Chính phủ: 'Việc tăng giá điện được thực hiện đúng quy định'

Báo cáo Quốc hội, Chính phủ cho biết giá thành sản xuất kinh doanh điện không bao gồm các chi phí đầu tư ngoài ngành của EVN.  

Một ngày sau khi được Quốc hội yêu cầu, Chính phủ đã gửi báo cáo tới Quốc hội về việc điều hành giá điện. Báo cáo do Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh ký ngày 21/5.

Một lần nữa, Bộ trưởng Công Thương nhắc lại quy trình xây dựng, ban hành giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 và khẳng định đã thực hiện theo đúng quy định, chỉ đạo của Thủ tướng.

"Năm 2019, Chính phủ đã xem xét điều chỉnh giá điện theo đúng quy định của Luật Điện lực, Quyết định 24 của Thủ tướng, một số Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội", báo cáo của Chính phủ nêu.

Thay mặt Chính phủ, ông Trần Tuấn Anh cũng cho biết, theo quy định, giá điện đã được điều chỉnh từ năm 2018, nhưng cân nhắc nhiều yếu tố tác động tới kinh tế vĩ mô, lạm phát nên "đã được lùi lại". Năm 2019, Thủ tướng có quyết định cho phép Bộ Công Thương tăng giá điện bán lẻ bình quân thêm 8,36% và lựa chọn thời gian tăng là 15-20/3.

Mức điều chỉnh thêm 8,36%, khoảng 1.864,44 đồng một kWh, được đưa ra dựa trên tổng chi phí mua điện năm 2019 tăng khoảng 20.000 tỷ đồng cùng các yếu tố đầu vào như than bán cho điện, tỷ giá, giá khí trong và ngoài bao tiêu, giá dầu thế giới... Song, mức giá này chưa gồm khoản chênh lệch tỷ giá hợp đồng mua điện năm 2018, trên 3.260 tỷ đồng. Nếu bổ sung chi phí này, bán lẻ điện bình quân khoảng 1.879,9 đồng, tương đương 9,26%.

"Để tránh tác động lớn tới chỉ số CPI và ổn định kinh tế vĩ mô, thường trực Chính phủ đã chọn phương án tăng giá điện 8,36%", báo cáo Chính phủ nêu.

chinh phu viec tang gia dien duoc thuc hien dung quy dinh
Công nhân điện lực Hà Nội kéo dây sửa chữa lưới điện. Ảnh: Ngọc Thành

Thời điểm tăng giá điện là ngày 20/3, theo Chính phủ, được tính toán trên cơ sở đồng bộ với các điều chỉnh giá xăng dầu, dịch vụ y tế, học phí... Cụ thể, giá bán lẻ điện bình quân tăng 8,36% vào ngày 20/3 sẽ làm CPI cả năm tăng 0,3%, ở mức 3,3-3,9%, thấp hơn mức 4% Quốc hội thông qua.

Thời điểm này cũng đã được cân nhắc lựa chọn theo đề xuất của các Bộ và Tổng cục Thống kê. Quy luật hàng năm, chỉ số giá tiêu dùng CPI thường tăng cao vào tháng 2 và giảm mạnh trong tháng 3, nên không tác động nhiều đến chỉ số CPI bình quân cả năm, kiềm chế được lạm phát kỳ vọng.

Sau điều chỉnh tăng giá, theo thống kê của EVN, số lượng khách hàng sử dụng điện tháng 4 dưới 200 kWh một tháng giảm, trong khi lượng hộ dùng trên 200 kWh tăng.

Phần lớn khách hàng sinh hoạt ngay trong tháng 4 nắng nóng cũng chỉ sử dụng điện dưới 200 kWh một tháng. Cụ thể, 68,15% khách hàng sinh hoạt dùng dưới 200 kWh; dùng dưới 100 kWh là 31,6%. Trong khi số khách hàng dùng điện trên 200kWh chiếm 31,85%.

"Quá trình điều hành giá điện và quyết định tăng giá mặt hàng này từ ngày 20/3 đã được Chính phủ chỉ đạo sát sao, cân nhắc nhiều yếu tố và đánh giá tác động nhiều chiều", báo cáo Chính phủ khẳng định.

Về thông tin cho rằng giá điện "gánh" các chi phí, lỗ đầu tư ngoài ngành của EVN, Chính phủ khẳng định, chi phí sản xuất kinh doanh điện được kiểm toán và không gồm các khoản đầu tư ngoài ngành của EVN. Chi phí này cũng được tách bạch theo chi phí các khâu, như phát điện, truyền tải, phân phối, phụ trợ và quản lý ngành. Vì thế, giá thành sản xuất điện và phương án điều chỉnh giá điện không gồm các chi phí đầu tư ngoài ngành của "nhà đèn".

Hiện ngành điện đã thoái toàn bộ vốn ngoài ngành thu về hơn 2.340 tỷ đồng, lãi 127 tỷ đồng. Riêng khoản vốn đầu tư còn lại 187,5 tỷ đồng tại Công ty cổ phần Tài chính Điện lực sẽ được EVN thoái vốn trong năm 2019.

Trước những phản ánh của người dân về hoá đơn tiền điện tăng đột biến, Chính phủ cho biết, đã chỉ đạo Bộ Công Thương, EVN và các cơ quan liên quan kiểm tra, giải đáp thoả đáng cho người dân, doanh nghiệp. Kết quả kiểm tra của Bộ Công Thương về giá điện cho thấy, ngành điện đã thực hiện đúng quy định trong niêm yết công khai giá điện mới, ghi và chốt chỉ số công tơ, tiền điện...

"Đến nay, chưa phát hiện các trường hợp gian lận, cố tình tính toán sai tiền điện đối với các khách hàng sử dụng điện", báo cáo Chính phủ khẳng định.

Cùng đó, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc thanh tra theo chỉ đạo của Thủ tướng việc tăng giá điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện. Báo cáo này sẽ hoàn thành và báo cáo Thủ tướng trong tháng 6.

Tiếp thu phản ánh của người dân, Bộ Công Thương và EVN sẽ đề xuất cách tính biểu giá điện bậc thang mới để giảm bù chéo giữa các nhóm khách hàng dùng điện và nhu cầu sử dụng điện thực tế của người dân.

Anh Minh

chinh phu viec tang gia dien duoc thuc hien dung quy dinh Thủ tướng: Tăng giá điện, giá xăng dầu gây tâm tư trong nhân dân

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc tăng giá điện và giá xăng dầu vừa qua gây tâm tư trong nhân dân.

/ VnExpress