Ông Nguyễn Văn Phúc cho rằng mô hình chính quyền ở TP HCM không thể giống tỉnh nhỏ như Bắc Kạn, Thái Bình.
Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho TP HCM. Hà Nội cũng mới được Bộ Chính trị đồng ý cho thí điểm chính quyền đô thị tại khu vực các quận. Một số đô thị lớn trên toàn quốc đang xây dựng thành phố thông minh.
Ngoài ra, Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) sẽ hình thành đặc khu.
Các khái niệm trên được hiểu như thế nào trong khuôn khổ quy định pháp luật hiện hành? VnExpress có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Phúc - nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế, người từng tham gia soạn thảo Hiến pháp 2013 và là chuyên gia độc lập của dự án Luật các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế. Ảnh: VGP
- Nếu một người dân thắc mắc về các khái niệm trên, ông sẽ giải thích như thế nào?
- Mỗi khái niệm khi áp dụng vào đơn vị hành chính cụ thể thì sẽ được hiểu theo các quy định mà cấp có thẩm quyền dành cho đơn vị đó.
Ví dụ, Quốc hội thông qua bốn nhóm cơ chế, chính sách phát triển TP HCM, cái đặc thù chính là nội dung nghị quyết, là các quy định cho phép TP HCM được triển khai một số công việc theo hành lang pháp lý khác với trước và không bị ràng buộc như địa phương khác. Chính vì vậy, rất khó nói ngắn gọn về mỗi khái niệm vì nó còn phụ thuộc vào nội dung, quy định liên quan như thế nào. Ở đây tôi đưa ra cách hiểu cơ bản nhất.
Chính quyền đô thị có thể được hiểu đơn giản là chính quyền ở khu vực đô thị, để phân biệt với tổ chức chính quyền nông thôn - mô hình truyền thống.
Ở Quốc hội khóa trước, Đoàn đại biểu TP HCM và TS Trần Du Lịch đã nêu vấn đề này rất mạnh mẽ. Theo đó, chính quyền đô thị sẽ không tổ chức HĐND ở cấp quận, phường; tăng mạnh tính chất tự chủ và tự quản của thành phố trong quan hệ với Trung ương và trong giải quyết các vấn đề chỉ có ở đô thị, đơn cử như ùn tắc giao thông...
Tuy nhiên, đề xuất trên chưa được chấp thuận dù kết quả thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường tại TP HCM cho kết quả tốt.
Vừa qua Bộ Chính trị đồng tình để TP Hà Nội thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận; tiếp tục củng cố chính quyền nông thôn theo quy định của pháp luật.
Bước đầu chúng ta hiểu rằng Thủ đô có khu vực lõi đô thị và khu vực nông thôn rộng lớn sáp nhập từ Hà Tây trước đây. Hai nơi này cần tổ chức quản lý khác nhau. Cụ thể quản lý như thế nào thì chủ trương của Bộ Chính trị sẽ được thể chế hóa thông qua quy định pháp luật.
Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (hay còn gọi là đặc khu) là mô hình thử nghiệm thể chế. Đây là một loại hình đơn vị hành chính, nhưng có mục tiêu phát triển kinh tế đặc biệt nên phải có quy định về chính sách, về mô hình tổ chức chính quyền địa phương... khác với phần còn lại của đất nước.
Ngày 10/10 vừa qua, dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được trình Quốc hội, với hy vọng sẽ được thông qua tại kỳ họp tháng 5/2018.
Cơ chế đặc thù là cơ chế, chính sách do Quốc hội quyết định, khác với các luật hiện hành nhưng không được trái Hiến pháp.
Cơ chế đặc thù cũng có thể do Chính phủ quyết định nhưng không được trái với các Luật, Nghị quyết của Quốc hội; có thể được áp dụng thí điểm trong thời hạn nhất định
Thành phố thông minh là việc áp dụng công nghệ thông tin vào quản trị, phát triển đô thị để phục vụ cuộc sống của người dân tốt hơn.
Ở đó có hệ thống giao thông thông minh, hạ tầng thông minh, điện thông minh, toà nhà thông minh... giúp việc kết nối thông tin không chỉ giữa con người với con người mà còn kết nối giữa con người với vạn vật. Như ứng dụng công nghệ để giúp giảm ùn tắc giao thông, quản lý lưu lượng xe lưu thông trên đường từ đó biết được điểm nóng ùn tắc để điều chỉnh đèn tín hiệu, phân luồng; thu phí thông minh tại các tuyến đường hay bị tắc vào giờ cao điểm...
- Ở trên ông có đề cập đến chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn, vậy hai mô hình này khác nhau ra sao?
- Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã phân biệt chính quyền ở đô thị và chính quyền nông thôn, hải đảo, theo đó nhiệm vụ và cơ cấu bộ máy mỗi nơi khác nhau. Nhưng Luật không giải quyết được đề xuất xây dựng chính quyền đô thị một cấp.
Phân cấp hành chính ở Việt Nam theo chiều dọc, gồm cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Trước đây có đề xuất chính quyền đô thị một cấp, nghĩa là cấp trung ương rồi đến cấp thành phố, không tổ chức cấp chính quyền ở các đơn vị cấp quận, phường, các nơi này chỉ có cơ quan đại diện hành chính. Còn khu vực nông thôn thì tổ chức như cũ hoặc chỉ tổ chức chính quyền ở xã, thị trấn, không tổ chức cấp chính quyền ở huyện.
Việc tổ chức chính quyền một cấp ở đô thị sẽ giúp triển khai các chủ trương của trung ương, của thành phố xuống bên dưới nhanh hơn.
Khi xây dựng Hiến pháp 2013, tôi về các đơn vị mình ứng cử đại biểu Quốc hội để hỏi thăm và đều nhận được câu trả lời là cấp phường không nên tổ chức nữa. Theo tôi, chính quyền đô thị không nên quá nhiều cấp, vì nó khác nông thôn ở chỗ rất tập trung. Giao thông, điện nước không thể chia cắt mà phường thì không thể đảm đương nổi nhiệm vụ kết nối các lĩnh vực này.
Quốc hội vừa thông qua nghị quyết về các cơ chế, chính sách phát triển TP HCM. Ảnh: P.V
Chính quyền đô thị lớn không thể giống tỉnh nhỏ
- Việc Hà Nội thí điểm chính quyền đô thị, TP HCM có cơ chế, chính sách đặc thù và Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang xây ba đặc khu liệu có phá vỡ sự thống nhất của không gian hành chính trên toàn quốc, hay đó là sự cần thiết để phát triển thưa ông?
- Hiến pháp 2013 hướng tới việc, trong thể thống nhất chung cho phép sự đa dạng. Bởi vì chính quyền ở TP HCM không thể giống với chính quyền ở tỉnh nhỏ như Bắc Kạn, Thái Bình...
Thống nhất là ở mục đích, nguyên lý, còn hình thức, phương pháp là đa dạng. Quản trị thành phố chắc chắn khác nông thôn. Nếu chúng ta không thừa nhận sự khác biệt, vượt trội thì đất nước không thể phát triển được.
Tôi lấy ví dụ đơn giản, một quận ở TP HCM mỗi năm xét xử số vụ án còn nhiều hơn một tỉnh bình thường. Hay trước đây mỗi tỉnh đều có Sở Văn hoá Thể thao Du lịch, nhưng hiện một số tỉnh phải tách Sở Du lịch riêng cho phù hợp với quy luật. Vì vậy, việc phát triển chính quyền đô thị hay đặc khu là yêu cầu tự nhiên, tạo nên sự đa dạng trong thống nhất.
Chúng ta không sợ từ việc này mà "anh nào cũng xin đặc thù", bởi vì mỗi địa phương có điểm khác nhau.
Cơ chế rất quan trọng với sự phát triển của địa phương. Ở Trung Quốc, ông Đặng Tiểu Bình từng nói "tôi cho các anh cơ chế, cứ thế mà làm", vì vậy họ đã có một đặc khu Thẩm Quyến như bây giờ.
Từ cơ chế sẽ có nhà đầu tư, có nguồn lực, tiền vàng từ dân bỏ ra. Một số nhà đầu tư vào Phú Quốc nói rằng họ chỉ cần 2 chữ "free" và "open" (tự do và mở cửa).
Tại các đặc khu chuẩn bị được thành lập cũng nên thử nghiệm ba trong một, gồm mô hình đặc khu, chính quyền đô thị và thành phố thông minh. Hiện Phú Quốc đang đi theo hướng này.
- Hiến pháp 2013 và hệ thống quy định pháp luật hiện hành tạo điều kiện cho các tỉnh, thành "xoay sở" như thế nào trong việc áp dụng cơ chế, chính sách tạo đột phá phát triển, thưa ông?
- Hiến pháp 2013 đổi tên chương UBND và HĐND thành chương chính quyền địa phương. Như vậy từ tên chương đã có sự đổi mới, được thiết kế theo hướng mở để tạo không gian cải cách.
Ban soạn thảo Hiến pháp đã thể hiện quan điểm rõ ràng, đó là Hiến pháp phải tạo ra độ mở vì văn bản này quy định nội dung cho phát triển lâu dài.
Hiến pháp 2013 cũng nêu rõ đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập, và cho phép trong thành phố trực thuộc Trung ương có đơn vị hành chính tương đương, đó có thể là thành phố, đặc khu hay khu thương mại tự do.
Với quy định mở này, các thành phố trực thuộc trung ương có thể đề xuất lập thành phố trong thành phố, như thành phố Sơn Tây trong TP Hà Nội, TP Cần Giờ trong TP HCM.
Điểm khác và giống nhau của 3 đặc khu kinh tế Người Việt được vào casino, dân được miễn thuế trong 5 năm, phát triển các ngành riêng biệt... và chỉ có một trưởng đơn vị thực ... |
Đặc khu kinh tế: Chọn sai vị trí, dễ thất bại Đặc biệt, đặc khu kinh tế có mục tiêu cực kỳ quan trọng, là “lồng ấp” thể chế chính trị, chính sách cho đất nước. |