Chi trăm tỉ để dạy nghề, hàng triệu lao động sau đào tạo đi đâu?

Chỉ tỉnh riêng Cà Mau từ năm 2011 đến năm 2019 đã có 6,1 triệu lao động qua đào tạo. Tuy nhiên, sau khi nhận chứng chỉ họ làm nghề không được, làm công nhân cũng chẳng xong.

Có chứng chỉ cũng như không

Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011-2020 của Sở LĐTBXH, giai đoạn 2011-2019, Cà Mau có trên 7,2 triệu lao động, trong đó có trên 6,1 triệu lao động đã qua đào tạo nghề theo Quyết định 1956 và truyền nghề. Tuy nguồn nhân lực dồi dào, nhưng hiện nay Cà Mau vẫn không có lao động tham gia đào tạo nghề đạt trình độ quốc gia, khu vực ASEAN hay quốc tế.

Vấn đề này được Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Thân Đức Hưởng nhìn nhận, đa số lao động Cà Mau có xuất phát điểm thấp, phân bố chủ yếu trong ngành nông nghiệp, ở khu vực nông thôn.

Nhiều vùng quê tại Bạc Liêu thanh niên đã ra đi tìm việc làm ở các thành phố lớn. Ảnh Nhật Hồ

Bên cạnh đó, trang thiết bị dạy nghề chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo và hiệu quả sử dụng chưa cao. Năng lực đào tạo ở một số cơ sở đào tạo nghề tại địa phương chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, cơ sở đào tạo, cơ sở sản xuất kinh doanh chưa chặt chẽ. Còn hơn 20% lao động sau đào tạo chưa mưu sinh đúng với nghề được đào tạo…

Điều này cũng dễ dàng lý giải vì sao những năm gần đây lao động Cà Mau lại ồ ạt đi làm công nhân ngoài tỉnh.

Cũng theo báo cáo đánh giá tình hình thực hiện chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011-2020 của Sở LĐTBXH, trong 8 năm (2010-2018), nguồn kinh phí thực hiện Đề án 1956 là trên 157 tỉ đồng đầu tư trang thiết bị dạy nghề; Sửa chữa cơ sở vật chất; Hỗ trợ đào tạo nghề; Bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã. Trong đó, phần lớn kinh phí được đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm trang thiết bị dạy nghề là 37 tỉ đồng; Hỗ trợ lao động nông thôn học nghề trên 114 tỉ đồng.

Thiết bị dạy may cũng chung hoàn cảnh, thiết bị thì cũ, lạc hậu nhưng khi đi xin việc lao động phải thao tác trên máy móc mới, hiện đại và hiển nhiên doanh nghiệp khi nhận lao động phải tiến hành đào tạo lại.

Việc làm tại chỗ, không dễ

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng Ngô Thái Chân rất vui mừng khi có một doanh nghiệp dự kiến đầu tư nhà máy tại Sóc Trăng thu hút trên 36.000 lao động. Ông nhận định: “Một công nhân làm việc thôi là một hộ đã thoát nghèo. 36.000 công nhân sẽ có 36.000 hộ không còn nghèo nữa. Nhưng quan trọng hơn là việc làm ổn định, thu nhập căn bản sẽ hút những lao động con em Sóc Trăng ở Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM về quê”.

Trong khi đó Chủ tịch LĐLĐ Bạc Liêu thông tin, toàn tỉnh hiện chỉ có trên 10.000 công nhân lao động trực tiếp. Con số này quá thấp, bởi Bạc Liêu quá ít nhà máy, xí nghiệp. Các nhà máy, xí nghiệp tuyển công nhân làm việc thời vụ, trong khi nhu cầu của họ là làm thường xuyên, liên tục nên có một lượng lớn bỏ quê đi Bình Dương lao động.

Rất hiếm để có việc làm tại chổ thu nhập ổn định (ảnh Phan Thanh Cường)

Tốc độ công nghiệp hóa tại vùng đất lúa đồng bằng diễn ra tỉ lệ nghịch với tốc độ gia tăng dân số, gia tăng lao động. Vì vậy việc chuyển dịch lao động đến nơi có nhu cầu sử dụng âu cũng là chuyện rất tự nhiên. Và như thế, chuyện thiếu lao động tại nơi cung ứng lao động vẫn chưa có hồi kết.

Trung tâm dạy nghề không ai học vẫn xin 350 triệu đồng nâng cấp và... cho thuê
Trung tâm dạy nghề hàng chục tỷ đồng ở Đắk Lắk vắng bóng học viên
Mạo danh trung tâm đào tạo lái xe của Bộ Công an, lừa hàng trăm học viên sập bẫy
/ laodong.vn