nghe Airpod tại Việt Nam?
Ngày đoàn tụ gia đình của người phụ nữ 24 năm bị bán sang Trung Quốc
/ danviet.vn