Chiến tranh Lạnh đang âm thầm trở lại, điều khủng khiếp đón đợi thế giới?

Nguy cơ Chiến tranh Lạnh trở lại ngày càng hiện hữu khi các cường quốc đang âm thầm phát triển vũ khí hạt nhân, vũ khí hủy diệt để bảo vệ an ninh quốc gia.

Có lẽ, một cuộc chiến tranh trực diện sẽ khó diễn ra trong bối cảnh hiện nay song khả năng nổ ra thêm một cuộc Chiến tranh Lạnh là điều hoàn toàn có thể. Nguy cơ này ngày càng hiện hữu khi nhiều quốc gia âm thầm phát triển vũ khí hạt nhân, thậm chí là cả vũ khí hủy diệt hàng loạt. Đấy là mối nguy, lời cảnh tỉnh đối với thế giới, nhân loại cần phải hành động để tránh thảm họa.

Tái diễn Chiến tranh Lạnh

Như một thông lệ, các cường quốc quân sự vẫn thường công bố chi tiêu quốc phòng hàng năm song đó chỉ là bề nổi, mang nặng tính lý thuyết. Còn đằng sau đó, con số thực tế khó mà đo đếm được. Dù kinh tế thế giới bước vào cuộc suy thoái do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, nhưng điều này không làm ngân sách quốc phòng các nước suy giảm trong năm 2021.

Theo số liệu từ Viện nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm, chi tiêu quân sự toàn cầu đã tăng 2,6%. Trung bình mỗi quốc gia đã chi 2,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng.

Chiến tranh Lạnh đang âm thầm trở lại, điều khủng khiếp đón đợi thế giới? - 1
Đối đầu giữa các cường quốc hạt nhân có nguy cơ tái diễn Chiến tranh Lạnh, đe dọa hòa bình thế giới. (Ảnh: Nikkei Asia)

Top đầu danh sách này là những gương mặt quen thuộc, Mỹ đứng đầu với 740,5 tỷ USD, Trung Quốc xếp ngay sau với 178,2 tỷ USD. Bất ngờ lớn nhất là danh sách này thiếu vắng cường quốc quân sự Nga. Với việc chi mạnh tay cho quân sự như vậy, không quá ngạc nhiên khi Washington và Bắc Kinh vẫn là những quốc gia nổi trội trong cuộc đua phát triển vũ khí hạt nhân thời gian gần đây.

Dấu hiệu đáng lo ngại là không chỉ các nước cường quốc mà các quốc gia khác cũng đầu tư mạnh tay tăng cường năng lực quốc phòng. Điều này dấy lên nguy cơ chạy đua vũ trang trên thế giới, trong đó có cuộc đua phát triển vũ khí hạt nhân ở những nước vốn đang sở hữu loại vũ khí này.

Tuy nhiên, ganh đua sức mạnh quốc phòng giữa các nước hiện không diễn ra một cách phô trương mà theo hướng âm thầm. Các quốc giờ đây không còn đưa ra các tuyên bố đanh thép, công khai đối đầu nhau mà lặng lẽ phát triển các loại vũ khí mới, tăng cường các hoạt động thử nghiệm hạt nhân, tên lửa đạn đạo, thậm chí phát triển các loại vũ khí mang tính hủy diệt.

Việc thiếu đi các cơ chế kiểm soát đa phương, nguy cơ tạo ra một khoảng trống phát triển vũ khí hạt nhân chiến lược tăng cao. Năm ngoái, Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, và trước đó một năm là Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Loạt động thái này đã tạo ra những lo ngại về sự mất cân bằng và ổn định chiến lược toàn cầu. Điều này có thể dẫn đến các cuộc chạy đua vũ trang giữa các cường quốc hạt nhân, nguy cơ đẩy thế giới đến bên lề một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Theo Tiến sĩ Satoru Nagao (chuyên gia tại Viện Hudson, Mỹ) nhận định, thế giới đang bước vào kỷ nguyên chạy đua phát triển vũ khí hạt nhân, trong đó nổi trội nhất là Mỹ, Trung Quốc và Nga. Việc Bắc Kinh liên tục có những dấu hiệu mở rộng kho vũ khí của nước này thời gian qua là động thái kích thích, châm ngòi cho các nước khác tăng cường tiềm lực quân sự, trong đó có mở rộng kho vũ khí hạt nhân.

“Nếu Trung Quốc gia tăng số lượng đầu đạn hạt nhân, các nước khác sẽ đứng ngồi không yên. Khi đó, Mỹ, Ấn Độ… cũng cần tăng số lượng đầu đạn để đối phó với các nguy cơ từ Bắc Kinh. Trong khi đó, Vương quốc Anh sẽ củng cố vũ khí hạt nhân của nước này để đối phó với cả Nga và Trung Quốc. Nhiều chuyên gia trên thế giới cho rằng, số lượng đầu đạn hạt nhân trên thế giới sẽ bắt đầu tăng trở lại. Đây là một kỷ nguyên mới của cuộc chạy đua phát triển hạt nhân”, chuyên gia Satoru Nagao cho hay.

Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Hồng Quân - nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Quốc phòng cho rằng, thế giới đang bước vào cuộc Chiến tranh Lạnh mới, và cuộc chiến này không giống so với Chiến tranh Lạnh thời Liên Xô - Mỹ.

“Trước đây, thế giới chia làm hai cực, giờ đây là đa cực. Mối liên kết giữa các quốc gia trong bối cảnh hiện nay cũng chặt chẽ hơn, phụ thuộc nhau nhiều hơn. Các nước sẽ tìm cách cân bằng lợi ích, đảm bảo an ninh quốc gia một khi Chiến tranh Lạnh xảy ra. Chiến tranh Lạnh nếu có tái diễn thì cũng sẽ không thể dẫn đến kết cục như trước đây, Liên Xô tan rã, còn thắng lợi thuộc về Mỹ và phương Tây”, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân nói.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô tính rằng nước này có thể đánh bại đối thủ chính là khối quân sự NATO mà vẫn tránh được chiến tranh hạt nhân quy mô lớn mang tính hủy diệt toàn thế giới. Tại thời điểm đó, cả Mỹ và Liên Xô luôn thường trực trong trạng thái sẵn sàng cho chiến tranh. Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, nếu Thế chiến III nổ ra, đó sẽ là chiến tranh hạt nhân, trong đó hai bên chắc chắn sẽ hủy diệt lẫn nhau.

Chiến tranh Lạnh đang âm thầm trở lại, điều khủng khiếp đón đợi thế giới? - 2
Trung Quốc đang tham vọng sánh ngang tầm với hai siêu cường hạt nhân hiện nay là Mỹ và Nga. (Ảnh: ORF)

Không có bên thắng cuộc

Chạy đua vũ trang ở mức không kiểm soát, hay một cuộc Chiến tranh Lạnh sẽ là viễn cảnh không nước nào mong muốn. Bởi khi đó, một tính toán chiến lược sai lầm, thậm chí một trục trặc của hệ thống chỉ huy, điều khiển là xung đột vũ trang, chiến tranh có thể xảy ra.

“Mỹ có nhiều lợi thế hơn trong cuộc cạnh tranh này. Bản thân Mỹ có nhiều vũ khí hạt nhân. Và Mỹ có các đồng minh và đối tác như Anh, Pháp, Ấn Độ và Israel. Ngay cả khi Trung Quốc có mối quan hệ đối tác gần gũi với Nga và Pakistan, cũng không dễ để Bắc Kinh có thể hy vọng hai nước này sử dụng vũ khí hạt nhân vì Trung Quốc. Như vậy, dù sao thì Mỹ cũng có lợi thế hơn trong cuộc cạnh tranh này”, chuyên gia Satoru Nagao phân tích.

Tuy nhiên, bùng nổ chiến tranh hạt nhân sẽ là thảm họa chung, sẽ không có bên nào giành chiến thắng cuộc trong cuộc chiến này. Bởi lẽ, sự độc quyền về vũ khí hạt nhân không còn chỉ nằm trong tay một quốc gia, xu thế cân bằng cán cân về sức mạnh quân sự ngày càng được thể hiện rõ. Do đó, khi một nước kích hoạt ngòi nổ hạt nhân thì sự đáp trả có thể đến ngay lập tức.

Sức mạnh quân sự được xem tiêu chí quan trọng xác lập vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Một số nước lớn phát triển sức mạnh quân sự, nhất là vũ khí hạt nhân, tạo ưu thế tuyệt đối, nhằm bảo vệ vị thế siêu cường, tranh giành lợi ích chiến lược, răn đe “đánh đòn phủ đầu”, sẵn sàng sử dụng sức mạnh khuất phục, buộc nước khác phải tuân theo ý chí của mình.

“Hiện nay, không thể xảy ra chiến tranh hạt nhân. Bởi lẽ các nước sở hữu vũ khí hạt nhân hiểu rằng một cuộc chiến như vậy nếu xảy ra, bản thân họ không bị tiêu diệt hoàn toàn thì cũng sẽ phải hứng chịu thương vong nặng. Vì vậy, vũ khí hạt nhân hiện được các quốc gia sử dụng để de dọa lẫn nhau, lãnh đạo các nước muốn có vũ khí hạt nhân để thể hiện quyền uy, gia tăng vị thế đất nước”, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh.

Trước xu thế chạy đua phát triển vũ khí hạt nhân, gia tăng sự can dự, cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, các nước khác cũng phải tăng cường sức mạnh quân sự để đối phó với các thách thức an ninh, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Tại Trung Đông, Bắc Phi, Các vấn đề nổi lên như bất ổn, nội chiến, xung đột vũ trang, can dự quân sự của nước lớn buộc các nước trong khu vực tăng cường sức mạnh quân sự.

Chiến tranh Lạnh đang âm thầm trở lại, điều khủng khiếp đón đợi thế giới? - 3
Ngân sách đầu tư cho quốc phòng của các nước không ngừng tăng. (Ảnh: ausairpower.net)

Ngay cả các nước trước nay vốn không được coi mạnh về quân sự cũng đã có sự đầu tư mạnh mẽ cho chi tiêu quốc phòng trong năm 2021. Ả Rập Xê-út đứng thứ 7 trong top các nước chi ngân sách quốc phòng nhiều nhất thế giới với 48,5 tỷ USD. Xếp sau đó là Hàn Quốc, với ngân sách quốc phòng 48 tỷ USD. Việc Mỹ quyết định nới lỏng hạn chế đối với việc phát triển tên lửa của Hàn Quốc đã bật đèn xanh cho Seoul được phép sở hữu toàn diện cả vũ khí tấn công lẫn phòng thủ mang tầm chiến lược.

Trong khi đó, Triều Tiên, Iran được xem là những quốc gia bí ẩn về sức mạnh quân sự. Hai nước này không ngừng tăng cường tiềm lực quốc phòng, trong đó có các loại vũ khí chiến lược, vũ khí hủy diệt lớn, để bảo vệ quyền tồn tại, buộc Mỹ và phương Tây phải cân nhắc, tính toán khi có ý đồ gây chiến. Triều Tiên liên tiếp tiến hành các vụ thử hạt nhân, xem đó là “con bài để mặc cả”, đòi Mỹ và phương Tây nhượng bộ trong thương lượng đàm phán.

Điều khủng khiếp nào đang đón đợi thế giới?

Hậu họa và dư địa của cuộc chiến hạt nhân sẽ là điều khủng khiếp, ảnh hưởng lâu dài, khó có thể đong đếm được. Theo các nhà khoa học, vũ khí có sức công phá lớn, có thể phá hủy hoàn toàn một thành phố. Đáng quan ngại hơn, vũ khí hạt nhân còn gây ra những tác hại nghiêm trọng như đe dọa sức khỏe và tính mạng con người, hủy hoại môi trường… Vụ ném bom nguyên tử của Mỹ xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản là ví dụ điển hình mà nhân loại đã chứng kiến.

Quả bom nguyên tử thứ nhất được thả xuống thành phố Hiroshima ngày 6/8/1945 đã khiến khoảng 140.000 người thiệt mạng. Sau đó 3 ngày (9/8), quả bom nguyên tử thứ hai được thả xuống thành phố Nagasaki cướp đi sinh mạng của khoảng 74.000 người. Sau đó, hàng trăm nghìn người đã chết vì các căn bệnh liên quan đến nhiễm phóng xạ và các vết thương do hai quả bom nguyên tử này gây ra.

Mối nguy hiểm đe dọa nhân loại lớn nhất hiện nay xuất phát từ sự phát triển nhanh chóng, như vũ bão của khoa học kỹ thuật. Những tiến bộ vượt bậc về công nghệ theo ngày, thậm chí từng giờ, từng phút đã được các nước chớp lấy, ứng dụng vào hiện đại hóa quân sự, chế tạo ra các loại vũ khí mới mà thế giới chưa từng được chứng kiến, có tính hủy diệt khủng khiếp.

Cuộc đua phát triển vũ khí siêu thanh đang đóng vai trò là con át chủ bài trong hàng loạt cuộc chạy đua giữa Mỹ, Nga, Trung Quốc về công nghệ. Mức độ nguy hiểm sẽ là khôn lường hơn khi các đầu đạn hạt nhân được gắn trên các loại tên lửa siêu thanh. Quốc gia nào đi tiên phong trong lĩnh vực này sẽ chiếm được lợi thế rất lớn trong cuộc đua, cạnh tranh ảnh hưởng địa chính trị toàn cầu.

Nhiều thông tin gần đây rộ lên việc Trung Quốc thử nghiệm vũ khí siêu thanh có tốc độ lên tới 33.796km/h, bay xung quanh Trái Đất trước khi lao xuống tấn công mục tiêu, có khả năng tấn công bất cứ nơi nào trên Trái Đất trong vòng vài phút. Điều này mang đến cho Bắc Kinh lợi thế quân sự cực kỳ lớn.

Chiến tranh Lạnh đang âm thầm trở lại, điều khủng khiếp đón đợi thế giới? - 4
Cuộc đua phát triển vũ khí siêu thanh giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc đang nóng lên từng ngày. (Ảnh: weaponews.com)

Không kém cạnh, Mỹ cũng vừa tuyên bố nước này đã thử thành công công nghệ tên lửa bội siêu thanh. Lầu Năm Góc hy vọng triển khai vũ khí bội siêu thanh đầu tiên của Mỹ vào năm 2025, nhấn mạnh việc phát triển loại vũ khí này sẽ là một trong những "ưu tiên cao nhất" của quân đội Mỹ.

Chưa dừng lại ở đó, Mỹ vừa công bố kế hoạch chế tạo vũ khí laser công suất mạnh chưa từng có, nhằm hạ gục hàng loạt mục tiêu, trong đó có tên lửa siêu vượt âm của đối thủ. Hệ thống vũ khí laser năng lượng cao 300 kW sẽ tạo ra một bước nhảy vọt lớn trong công nghệ và được cho sẽ là động thái cần thiết để đối phó với các mối đe dọa từ đối thủ của Mỹ. Vũ khí này có thể hạ gục các vũ khí kích thước lớn hơn như tên lửa, có thể bắn rơi nhiều mục tiêu cùng lúc với tốc độ nhanh.

Còn Nga, Tổng thống Putin từng nhiều lần tuyên bố nước này sở hữu những loại vũ khí có một không hai trên thế giới, hệ thống tên lửa siêu thanh của Nga có tốc độ hơn Mach 25 (hơn 30.000 km/h). Tên lửa vượt âm Zircon có khả năng đạt tốc độ Mach 9, có thể tấn công các mục tiêu trên biển và đất liền ở khoảng cách 1.000 km và có thể xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ của phương Tây. Nga hiện đang chế tạo tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat và tên lửa hành trình dùng động cơ năng lượng hạt nhân Burevestnik.

Nguy cơ đe dọa đối với thế giới từ cuộc chạy đua vũ trang ồ ạt giữa các nước đang hiện hữu. Điều đó gây bất ổn an ninh toàn cầu. Do đó, việc phát huy vai trò của các cơ chế đa phương, các cơ chế kiểm soát, giám sát đa phương và sự cam kết ràng buộc trách nhiệm của các nước theo các công ước, hiệp ước đã ký được xem là giải pháp tốt nhất. Cắt giảm chi tiêu quốc phòng có thể sẽ là lựa chọn, tránh tăng cường sức mạnh quân sự quá mức cần thiết.

KÔNG ANH

Tổng thống Joe Biden: Mỹ không muốn chiến tranh lạnh với Trung Quốc Tổng thống Joe Biden: Mỹ không muốn chiến tranh lạnh với Trung Quốc
Tổng thống Biden trấn an LHQ sẽ không để xảy ra Chiến tranh Lạnh với Trung Quốc Tổng thống Biden trấn an LHQ sẽ không để xảy ra Chiến tranh Lạnh với Trung Quốc
/ vtc.vn