Chiến lược 10 điểm giải cứu đầu tàu kinh tế châu Âu

Sau hai ngày họp kín giữa ba đảng trong liên minh cầm quyền, Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 31/8 đã thông qua kế hoạch 10 điểm nhằm thúc đẩy phát triển quốc gia, trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang phải chống chịu với môi trường bất lợi, có khả năng sẽ không tăng trưởng trong thời gian tới.

Theo ông Olaf Scholz, để đưa đất nước tiến nhanh về phía trước, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, Đức cần tập trung giảm tỉ lệ quan liêu cũng như thúc đẩy các dự án số hoá.

Hãng thông tấn Đức DW ngày 31/8 dẫn tuyên bố của Thủ tướng Olaf Scholz nêu rõ: "Đức đang trong quá trình hiện đại hóa mạnh mẽ nền kinh tế và những năm tới sẽ là thời điểm thay đổi của các doanh nghiệp trong nước. Hiện đại hóa một cách cơ bản là con đường tốt nhất giúp Đức mạnh mẽ, kiên cường hơn về kinh tế và xã hội".

olaf scholz.png -0
Thủ tướng Đức Olaf Scholz công bố kế hoạch thúc đẩy phát triển quốc gia ngày 31/8, bên ngoài lâu đài Meseberg ở ngoại ô Berlin. Nguồn: Reuters.

Theo ông Scholz, nước này đang ở trong tình trạng tăng trưởng không đạt kỳ vọng. Vì vậy, việc đưa ra kế hoạch 10 điểm sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp định hướng chiến lược, nhằm khởi tạo những chương trình đầu tư tiềm năng trong các lĩnh vực của nền kinh tế. Kế hoạch này bao gồm các đạo luật về cơ hội tăng trường, đạo luật về tài chính, đẩy nhanh quá trình lập kế hoạch và cấp phép thu hút đầu tư nhưng vẫn chú trọng vào các biện pháp bảo vệ khí hậu.

Cụ thể, đạo luật về cơ hội tăng trưởng khuyến khích đầu tư và đổi mới với trọng tâm là các công ty đầu tư thân thiện với khí hậu, trong đó tổng tiền cứu trợ lên tới trên 32 tỷ euro (35 tỷ USD). Đạo luật tài chính tương lai nhằm tạo động lực cho một thị trường vốn hấp dẫn để đưa nước Đức thành quốc gia khởi nghiệp, trong đó các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ lên tới 1 tỷ euro/năm (1,09 tỷ USD/năm). Đặc biệt, chính phủ sẽ thành lập quỹ khí hậu và chuyển dịch, trong đó dành 211 tỷ euro (230,6 tỷ USD) cho các biện pháp phát triển xanh và bền vững liên quan đến hoạt động xây dựng và giao thông trong những năm tới.

Cũng theo Thủ tướng Scholz, để đưa đất nước tiến nhanh về phía trước, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, Đức cần tập trung giảm tỉ lệ quan liêu và thúc đẩy các dự án số hoá. Thủ tướng Scholz nhấn mạnh: "Sự quan liêu vốn được coi là trở ngại thực sự cho việc đầu tư, nhất là với các công ty cỡ vừa. Do đó, chúng ta cần xác định cụ thể những quy định cần phải loại bỏ hoặc thay thế để đơn giản hoá và minh bạch hơn các thủ tục hành chính".

Ngoài ra, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng vẫn đeo bám nước Đức, chính phủ của ông Scholz sẽ đưa ra các biện pháp nhằm đảm bảo an ninh năng lượng với giá cả phải chăng, bao gồm  đẩy nhanh việc sản xuất điện, chủ yếu từ năng lượng mặt trời và gió, cũng như tăng cường thu mua hydro và xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết. Thêm vào đó, thúc đẩy số hoá cũng là một trong những điểm nhấn của chiến lược 10 điểm. Cụ thể, Đức sẽ cải thiện các điều kiện khung cho việc sử dụng và truy cập dữ liệu cũng như đầu tư vào nền kinh tế dữ liệu. Để đẩy nhanh quá trình số hóa hành chính, các bộ ngành trung ương sẽ hỗ trợ các bang với 15 dịch vụ trọng tâm trong lĩnh vực luật truy cập trực tuyến.

Liên quan đến lực lượng lao động, theo một báo cáo của Viện Kinh tế Đức (IW) đưa ra hôm 30/8, tỷ lệ thất nghiệp tại nước này sẽ tăng nhẹ nhưng nhu cầu về lao động lành nghề vẫn rất cao. Do đó, chính phủ sẽ tập trung thu hút lực lượng lao động có kỹ năng, tránh chảy máu chất xám ở hầu hết các lĩnh vực, chú trọng vào giáo dục và nghiên cứu với quỹ hỗ trợ hơn 20 tỷ euro (21,8 tỷ USD) trong năm ngân sách 2024. Cuối cùng, Đức sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác thương mại và nguồn cung nguyên liệu thô.

Kế hoạch quan trọng nêu trên được đưa ra khi chính phủ liên minh "đèn giao thông" của ông Scholz đã đi được nửa chặng đường trong nhiệm kỳ bốn năm, đặc biệt trong bối cảnh nước Đức đang đối mặt với nguy cơ kinh tế suy yếu, lạm phát ở mức cao và suy thoái rình rập.

Giới chuyên gia nhận định, Đức là một nước sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng lớn nhất châu Âu nên khi kinh tế Đức suy thoái sẽ kéo theo nhiều hệ quả tiêu cực cho lục địa già, thậm chí trên toàn thế giới. Vì vậy, việc đưa ra chiến lược 10 điểm của ông Scholz sẽ giúp Đức làm mới mình, tạo động lực lớn giúp nước này đối phó với những cú sốc liên tiếp về địa kinh tế.

Josef Joffe - nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford nhận định, kinh tế Đức đang trong chu kỳ mới và chịu sức ép cải tổ, nhưng sẽ sớm bật trở lại. "Điều quan trọng là vấn đề chuyển đổi. Kế hoạch 10 điểm mới công bố của chính phủ sẽ phần nào giúp nước này chuyển từ nền kinh tế công nghiệp cũ sang nền kinh tế tri thức, với chính sách năng lượng hợp lý", ông Josef Joffe nêu rõ.

 Chiến lược 10 điểm giải cứu đầu tàu kinh tế châu Âu - Báo Công an nhân dân điện tử (cand.com.vn)

Kim Khánh / CAND