Chia tay hộ khẩu

Chính phủ đã đồng ý với phương án bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Hoan nghênh quyết tâm “thanh toán” các thủ tục hành chính gây khó dễ cho người dân, nhiều người cho rằng, quyết định bỏ sổ hộ khẩu là bước tiến lớn, hiện thực hóa quyết tâm của chính quyền kiến tạo, phục vụ.

chia tay ho khau
Hộ khẩu, chứng minh nhân dân sẽ được thay thế bằng mã số định danh cá nhân.

Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an đã vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Theo đó, Chính phủ thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân trong hàng loạt lĩnh vực như xuất nhập cảnh, đăng ký phương tiện giao thông, phòng cháy chữa cháy, đăng ký, quản lý cư trú…Đặc biệt, về nhóm thủ tục đăng ký thường trú, Chính phủ đồng ý bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “Sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là “Sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định tại Luật Cư trú và Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú.

Trước thông tin bỏ hộ khẩu, nhiều người thở phào và cho rằng đây là quyết định đúng đắn. Đúng đắn là bởi, cuốn sổ hộ khẩu tuy nhỏ bé nhưng sự tồn tại của nói đã làm hạn chế quyền lợi của người dân, khiến họ không bình đẳng với người có hộ khẩu thường trú và đây chính là mảnh đất mầu mỡ cho tiêu cực, tham nhũng.

Vì sao thông tin bỏ hộ khẩu lại được nhiều người hồ hởi đón nhận đến vậy là bởi, bản thân hộ khẩu không có lỗi, là phương thức để quản lý cư dân, nhưng người ta đã lợi dụng loại giấy tờ này và coi nó như một thứ giấy phép. Dùng hộ khẩu để quản lý nhân khẩu, tiếng là nghiệp vụ của ngành công an, để phục vụ ngành công an trong quản lý cư dân, nhưng nhiều ngành, nhiều nơi đã lợi dụng hộ khẩu như một điều kiện và đã đẩy hộ khẩu vượt ra mục đích quản lý con người mà ngành công an đặt ra.

Hộ khẩu- một quyển sổ nhỏ nhưng có quyền lực “vạn năng”. Việc gì, chuyện gì người ta cũng đòi hộ khẩu. Xin việc cũng đòi hộ khẩu. Muốn mua cái nhà không được bởi không có hộ khẩu thì không làm được giấy tờ sang tên. Có nhà mà không có khẩu giá nước, giá điện cao hơn mức thông thường. Muốn nhập được khẩu vào thành phố thì nhà chức trách lại vặn hỏi đã có nhà chưa. Mua nhà phải có hộ khẩu, nhập hộ khẩu phải có nhà, cái sự vô lý ấy đã từng kéo dài suốt bao nhiêu năm trời...

Thật ra bản chất của hộ khẩu chỉ là một loại giấy tờ chứng nhận thực trạng người dân đang cư trú để cơ quan chức năng quản lý. Các thủ tục về quản lý cư trú là chỉ để ghi nhận thực trạng cư trú của công dân ở những mức độ và hình thức khác nhau. Ta thống kê, quản lý là để nắm thực trạng chứ không phải để phân biệt công dân hạng 1, công dân hạng 2, không phải là cấp phép cho ở hay không cho ở. Còn người ta có ở được hay không lại phụ thuộc công ăn việc làm, chỗ ở, điều kiện của nơi họ cư trú. Quy định như vậy là hướng tới quyền lợi của công dân nhiều hơn chứ không phải chỉ vì nhu cầu quản lý của cơ quan nhà nước. Thế nhưng thực tế quản lý không như vậy, quá nhiều sự nhũng nhiễu, nhiêu khê liên quan đến hộ khẩu khiến người dân chỉ biết kêu Trời.

Đã đến lúc phải nói lời chia tay với hộ khẩu và quản lý bằng hình thức thông minh nhờ công nghệ thông tin hiện đại như thẻ căn cước. Như vậy, chỉ cần mã số định danh cá nhân ta hoàn toàn có thể truy nguồn gốc của từng người mà không cần đến bất kỳ một loại giấy tờ phức tạp nào.

Bỏ hộ khẩu là bước tiến nhưng hiện có không ít những lo ngại về chuyện bỏ cuốn sổ nhỏ đã gắn bó với các nhà quản lý bấy lâu nay. Hộ khẩu tuy phiền phức, nhưng khó giả mạo hơn chứng minh nhân dân. Bỏ đi, có thể xảy ra tiêu cực, hệ lụy trong quản lý cư dân. Mặt khác, để sổ hộ khẩu không còn hiệu lực, thì phải có hình thức quản lý khác. Muốn vậy cần phải có sự đồng bộ về đơn giản hóa thủ tục hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước khác như: Bộ Tư pháp, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải.. để tránh tạo ra những khoảng trống khi một công cụ quản lý quá quen thuộc được loại bỏ.

Tất nhiên, từ bỏ một cung cách quản lý đã ăn sâu thành thói quen trong suốt thời gian dài chắc chắn sẽ có bất cập nẩy sinh và gây khó cho cơ quan quản lý, nhưng khó cũng phải làm. Chúng ta xây dựng một chính quyền phục vụ thúc đẩy các cá nhân trong xã hội phát triển hơn chứ không phải vì quyển hộ khẩu xác nhận thường trú mà kìm hãm. Ngay cả lo ngại bỏ hộ khẩu sẽ khiến người dân đổ xô về thành phố lớn sinh sống làm việc cũng không hợp lý hợp tình. Bởi, không thể dùng biện pháp hành chính để ngăn cản người nhập cư. Và trên thực tế nhiều người chọn nơi sống phù hợp với bản thân, gia đình chứ không hẳn mục tiêu duy nhất chỉ là tiến vào đô thị. Chính quyền đô thị phải là người xây dựng quy hoạch, chủ động đón dòng người di cư vào đô thị phù hợp quy luật tự nhiên.

chia tay ho khau \'Bỏ hộ khẩu sẽ tiết kiệm được kinh phí cho dân, cho Nhà nước\'

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, ủng hộ việc bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh thư và cho rằng ...

chia tay ho khau Bỏ sổ hộ khẩu: Ít nhất 2 năm nữa

Thông tin bỏ quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, hoặc đơn giản hóa các thủ tục hành chính không cần hộ khẩu, chứng ...

chia tay ho khau Bỏ sổ hộ khẩu: Nửa mừng nửa lo

Ủy viên thường trực UB Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng, nếu bỏ sổ hộ khẩu thì người dân sẽ được công bằng hơn ...

http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/chia-tay-ho-khau-384874

/ Nguyên Khánh/daidoanket.vn