“Chiêu mới” trong tham vọng chủ quyền phi pháp ở Biển Đông

Việc Trung Quốc đơn phương ban hành quy định phạt nặng ngư dân nước ngoài trong vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông được xem là một “chiêu mới”, bước leo thang hòng hiện thực hóa yêu sách đòi chủ quyền phi pháp và phi lý ở vùng biển chiến lược sống còn với không chỉ các quốc gia khu vực này.

“Chiêu mới” trong tham vọng chủ quyền phi pháp ở Biển Đông ảnh 1
Đội tàu cá Trung Quốc neo đậu tại bãi đá ngầm trên Biển Đông

Quyết định “bắt nạt” nhằm hiện thức hóa tham vọng phi pháp độc chiếm Biển Đông

Trung Quốc mới đây đã ban hành quy định mới “bật đèn xanh” cho việc có thể tùy nghi phạt nặng các ngư dân nước ngoài hoạt động trong vùng biển mà nước này tuyên bố “thuộc quyền tài phán” của mình, bao gồm cả những vùng biển rộng lớn ở Biển Đông. Quy định mới được Bộ Nông nghiệp nông thôn và Hải cảnh Trung Quốc ban hành và có hiệu lực từ ngày 26-11-2021, song chỉ mới được công bố chính thức trên trang web của chính phủ bằng tiếng Trung Quốc.

Biện minh cho việc đơn phương ban hành những quy định gây thêm căng thẳng ở Biển Đông, Trung Quốc nói rằng, mục đích của quy định “Tiêu chuẩn tùy nghi xử phạt hành chính nghề cá trên biển” là nhằm tiêu chuẩn hóa các hình thức xử phạt hành chính trong lĩnh vực nghề cá. Đồng thời, đảm bảo cái gọi là “việc thực hiện công bằng, chính đáng và hợp lý cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước và công dân”.

Theo quy định “Tiêu chuẩn tùy nghi xử phạt hành chính nghề cá trên biển” vừa công bố, ngư dân nước ngoài có thể bị phạt tới 400.000 nhân dân tệ (khoảng 62.700 USD) nếu bị phát hiện “có hoạt động đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa Trung Quốc tuyên bố” mà không có sự đồng ý của Trung Quốc. Những ngư dân này có thể bị lực lượng chấp pháp như hải cảnh Trung Quốc trục xuất và tịch thu các thiết bị đánh bắt.

Nếu ngư dân nước ngoài đánh bắt trong khu vực mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh hải hoặc ở phạm vi rất gần bờ biển Trung Quốc, có thể bị phạt tới 500.000 nhân dân tệ (khoảng 78.500 USD), đồng thời bị tịch thu tàu thuyền. Trung Quốc lý giải, nếu “các hoạt động bất hợp pháp” xảy ra tại khu vực mà chính quyền địa phương nước này đã quy định mức xử phạt nặng hơn thì sẽ áp dụng hình phạt của địa phương trước.

Hiện Trung Quốc mới công bố quy định “Tiêu chuẩn tùy nghi xử phạt hành chính nghề cá trên biển” mở đường cho việc phạt nặng ngư dân nước ngoài mà họ cho là hoạt động trong vùng biển mà nước này tuyên bố “thuộc quyền tài phán” của Trung Quốc, song mới chỉ thực hiện thử nghiệm trước khi có hiệu lực lâu dài. Tuy nhiên, giới chuyên gia quốc tế lo ngại, việc Trung Quốc đơn phương đưa ra các quy định mới trên Biển Đông, nơi nước này đơn phương nêu yêu sách chủ quyền phi lý và phi pháp, thậm chí cho rằng một số vùng biển thuộc “lãnh hải” của mình trái với quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp quốc tế về Luật Biển năm 2982 (UNCLOS 1982) có thể khiến căng thẳng thêm leo thang tại khu vực bởi những hành vi dùng sức mạnh để đe dọa, “bắt nạt”.

Đây cũng không phải lần đầu tiên Trung Quốc đơn phương đưa ra các quy định và áp dụng tại các vùng biển tranh chấp. Trước đó, nước này từng nhiều lần ngang nhiên áp đặt các biện pháp nhằm phạt ngư dân nước ngoài ở Biển Đông, thậm chí ngay tại các vùng biển mà các nước liên quan khẳng định thuộc chủ quyền hợp pháp, truyền thống lâu đời của họ.

Chiêu trò mới nguy hiểm

Cộng đồng quốc tế đều đã thấy rõ tham vọng đòi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Sau khi chính thức công bố yêu sách “đường lưỡi bò” (còn gọi là “đường lưỡi bò chín đoạn”) và thuyết “Tứ Sa”, đơn phương đòi chủ quyền với hơn 80% diện tích Biển Đông, trong đó bao phủ lên những khu vực biển rộng lớn thuộc chủ quyền hợp pháp hoặc tuyên bố chủ quyền của các quốc gia khu vực như Brunei, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Việt Nam… Trung Quốc cũng đồng thời liên tục triển khai các chiến thuật, biện pháp hòng hiện thực hóa yêu sách chủ quyền của mình.

Việc Tòa trọng tài thường trực quốc tế (PCA) trong vụ kiện Trung Quốc của Philippines ra phán quyết ngày 12-7-2016 bác bỏ yêu sách đơn phương đòi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông không những không khiến Trung Quốc chùn bước mà ngày càng tỏ ra ráo riết, hung hăng và nguy hiểm trong các bước đi, cách làm nhằm “độc chiếm” Biển Đông. Với xương sống cốt lõi là chiến lược quân sự hóa Biển Đông hòng dùng sức mạnh để áp đặt chủ quyền phi pháp, Trung Quốc liên tiếp tung ra những chiến thuật, chiêu trò để đi tới mục đích cuối cùng đòi chủ quyền phi pháp theo yêu sách “đường lưỡi bò” ở Biển Đông.

Một chiến thuật thâm hiểm từng bị vạch rõ là “chiến thuật vùng xám”. Đây là chiến thuật mà Trung Quốc từng nhiều lần thực thi ở Biển Đông nhằm tạo tình huống dưới ngưỡng xung đột khi có thể tấn công tàu dân sự hoặc tàu cảnh sát biển của nước khác. Ngược lại, đối với các tàu nước ngoài có năng lực mạnh mẽ, dân quân biển sẽ trở thành “kẻ yếu”, tức là lấy tình trạng dân sự làm lá chắn buộc phía bên kia phải chịu hậu quả về mặt ngoại giao hoặc phục vụ cho mục đích tuyên truyền. Bằng chiến thuật này, Trung Quốc từng cưỡng chiếm bãi cạn Scaborough trước đó do Philippines kiểm soát. Hồi tháng 3-2021, Trung Quốc toan tính giở lại trò này ở bãi Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam song bất thành.

Trong “chiến thuật vùng xám” Trung Quốc cũng thường dùng thủ đoạn tăng cường hoạt động tại vùng biển thuộc quyền tài phán của nước khác nhưng nằm trong phạm vi “đường lưỡi bò” hoặc “vùng biển liên quan” mà Trung Quốc khẳng định một cách phi pháp. Dần dà, Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố đây là “vùng chồng lấn”, rồi từng bước dùng sức mạnh biến “vùng chồng lấn” thành của mình.

Hồi năm 2014 và năm 2020, tình hình Biển Đông đã trở lên rất căng thẳng, đe dọa tới tự do hàng hải và hàng không của tuyến vận tải biển chiến lược toàn cầu khi Trung Quốc triển khai nhóm giàn khoan Hải Dương 981 và tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 08 hoạt động thời gian dài, xâm phạm vào cùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam. Đó là những hành vi hung hăng, gây hấn, nguy hiểm nhằm trong toan tính lâu dài biến vùng biển không có tranh chấp, vùng biển thuộc chủ quyền hợp pháp của quốc gia khác thành vùng biển tranh chấp để rồi dùng sức mạnh áp đặt đòi hỏi chủ quyền phi pháp.

Quy định đơn phương “Tiêu chuẩn tùy nghi xử phạt hành chính nghề cá trên biển” vừa công bố là sự tiếp nối của những chiêu trò mặc nhiên coi vùng biển quốc tế, vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia khác ở Biển Đông thành vùng biển thuộc quyền tài phán, thậm chí lãnh hải của Trung Quốc. Trước đó, Trung Quốc từng đơn phương ban bố lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông từ năm 1999, để dùng sức mạnh của lực lượng chấp pháp truy đuổi, bắt giữ, thậm chí đâm chìm tàu của ngư dân các nước khác ở Biển Đông, trong đó có ngư dân Việt Nam.

Quy định đơn phương trên của Trung Quốc càng tạo mối đe dọa an ninh hàng hải nghiêm trọng ở Biển Đông khi trước đó nước này đã thông qua Luật Hải cảnh và Luật An toàn giao thông hàng hải sửa đổi. Theo đó, “bật đèn xanh” cho lực lượng hải cảnh Trung Quốc nổ súng vào tàu thuyền hoạt động ở trong “vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc”.

Quy định “Tiêu chuẩn tùy nghi xử phạt hành chính nghề cá trên biển” vì thế vừa là chiêu trò mới, vừa leo thang trong việc thực hiện chiến lược đòi chủ quyền phi pháp ở Biển Đông.

Hợp tác đa phương khu vực ứng phó tham vọng phi pháp ở Biển Đông Hợp tác đa phương khu vực ứng phó tham vọng phi pháp ở Biển Đông

Việc Indonesia thúc đẩy các hoạt động hợp tác an ninh hàng hải mang tính đa phương với các quốc gia trong ASEAN được cho ...

/ anninhthudo.vn