Dù đã từ lâu ngành giáo dục có những chỉ đạo để giảm, nhưng cuối cùng hàng năm giáo viên vẫn bội thực sổ sách. Nhiều cuộc họp vô bổ, không cần thiết vẫn được tổ chức làm ảnh hưởng tới thời gian của các thầy cô.
Nhiều cuộc họp vô bổ, không cần thiết vẫn được tổ chức làm ảnh hưởng tới thời gian của giáo viên.
Một số lãnh đạo Phòng, Sở, Hội đồng bộ môn đi thanh tra, kiểm tra cứ chăm chăm nhìn vào các loại sổ sách, hạch sách đủ điều và thường đánh giá mức độ công việc của nhà trường, của giáo viên bằng... sổ sách đang lưu giữ.
Đến bao giờ, những thủ tục hành chính lạc hậu này mới thực sự được giảm tải để giảm áp lực cho giáo viên?
Không dám giảm vì… sợ cấp trên
Đầu năm học, Ban lãnh đạo trường chúng tôi đã triệu tập toàn thể giáo viên tham gia họp Hội đồng sư phạm để triển phân công nhiệm vụ và triển khai công tác chuyên môn của năm học mới. Việc phân công hay triển khai chuyên môn đầu năm thì chẳng có gì đáng nói bởi đó là công việc bắt buộc của một năm học. Thế nhưng, điều đáng nói là khi triển khai việc thực hiện các loại hồ sơ sổ sách thì đa phần giáo viên ngán ngẩm. Bởi, những loại sổ sách ấy cũng đã thực hiện mấy năm nay rồi, nó có tác dụng gì đâu, tất cả chỉ là thủ tục để “hành” nhau mà thôi. Vậy mà năm nay còn phải thực hiện thêm một số loại sổ sách nữa.
Nhiều giáo viên có ý kiến là Ban giám hiệu nên giảm bớt các loại hồ sơ sổ sách không cần thiết đi vì nó không có tác dụng nhưng Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng vẫn không dám quyết định bởi theo họ thì phải thực hiện kẻo mai mốt cấp trên về kiểm tra lại bị nhắc nhở, phê bình.
Đang ngán ngẩm với buổi họp Hội đồng đầu năm về chuyện hồ sơ sổ sách thì chúng tôi lại được Phòng Giáo dục triệu tập tham gia lớp tập huấn 2 ngày về thực hiện hồ sơ tổ trưởng do cấp Sở tổ chức.
Nói thật, chúng tôi đã ngán đến tận cổ những buổi tập huấn vô bổ như thế này. Không biết lãnh đạo triệu tập những buổi tập huấn như vậy để làm gì bởi đa phần các tổ trưởng chuyên môn ở địa phương chúng tôi đều đã được bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ ở lớp tổ trưởng và được trường cán bộ quản lý giáo dục đã cấp chứng chỉ nên mấy loại sổ sách quy định thì đã nắm rất rõ và đang thực hiện tốt. Bây giờ, lại tổ chức tập huấn chuyên đề hồ sơ sổ sách làm gì cho mất thời gian và lãng phí tiền của của Nhà nước.
Bởi lớp tập huấn của chúng tôi do cấp Sở chủ trì có hàng trăm người, từ lớp này lại tiếp tục về báo cáo lại cho cấp huyện thì tiền cho người chuẩn bị nội dung, tiền cho người báo cáo, tiền thuê địa điểm tập huấn và các đơn vị nhà trường còn phải trả công tác phí cho giáo viên ở xa đi đến địa điểm tập huấn nữa thì không biết bao nhiêu là tiền.
Suy có cùng, hồ sơ của tổ trưởng chuyên môn có gì là quan trọng và ghê gớm lắm đâu. Cứ hết một năm là những quyển hồ sơ đương nhiên sẽ thành… phế liệu.
Hai ngày tập huấn thì cũng chẳng có gì mới. Vẫn là những lập luận cũ khi các cán bộ báo cáo nêu ra những lí do vì sao sổ sách của tổ trưởng, giáo viên lại nhiều hơn quy định hiện hành của Bộ Giáo dục.
Thế là cuối đợt tập huấn, các tổ trưởng chuyên môn của địa phương chúng tôi được người báo cáo vạch ra và yêu cầu thực hiện hàng chục loại sổ sách. Và, trong mỗi loại số sách này lại bao gồm thêm nhiều loại “sổ con” nữa.
Tất nhiên, lãnh đạo đã “ra lệnh” như vậy thì cấp dưới phải chấp hành, ý kiến, ý cò thì cũng có giải quyết được gì đâu. Khi đi thanh, kiểm tra thì cán bộ kiểm tra đương nhiên cũng sẽ đòi những loại sổ sách đã được quy định để đánh giá và nhận xét cá nhân, đơn vị...
Những cuộc họp phi lý
Không chỉ chuyện hồ sơ số sách mà chuyện họp hành của giáo viên cũng đang khiến cho giáo viên chán nản, bội thực. Không phải giáo viên người ta lười nhác hay chống đối làm gì nhưng có nhiều cuộc họp chỉ cần một tin nhắn điện tử là thông báo được đến tất cả giáo viên. Vậy nhưng, khi được điều động thì bắt buộc giáo viên phải tham gia họp, cho dù có giáo viên cách trường đến gần 50 cây số.
Tại sao lãnh đạo nhà trường không kết hợp nhiều nội dung trong một cuộc họp cho đỡ mất thời gian? Ban giám hiệu thì làm giờ hành chính nên đâu có ảnh hưởng họp hội nhiều nhưng giáo viên họ dạy theo số tiết quy định hiện hành. Nhiều khi, những cuộc họp “bất chợt” được triệu tập sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều công việc của họ.
"SGK hiện hành đã được áp dụng đại trà từ năm 2002 đến nay đã bước sang năm thứ 16 rồi thì còn bài nào khó mà giáo viên chưa thảo luận nữa?" (Ảnh: Nguyễn Như Sỹ)
Phải nói rằng chuyện họp hành ở nhà trường hiện nay rất nhiều. Mỗi tháng thường có họp hội đồng, họp chi bộ, sinh hoạt tổ chuyên môn (2 lần), họp chủ nhiệm, họp tổ trưởng, họp công đoàn, họp khi lớp có học sinh vi phạm, họp xét học bổng… họp liên tù tì.
Tất nhiên, khi đi họp thì giáo viên phải ghi chép vào sổ hội họp, cho dù cuộc họp đó được nhà trường, công đoàn hay tổ chuyên môn đã in nội dung vào tờ A4 và phát đến tận tay giáo viên. Nếu không ghi chép như vậy thì khi thanh tra, kiểm tra đương nhiên là bị ghi vào biên bản!
Điều phi lý nhất là khi họp tổ chuyên môn được quy định trong thời gian 3 tiếng đồng hồ. Mỗi tổ chuyên môn có số lượng dao động 5-7 người, thậm chí có tổ chỉ 3 người, chỉ có một số trường lớn, một số tổ ghép mới có số lượng lớn hơn.
Với chừng ấy con người thì lấy đâu ra ý kiến mà thảo luận lắm thời gian đến thế. Vậy mà hàng năm, khi kiểm tra nội bộ, kiểm tra chuyên đề nhiều lãnh đạo cứ chăm chăm vào nội dung biên bản thảo luận của tổ để góp ý, nhận xét. Nhiều người thấy nội dung biên bản ít thảo luận thì hạch sách, cho là tổ họp qua loa, không thảo luận chuyên môn.
Chao ôi, sách giáo khoa hiện hành đã được áp dụng đại trà từ năm 2002 đến nay đã bước sang năm thứ 16 rồi thì còn bài nào khó mà giáo viên chưa thảo luận nữa? 16 năm dạy 1-2 cuốn sách giáo khoa, mỗi năm dạy đi, dạy lại mấy lần thì còn gì mà thảo luận lắm thế?
Đổi mới giáo dục muốn thành công thì trước hết phải đổi mới về cách quản lý giáo viên. Tư duy, cách quản lý hiện nay của một số lãnh đạo trường, một số địa phương còn bảo thủ và lạc hậu lắm.
Thời đại công nghệ thông tin rồi mà lãnh đạo ngành không vận dụng những tiện ích của công nghệ để quản lý, điều hành. Vẫn là cách quản lý con người qua hồ sơ sổ sách, quản lý hội họp bằng thời gian chết thì đổi mới kiểu gì? Bao giờ giáo viên mới được cởi trói, bao giờ lãnh đạo mới “cởi trói” giáo viên đây?
Nguyễn Đăng
Lương hơn 4 triệu đồng, giáo viên bán hàng online, xuất khẩu lao động
Cô giáo Dương Thị Phương Thảo cho hay giáo viên phải bán hàng online, đi xuất khẩu lao động vì lương thấp, trong khi họ ... |
Vụ giáo viên đánh đuổi học sinh: \'Cô giáo sai, học sinh cũng chẳng vừa\'
Sau khi sự việc một giáo viên tại trường THCS thị trấn Vân Đình (Ứng Hòa - Hà Nội) bị tố đã đánh gãy răng ... |
Chịu nhiều thiệt thòi, 11 giáo viên Trường chuyên biệt Ánh Dương quận 12 đòi nghỉ việc
Vừa qua, Báo Lao Động tiếp nhận “Đơn tố cáo” của tập thể giáo viên Tổ giáo dục mầm non Trường Chuyên biệt Ánh Dương ... |
Xác minh việc cô giáo bị tố đánh, xúc phạm học sinh ở Hà Nội
Cô giáo N.T.T, giáo viên trường THCS thị trấn Vân Đình, Hà Nội, bị phụ huynh tố cáo đã đánh, xúc phạm và đuổi học ... |