Chiến thuật "câu giờ" của Trung Quốc trong đàm phán với Mỹ

Bắc Kinh tỏ ra sẵn sàng đàm phán thương mại với Washington nhưng lại không vội vã nhượng bộ vì muốn ép Mỹ phải đưa ra các điều khoản tốt hơn. 

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (giữa) trao đổi với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (phải) trước khi hai bên tiến hành cuộc đàm phán ở Thượng Hải hôm 31/7. Ảnh: Reuters.

Vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung mới nhất vừa kết thúc hôm 31/7 nhưng không đạt được tiến triển đột phá nào, một phần do chiến thuật mới của Bắc Kinh: Cố tình "câu giờ" để tìm kiếm một thỏa thuận có lợi hơn với Mỹ.

Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai phái đoàn Mỹ và Trung Quốc hơn hai tháng sau khi đàm phán đổ vỡ hồi đầu tháng 5. Các nhà đàm phán Mỹ - Trung tiến hành các cuộc thảo luận kéo dài 4 giờ hôm 31/7, sau bữa tối làm việc hôm 30/7.

Trung Quốc mô tả các cuộc thảo luận là "mang tính xây dựng" và thêm rằng vòng đàm phán tiếp theo sẽ được tổ chức ở Mỹ vào tháng 9.

Khi bay đến Thượng Hải, phái đoàn đàm phán của Mỹ do Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu hy vọng phía Trung Quốc sẽ cam kết mua một lượng lớn nông sản Mỹ.

Sau cuộc đàm phán, Nhà Trắng ra thông báo phía Trung Quốc đã khẳng định cam kết mua nông sản Mỹ nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.

Bộ Thương mại Trung Quốc xác nhận tại vòng đàm phán ở Thượng Hải, quan chức hai bên đã thảo luận về việc Trung Quốc mua nông sản Mỹ cũng như việc Mỹ cần tạo điều kiện thuận lợi cho kế hoạch đó.

Trung Quốc, dù dường như tỏ ra sẵn sàng đàm phán, nghĩ rằng họ có thể ép Mỹ đưa các điều khoản tốt hơn bằng cách không vội vã nhượng bộ, chuyên gia nhận định.

Cuộc đối đầu thương mại Mỹ - Trung đã kéo dài hơn một năm với các đòn thuế áp vào hàng trăm tỷ USD hàng hóa của nhau, khiến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc vốn đang giảm tốc càng trì trệ hơn. Song các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc tin rằng nền kinh tế nước này sẽ không thể bị ảnh hưởng thêm và một cuộc chiến thương mại kéo dài có khả năng trở thành "cơn đau đầu" đối với Tổng thống Trump bởi các đòn thuế sẽ gây tổn thương cho nông dân và người tiêu dùng Mỹ giữa lúc cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra.

"Trung Quốc có thể bình tĩnh và kiên nhẫn chờ đợi", Mei Xinyu, nhà nghiên cứu từ một tổ chức tư vấn trực thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, nói. Theo ông, nền kinh tế Trung Quốc đang hồi phục và nền kinh tế Mỹ có khả năng tăng chậm lại.

"Chiến tranh thương mại tác động đến nền kinh tế Trung Quốc ở giai đoạn đầu nhưng sẽ ảnh hưởng với nền kinh tế Mỹ ở giai đoạn cuối", Xinyu cho hay.

Viết trên Twitter hôm 30/7, Tổng thống Trump lưu ý nền kinh tế Trung Quốc "đang rất xấu" và cho rằng Bắc Kinh có thể kéo dài các cuộc đàm phán đến cuộc bầu cử tổng thống vào năm sau để xem liệu ông có thất cử không.

"Tuy nhiên, vấn đề khi họ chờ đợi là nếu tôi tái đắc cử, thỏa thuận thương mại mà họ nhận được sẽ cứng rắn hơn nhiều so với những gì chúng tôi đang đàm phán", ông nhấn mạnh.

Kế hoạch tăng mua hàng hóa nông nghiệp Mỹ của Trung Quốc được xem là bước đi thiện chí nhằm tái khởi động đàm phán. Trump cho hay Chủ tịch Tập Cận Bình đã hứa tăng mua nông sản Mỹ tại cuộc gặp với ông cách đây một tháng bên lề hội nghị G20 ở Nhật Bản. Lúc bấy giờ, hai bên cũng nhất trí nối lại những cuộc đàm phán thương mại bị sụp đổ vì Mỹ yêu cầu Trung Quốc tiến hành các thay đổi quy định pháp luật và chính sách họ coi là bất công đối với các công ty Mỹ.

Bắc Kinh có thể trì hoãn thực hiện cam kết này khi chờ đợi các nhượng bộ từ phía Washington, theo các nguồn tin am hiểu vấn đề.

Một trong những nhượng bộ quan trọng nhất mà Bắc Kinh hy vọng Washington thực hiện là quyết định nới lỏng lệnh cấm vận công nghệ đối với Huawei sau khi hãng sản xuất thiết bị viễn thông này bị đưa vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ hồi tháng 5.

Trước đó, Tổng thống Trump tuyên bố các công ty Mỹ sẽ có thể nối lại hoạt động bán hàng cho Huawei như một phần trong thỏa thuận đạt được giữa ông với Chủ tịch Tập tại cuộc gặp hồi cuối tháng 6.

"Danh sách thực thể (danh sách đen) không phải vấn đề có thể giải quyết nhanh chóng", Cari N. Stinebower, luật sư thương mại từ hãng luật Winston & Strawn, Washington, nói.

Kể từ khi đàm phán đổ vỡ hồi tháng 5, các quan chức thương mại Trung Quốc tuyên bố để đạt được bất kỳ thỏa thuận thương mại nào, Mỹ phải xem xét hợp lý về lượng hàng hóa Mỹ mà Trung Quốc có thể mua và phải dỡ bỏ tất cả các biện pháp áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.

Sự kiên nhẫn lớn hơn ở phía Trung Quốc đối với một thỏa thuận thương mại dường như đối lập với thái độ của Bắc Kinh hồi cuối năm ngoái, khi tăng trưởng kinh tế giảm tốc nhanh khiến ông Tập và các trợ lý cấp cao lo lắng, buộc họ phải nhanh chóng ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ.

Trong những tháng gần đây, theo chỉ thị từ chính phủ Trung Quốc, hàng loạt nhà kinh tế và chuyên gia phân tích đã đổ về các tỉnh để phân tích dữ liệu và thẩm định xem liệu nền kinh tế trong nước có khả năng chống chọi với tác động của cuộc chiến thuế kéo dài với Mỹ hay không.

Các nguồn thạo tin cho biết một trong những vấn đề được thẩm định là tác động tiềm tàng từ làn sóng công ty Mỹ di dời chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc. Giới chức Trung Quốc sau đó tuyên bố họ có đủ các công cụ chính sách để duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định, đạt mục tiêu 6-6,5% mà chính phủ đề ra cho năm nay.

Tại một cuộc họp bàn chính sách kinh tế quan trọng hôm 30/7, Bộ Chính trị Trung Quốc khẳng định nhà chức trách sẽ thúc đẩy những biện pháp giải quyết "các thách thức mới" trong nền kinh tế.

Giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc cũng hối thúc những tổ chức tài chính tung ra khoản vay dài hạn cho các nhà sản xuất để giúp ổn định đầu tư. Hoạt động sản xuất của Trung Quốc vẫn đang ảm đạm do cuộc chiến thương mại. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Trung Quốc trong tháng 7 đạt 49,9 điểm, nhích nhẹ so với mức 49,4 điểm hồi tháng 6. Đây là tháng thứ ba liên tiếp chỉ số này nằm dưới ngưỡng 50 điểm, cho thấy sản xuất của Trung Quốc vẫn đang suy thoái.

Ổn định thị trường việc làm là nhiệm vụ ưu tiên đối với giới lãnh đạo Trung Quốc khi các nhà máy trong nước đang sa thải bớt công nhân để ứng phó với đà tăng trưởng kinh tế suy yếu và sự sụt giảm nhu cầu hàng hóa trên toàn cầu cũng như tác động của các đòn thuế từ Mỹ.

Theo một báo cáo nghiên cứu của Tổng công ty vốn quốc tế Trung Quốc (CICC), khoảng 5 triệu công nhân Trung Quốc đã mất việc làm kể từ tháng 7 năm ngoái, trong đó 1,9 triệu người thất nghiệp do các đòn thuế từ Mỹ. Tuy nhiên, báo cáo chỉ phân tích các dữ liệu tính đến đầu tháng 5, trước khi Mỹ tăng thuế từ 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

Lãnh đạo các tổ chức kinh doanh nhận định khi các đòn thuế đang ảnh hưởng đến doanh nghiệp của hai nước, cả hai chính phủ rốt cuộc sẽ phải đi đến thỏa thuận thương mại ở một thời điểm nào đó.

"Chẳng nước nào có lợi nếu mối quan hệ đối đầu này kéo dài quá lâu. Cả hai bên đều đang tổn thương và khó có thể chịu đựng thêm", Eric Zheng, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải, bình luận.

Hồng Vân (Theo Wall Street Journal)

Thách thức với ASEAN khi đàm phán COC cùng Trung Quốc
Mỹ ra đòn mới với TQ, thị trường toàn cầu chao đảo
Đàm phán Mỹ-Trung kết thúc không thỏa thuận, ông Trump tuyên bố áp thuế 300 tỷ USD hàng Trung Quốc
Đàm phán Mỹ - Trung kết thúc chưa có thỏa thuận: Tiếp tục hy vọng mong manh
Mỹ - Trung tiếp tục đàm phán thương mại vào tháng 9
/ vnexpress.net