Hầu hết môn học hướng đến mục tiêu hình thành, phát triển các năng lực cho người học, đặc biệt là khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
Chiều 19/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố dự thảo nội dung các chương trình môn học, trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Tổng chủ biên Nguyễn Minh Thuyết và chủ biên một số môn cho hay sẽ có nhiều thay đổi về nội dung so với chương trình hiện hành.
Hầu hết môn học trong chương trình lần này hướng đến mục tiêu hình thành và phát triển các năng lực cho người học, đặc biệt là năng lực vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề của thực tiễn. Nội dung mang tính ứng dụng được đẩy mạnh, phương pháp giáo dục tích cực, đặc biệt là thực hành, thí nghiệm được đề cao.
Các môn học trong chương trình Giáo dục phổ thông mới (chưa tính môn Ngoại ngữ 1).
Chương trình môn Toán dành 21% tổng thời lượng cho nội dung ứng dụng và loại bỏ dạng bài tập lắt léo, phục vụ thi cử. "Tính ứng dụng được chúng tôi đòi hỏi trong yêu cầu cần đạt của từng chủ đề. Ví dụ ở lớp 12, chương trình thiết kế chuyên đề ứng dụng Toán học trong tài chính, giúp học sinh biết vận dụng kiến thức toán học để giải quyết một số vấn đề về đầu tư hay lãi suất và vay nợ của tổ chức tín dụng", chủ biên chương trình môn Toán GS Đỗ Đức Thái nói.
Về cấu trúc, chương trình môn Toán mới thống nhất từ lớp 1 đến 12, xoay quanh và tích hợp ba mạch kiến thức: Số và Đại số; Hình học và Đo lường; Thống kê và Xác suất.
Lần đầu tiên chương trình có hoạt động trải nghiệm toán học cho học sinh ở từng lớp, giúp các em vận dụng kiến thức, kỹ năng đã được tích lũy từ giáo dục toán học và kinh nghiệm của bản thân vào giải quyết một số vấn đề thực tiễn.
Chương trình môn Ngữ văn ở bậc phổ thông mới sẽ không còn là bản thu nhỏ của khoa học Ngữ văn như hiện nay mà tinh giản, chỉ đưa vào nội dung giúp học sinh phát triển phẩm chất và năng lực: đọc hiểu, giao tiếp tốt, biết cảm thụ, thưởng thức văn chương.
Chương trình mới được xây dựng theo hướng mở, không quy định chi tiết về nội dung dạy học và các văn bản cụ thể. Cả chương trình chỉ còn 6 tác phẩm văn học bắt buộc, gồm: Nam quốc sơn hà tương truyền của Lý Thường Kiệt, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu, Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh.
"Chương trình mới không chạy theo số lượng tác phẩm của cả nền văn học mà chỉ chọn lọc tác phẩm tiêu biểu cho mỗi thể loại... Số lượng văn bản mang tính chất mẫu giảm đi, thời gian dành cho việc khai thác một tác phẩm tăng lên. Giáo viên do đó sẽ có thời gian hướng dẫn học sinh tìm hiểu sâu hơn về tác phẩm, có nhiều thời gian trao đổi, thảo luận và thấm nhuần giá trị của tác phẩm", chủ biên chương trình PGS Đỗ Ngọc Thống chia sẻ.
Chương trình môn học mới hướng đến tính ứng dụng. Ảnh: Thành Nguyễn.
Tin học trở thành môn học trọng tâm trong chương trình mới. Thay vì là môn tự chọn, từ lớp 3 đến lớp 9 chương trình mới yêu cầu học bắt buộc môn này. Cấp THPT, Tin học là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh, phân hóa theo 2 định hướng Tin học ứng dụng và Khoa học máy tính (trong chương trình hiện hành không phân hóa).
Lịch sử và Địa lý được tích hợp thành một môn ở cấp tiểu học và THCS. Đặc biệt, nội dung giáo dục Lịch sử lần này, theo chủ biên Phạm Hồng Tung, sẽ "không có khoảng trống".
"Chương trình Lịch sử mới được xây dựng trên quan điểm không có gì không thể nói và không được nói... Những chuyện trong quá khứ, vì lý do nào đó trước đây chúng ta né tránh hoặc chưa dạy thấu đáo, giờ đều có thể được đưa vào, sao cho phù hợp với năng lực nhận thức và tâm lý lứa tuổi của học sinh", GS Tung nói.
Nội dung chương trình 19 môn (chưa tính Ngoại ngữ 1), đều có sự đổi mới tích cực, nên nhận được nhiều kỳ vọng của dư luận.
Chương trình sách giáo khoa mới: Giáo viên “ngơ ngác”
Theo quyết định của Quốc hội, chương trình sách giáo khoa (SGK) mới thực hiện chậm nhất từ năm học 2020 - 2021 đối với ... |
Thầy giáo nổi tiếng nói gì về chương trình Ngữ văn mới?
Mới đây, thầy giáo Trịnh Văn Quỳnh - Giáo viên dạy Ngữ văn tại trường THPT Lương Thế Vinh, Nam Định đã chia sẻ về ... |