Chính quyền Afghanistan thất bại: Mục ruỗng từ sơ khai?

Bất chấp 20 năm huấn luyện và hàng tỷ USD Mỹ viện trợ, quân đội Afghanistan dường như không thể phòng thủ được trước lực lượng Taliban được đánh giá thấp hơn.

Thất bại chóng vánh của chính quyền Kabul đã được dự đoán trước, bởi hệ thống này vốn từ đầu đã không có ý chí giữ gìn đất nước trước cuộc tiến công của lực lượng nổi dậy Taliban.

Mua quyền kiểm soát lãnh thổ

Theo Washington Post, sự sụp đổ của chính quyền Afghanistan cho phép Taliban tiến vào Kabul hôm 15/8 bắt đầu từ một loạt các thỏa thuận ở vùng nông thôn, giữa lực lượng phiến quân và một số quan chức cấp thấp nhất của chính phủ.

Theo một sĩ quan Afghanistan và một quan chức Mỹ, các thỏa thuận ban đầu được đưa ra vào đầu năm ngoái - thường được các quan chức Afghanistan mô tả là thỏa thuận ngừng bắn. Nhưng thực tế, các nhà lãnh đạo Taliban đã bỏ tiền để đổi lấy việc lực lượng chính phủ giao nộp vũ khí.

Một năm rưỡi tiếp theo, các cuộc trao đổi lên đến cấp huyện và nhanh chóng đến các thủ phủ tỉnh. Đỉnh điểm, một loạt cuộc đầu hàng ngoạn mục của các lực lượng chính phủ diễn ra.

Chính quyền Afghanistan thất bại: Mục ruỗng từ sơ khai? - 1
Lực lượng an ninh Afghanistan tại một căn cứ ở Kabul vào tháng 4/2021. (Ảnh: Lorenzo Tugnoli/The Washington Post)

Và tốc độ "càn quét" mới đây nhất của Taliban khiến dư luận quốc tế sững sờ.

Trong vòng hơn một tuần, lực lượng này chiếm 13 thủ phủ tỉnh và tiến vào Kabul mà không gặp phải sự kháng cự nào, cuối cùng khiến Tổng thống Afghanistan ra đi và chính phủ sụp đổ. Lực lượng an ninh Afghanistan ở các quận xung quanh Kabul và trong chính thành phố tan rã. Khi màn đêm buông xuống, các trạm kiểm soát của cảnh sát bị bỏ hoang và quân nổi dậy tự do lang thang trên đường phố.

Chỉ muốn có tiền

Theo Washington Post, Taliban đã lợi dụng sự không chắc chắn từ thỏa thuận đạt được vào tháng 2/2020 ở Doha, Qatar, giữa lực lượng này và Mỹ, khi thỏa thuận hướng đến việc Mỹ rút quân toàn bộ khỏi Afghanistan. Một số lực lượng Afghanistan nhận ra rằng họ sẽ sớm không còn có thể trông chờ vào sức mạnh không quân của Mỹ và các hỗ trợ chiến trường quan trọng khác, nên dần quay sang chấp nhận sự tiếp cận của Taliban.

“Một số chỉ muốn có tiền", một sĩ quan đặc nhiệm Afghanistan giấu tên nói về những người đầu tiên đồng ý gặp Taliban. Những người khác coi cam kết của Mỹ về việc rút quân không khác nào "đảm bảo" rằng quân nổi dậy sẽ trở lại nắm quyền ở Afghanistan và muốn chắc chắn vị trí của họ ở bên chiến thắng.

Chính quyền Afghanistan thất bại: Mục ruỗng từ sơ khai? - 2
Taliban tiến vào Kabul vào ngày 15/8. Lầu Năm Góc cho biết có tới 6.000 lính Mỹ sẽ triển khai tới sân bay để sơ tán nhân viên Mỹ. (Ảnh: Sarah Parnass, Joshua Carroll/The Washington Post)

Thỏa thuận Doha, được thiết lập để chấm dứt chiến tranh ở Afghanistan, thay vào đó khiến nhiều lực lượng Afghanistan mất tinh thần, phơi bày ý định tham nhũng của nhiều quan chức Afghanistan và lòng trung thành mong manh của họ với chính quyền trung ương. Một số sĩ quan cảnh sát phàn nàn rằng đã không được trả lương trong 6 tháng hoặc thậm chí hơn.

“Họ coi thỏa thuận đó là dấu chấm hết”, vị sĩ quan nói, đề cập đến phần lớn người Afghanistan có liên kết với chính phủ. “Ngày thỏa thuận được ký kết, chúng tôi thấy sự thay đổi. Tất cả mọi người chỉ lo cho chính mình. Giống như (Mỹ) đã bỏ mặc để chúng tôi thất bại".

Theo quan chức Mỹ và sĩ quan Afghanistan, khi Tổng thống Biden tuyên bố vào tháng 4 rằng các lực lượng Mỹ sẽ rút khỏi Afghanistan vào mùa hè này mà không có điều kiện nào, thành phần muốn đầu hàng bắt đầu nhiều lên.

Chính quyền Afghanistan thất bại: Mục ruỗng từ sơ khai? - 3
Lực lượng an ninh Afghanistan bay qua thành phố Kabul vào tháng 4/2021. (Ảnh: Lorenzo Tugnoli/The Washington Post)

Phiến quân mở rộng quyền kiểm soát. Tình trạng các quận do chính phủ nắm giữ thất thủ mà không kháng cự ngày càng phổ biến. Kunduz, thành phố trọng điểm đầu tiên bị tấn công và kiểm soát mới chỉ một tuần trước. Nhiều ngày đàm phán do các trưởng lão bộ lạc làm trung gian dẫn đến thỏa thuận đầu hàng giao căn cứ cuối cùng do chính phủ kiểm soát cho Taliban.

Ngay sau đó, các cuộc đàm phán ở tỉnh Herat, miền Tây đã khiến thống đốc, các quan chức Bộ Nội vụ hàng đầu và các quan chức tình báo cùng hàng trăm binh lính từ chức. Thỏa thuận được ký kết chỉ trong một đêm.

“Tôi rất xấu hổ", một quan chức Bộ Nội vụ tại Kabul nói khi đề cập đến sự đầu hàng của quan chức cấp cao Abdul Rahman Rahman ở Herat. “Tôi chỉ là một người nhỏ bé, không phải to lớn gì. Đến ông ấy còn làm vậy thì tôi phải làm sao?”

Thiếu lòng trung thành

Trong tháng qua, tỉnh Helmand, miền Nam cũng chứng kiến các vụ đầu hàng hàng loạt. Và khi Taliban tiến vào tỉnh Ghazni, miền Đông Nam, thống đốc thậm chí chạy trốn dưới sự bảo vệ của Taliban nhưng đã bị chính phủ Afghanistan bắt giữ trên đường trở về Kabul.

Cuộc chiến của quân đội Afghanistan chống lại Taliban có sự tham gia của một số đơn vị tinh nhuệ có năng lực và động lực. Tuy nhiên, họ thường được điều động để hỗ trợ cho các đơn vị quân đội và cảnh sát được huấn luyện kém hơn, và những đơn vị này nhiều lần chùn bước dưới áp lực của Taliban.

Một sĩ quan lực lượng đặc biệt Afghanistan đóng tại Kandahar được giao nhiệm vụ bảo vệ khu vực biên giới quan trọng. Anh kể lại khi bị chỉ huy ra lệnh đầu hàng. “Chúng tôi muốn chiến đấu! Nếu chúng tôi đầu hàng, Taliban sẽ giết chúng tôi”, anh nói.

“Đừng bắn một phát nào", vị chỉ huy ra lệnh khi Taliban tràn vào khu vực, theo sĩ quan này. Cảnh sát biên phòng đầu hàng ngay lập tức, để đơn vị đặc nhiệm tự xoay sở. Một sĩ quan thứ hai đã xác nhận câu chuyện của đồng nghiệp.

Không muốn đầu hàng nhưng cũng không được chiến đấu quá khích, các thành viên của đơn vị bỏ vũ khí, thay trang phục dân sự và rời vị trí.

“Tôi cảm thấy xấu hổ về những gì mình đã làm", cảnh sát thứ nhất nói. Nhưng anh nói nếu không chạy trốn, "tôi sẽ bị chính phủ của mình bán cho Taliban".

Chính quyền Afghanistan thất bại: Mục ruỗng từ sơ khai? - 4
Một sĩ quan cảnh sát ở tiền đồn cách vị trí Taliban ở Kandahar vài trăm mét vào ngày 28/7/2021. (Ảnh: Lorenzo Tugnoli/The Washington Post)

Khi một sĩ quan cảnh sát Afghanistan khác được hỏi về việc lực lượng thiếu động lực, anh giải thích rằng họ đã không được trả lương. Một số cảnh sát Afghanistan ở tiền tuyến Kandahar nói chưa được trả lương trong vòng sáu đến chín tháng. Các khoản chi trả của Taliban như vậy trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.

“Không có Mỹ thì không sợ bị bắt vì tội tham nhũng. Điều đó khiến những kẻ phản bội trong quân đội của chúng tôi lộ diện", sĩ quan cảnh sát Afghanistan nói.

Một số sĩ quan khác thuộc lực lượng cảnh sát Kandahar cũng cho biết tham nhũng là nguyên nhân gây ra sự sụp đổ nhiều hơn là do sự kém cỏi.

Trong những ngày trước khi Kandahar bị chiếm, người ta thấy mọi thứ rõ hơn. Bacha, chỉ huy cảnh sát 34 tuổi, đã rút lui đều đặn trong hơn 3 tháng. Trang phục của anh rách rưới hơn. Trong cuộc phỏng vấn, anh nói rằng những lần rút lui lặp đi lặp lại đã làm thui chột lòng kiêu hãnh của anh, nhưng việc không được trả lương càng khiến anh ấy cảm thấy tuyệt vọng.

“Lần trước tôi gặp bạn, Taliban đã đề nghị trả 150 USD cho bất kỳ ai từ chính phủ đầu hàng và tham gia cùng họ. Bạn có biết, giá bây giờ là bao nhiêu không?", anh nói với phóng viên khi cuộc phỏng vấn kết thúc.

/ vtc.vn