Chiếc áo đô thị

Không phải đến Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh khóa X vừa diễn ra tuần qua thì lãnh đạo thành phố mới đề xuất đến vấn đề tạo cơ chế đặc thù để phát huy hơn nữa tiềm năng phát triển “vì cả nước và cùng cả nước”. Từ năm 2013, khi TP HCM đề xuất Trung ương về mô hình chính quyền đô thị, vấn đề tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã được thành phố đặt ra trước nhiều sức ép mới ngày càng gia tăng đối với một đô thị đã phát triển trên 10 triệu dân.

chiec ao do thi
Mưa to gây ngập úng tại nhiều quận trung tâm TP HCM.

Sức ép về dân số là một biểu hiện rõ ràng nhất. Quy hoạch chung xây dựng đô thị TP HCM đến 2025 chỉ dự báo quy mô dân số thành phố ở ngưỡng 9 đến 10 triệu dân vào năm 2025, thế nhưng biến động dân nhập cư với tốc độ chóng mặt khiến chính quyền thành phố lo lắng. Tại thời điểm này, con số thống kê dân số thành phố đã chạm ngưỡng 13 triệu người thường xuyên sinh sống, làm việc. Thậm chí, một số phường của TP HCM cho đến nay đã vượt quy mô dân số của cả một quận.

Đơn cử như phường Bình Hưng Hoà A, quận Bình Tân vào năm 2009 có dân số 80.858 người với mật độ 17.388 người/km², với chủ yếu là dân nhập cư. Cho đến nay, dân số của phường này đã vượt ngưỡng 115.000 dân, thậm chí con số lớn hơn nhiều vì số người nhập cư mới đến chưa kịp thống kê. Trong khi có những quận như quận 4 có diện tích dù nhỏ hơn phường Bình Hưng Hoà A, dân số khoảng 200.000 người, nhưng vẫn phải duy trì bộ máy đầy đủ của chính quyền cấp quận, với 15 phường.

Đối với thực trạng này, chính quyền thành phố buộc phải tính toán đến vấn đề tái cơ cấu bộ máy chính quyền cơ sở. Tính toán lại tỷ lệ cán bộ phụ trách địa bàn theo đơn vị cán bộ/1.000 dân. Trong khi đó, các bộ máy về chi bộ Đảng, UBND, MTTQ, các đoàn thể cũng phải được điều chỉnh về cán bộ, công chức, viên chức.

Áp lực về hạ tầng giao thông do nhu cầu lưu thông từ các tỉnh, thành vào trung tâm TPHCM cũng đang khiến đô thị lớn nhất nước rơi vào trạng thái “chiếc áo đã quá chật”. Hiện nay, không chỉ áp lực hạ tầng khu Đông thành phố, do nằm trên trục lưu thông chính Bắc - Nam, mà ngay cả khi Nam (về Tây Nam Bộ) cũng đã quá tải. Trong khi các khu vực nội đô gần như đã không thể có giải pháp hạ tầng nào phù hợp hơn nữa do không còn quỹ đất để mở rộng đường sá, cầu cảng.

Tính trên toàn thành phố, đất dành cho giao thông hiện nay chỉ đạt 18,5% trên tổng diện tích đất đô thị. Ngành giao thông vận tải TP HCM dự báo nhu cầu vốn đến năm 2020 thành phố cần đến 550.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển giao thông, trong khi nguồn vốn cân đối hàng năm chỉ vào khoảng hơn 10%.

Tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM (Khóa X) vừa bế mạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đã nêu đề xuất Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành liên quan sớm cho thành phố cơ chế đột phá về tài chính để phát triển giao thông. Trong đó, nguồn đầu tư phải được xác định chủ lực từ ngân sách nhà nước, bởi vì ngay cả các phương thức đầu tư BOT, BT những năm qua thực chất những năm qua chỉ chiếm 10% trong tổng vốn đầu tư cho giao thông.

Ngoài nguồn lực chính từ ngân sách thành phố còn phải có cơ chế quyền tự chủ của địa phương trong phát triển nguồn lực từ nguồn thu, chủ yếu là phần thu phí, lệ phí các phương tiện tham gia giao thông; cho phép thu hút mạnh mẽ đầu tư thông qua phát hành trái phiếu phát triển đô thị theo hình thức không bảo lãnh ngân sách, ưu tiên khai thác quỹ đất khi hình thành tuyến giao thông; huy động các nguồn lực xã hội vào phát triển hạ tầng giao thông.

Theo người đứng đầu Đảng bộ thành phố thì cần một cơ chế riêng cho TP HCM làm sao huy động được nguồn vốn gấp 2 - 3 lần so với những năm vừa qua mới giải được “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông, kẹt xe đô thị, ngập nước như hiện nay.

Rõ ràng “chiếc áo” đã chật và ngày càng thêm chật đòi hỏi phải có cơ chế đặc thù cho TP HCM. Ngoài hai lĩnh vực cấp thiết trên, các biểu hiện của nền kinh tế như chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; quy hoạch đô thị chậm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có những diễn biến phức tạp; công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị còn một số hạn chế, phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu là những vấn đề đặt ra với thành phố trong 5 năm qua.

Lãnh đạo TP HCM đề xuất vào 7 nhóm giải pháp để phát huy, bao gồm: Cơ cấu kinh tế hiện đại, nhân lực chất lượng cao, doanh nghiệp phát triển, kinh tế tư nhân phát triển, năng suất lao động cao, vai trò trung tâm tài chính và thành phố năng động, sáng tạo.

Khi có cơ chế tự chủ tài chính, TP HCM sẽ dễ dàng triển khai được các chương trình đột phá, mà gần đây đã được TP HCM cụ thể bước đầu bằng Đề án xây dựng đô thị thông minh.

Kỳ vọng của đô thị lớn nhất nước muốn trong đô thị thông minh, mỗi người dân là một chủ thể đặc biệt trong dự báo chiến lược; mỗi người dân là một cảm biến xã hội, họ nhận thức về xã hội, nhận thức về môi trường và truyền tải thông tin cho Nhà nước điều hành, quản lý xã hội tốt hơn.

Trong khi chờ một cơ chế hiệu quả hơn, TP HCM đang hướng tầm nhìn vào nguồn lực hơn 300.000 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, do năng lực của các doanh nghiệp mới đa số ở quy mô vừa và nhỏ, cơ cấu, lĩnh vực kinh doanh của những ngành kinh tế mũi nhọn rất thấp.

Do vậy, chính quyền thành phố cũng đề xuất với trung ương để tạo chính sách tốt hơn để khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, phát triển vào các ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố hiện nay như công nghiệp, công nghệ cao, thương mại, tài chính.

Nói cách khác, đầu tư phát triển phải dựa theo quy hoạch tổng thể vùng, cái nào của trung ương, cái nào của địa phương và phương thức phối hợp đầu tư nào có lợi nhất đối với các địa phương trong vùng là điều TP HCM muốn minh bạch, rõ ràng.

Tổng thể các mặt của đời sống kinh tế- xã hội đang đặt ra đòi hỏi TP HCM muốn phát triển tốt hơn nữa thì phải có cơ chế phù hợp để đột phá, trong đó có việc được đảm bảo mức ngân sách với tỷ lệ trong tổng chi ngân sách dành cho các địa phương như tỷ tệ dân số của thành phố trong tổng dân số cả nước, để thành phố không chỉ đóng vai trò là một đô thị trung tâm kinh tế - xã hội phía Nam, mà đã và đang đóng vai trò là nền kinh tế động lực “vì cả nước, cùng cả nước” như Nghị quyết của Bộ Chính trị đã xác định.

http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/chiec-ao-do-thi-377273

Theo Thành Luân/daidoanket