- Báo động phẫu thuật thẩm mỹ chui ở TP.HCM
- Liên tiếp các ca tai biến thẩm mỹ nghiêm trọng trên địa bàn Thành phố
- Người phụ nữ tử vong sau khi nâng ngực tại Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam Sài Gòn
Thời gian gần đây, ở TP Hồ Chí Minh, liên tiếp nhiều vụ tai biến nghiêm trọng xảy ra liên quan đến hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM), đáng buồn là có những trường hợp đã tử vong gây xôn xao dư luận.
Nhưng sau những ồn ào, phản ứng từ dư luận, từ báo chí, đâu lại vào đấy. Và cứ thế, thỉnh thoảng lại có thêm nạn nhân bị tai biến, bị tử vong vì làm đẹp, rồi quy trình như đã nói lại tái diễn như một bệnh mạn tính mãi chưa có thuốc “đặc trị”…
Bất chấp pháp luật và tính mạng khách hàng?
Mấy ngày qua, cái chết của nữ bệnh nhân L.L.P. (61 tuổi, ngụ quận 1, TP Hồ Chí Minh) khi đến Bệnh viện Thẩm mỹ (BVTM) Kangnam Sài Gòn (địa chỉ 666 Cách Mạng Tháng Tám, phường 5, quận Tân Bình) thêm một lần nữa khiến cho dư luận xôn xao và càng thêm bàng hoàng khi tên của BV thực hiện ca phẫu thuật lại được nhắc tới như một địa điểm đầy tai tiếng…
Theo đó, ngày 20-4-2022, nữ bệnh nhân L.L.P. đến thực hiện phẫu thuật cấy mỡ nâng ngực tại BVTM Kangnam Sài Gòn. BV đã làm đầy đủ các xét nghiệm cần thiết và tiến hành thực hiện phẫu thuật vào hồi 10 giờ cùng ngày. Tuy nhiên, sau 35 phút phẫu thuật và sử dụng các thuốc gây mê, gây tê, kháng sinh,… ê-kip bác sĩ nhận thấy bệnh nhân này có dấu hiệu bất thường nên đã ngay lập tức tiến hành các bước cấp cứu và nhờ sự hỗ trợ cấp cứu từ phía BV Chợ Rẫy. Bệnh nhân sau đó được đặt ECMO (thiết bị tim phổi nhân tạo) và chuyển về BV Chợ Rẫy tiếp tục hồi sức, nhưng đã tử vong vào lúc 16h20 cùng ngày.
Ngay sau khi xảy ra sự cố nghiêm trọng, Công an quận Tân Bình đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an TP Hồ Chí Minh và Sở Y tế TP Hồ Chí Minh lập hồ sơ vụ việc, ghi lời khai của ê-kip tham gia phẫu thuật cho nữ bệnh nhân L.L.P. Đồng thời, các cơ quan chuyên môn đã niêm phong bệnh án, yêu cầu BVTM Kangnam Sài Gòn tạm ngưng hoạt động PTTM để làm rõ nguyên nhân vụ việc. Sau đó, Công an quận Tân Bình đã chuyển hồ sơ vụ việc này cho Công an TP Hồ Chí Minh thụ lý theo quy định.
Nguyên nhân sự cố tử vong này theo đại điện BV Chợ Rẫy, chẩn đoán ban đầu được đưa ra có thể do sốc phản vệ. Sốc phản vệ là một dạng tai biến dị ứng nghiêm trọng, dễ gây tử vong. Tỷ lệ phần trăm xảy ra nhỏ và khó nhận biết nhưng một khi đã gặp phải thì nguy cơ tử vong rất cao…
Đến thời điểm hiện tại, kết luận cuối cùng về nguyên nhân chính xác gây ra cái chết của bà L.L.P. vẫn đang chờ hội đồng chuyên môn xác định và các cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên BVTM Kangnam xảy ra sự cố có người tử vong khi thực hiện PTTM.
Theo tìm hiểu của phóng viên, BVTM Kangnam (Công ty Cổ phần BVTM Kangnam) có trụ sở tại Hà Nội (địa chỉ 190 Trường Chinh, quận Đống Đa). Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số: 0106521588 do Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và đầu tư TP Hà Nội cấp ngày 24-4-2014.
Tại TP Hồ Chí Minh, trước đây BV này hoạt động tại địa chỉ 84A Bà Huyện Thanh Quan, phường 9, quận 3 với tên gọi BVTM Kangnam (không có chữ “Sài Gòn” ở cuối tên). Sau đó, được chuyển tới địa chỉ 666 Cách Mạng Tháng Tám, phường 5, quận Tân Bình mang tên gọi BVTM Kangnam Sài Gòn (Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số: 0315694785 do Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và đầu tư TP Hồ Chí Minh cấp ngày 21-5-2019). BVTM Kangnam do bà Lê Thị Minh Đương là đại diện pháp luật, giám đốc. Giấy phép hoạt động số 194/BYT-GPHĐ - Chứng chỉ hành nghề số 001697/HNO-CCHN.
Đáng nói, trong thời gian hoạt động tại địa chỉ cũ (84A Bà Huyện Thanh Quan), BVTM này đã từng xảy ra những sự cố y khoa gây xôn xao dư luận. Cụ thể, vào tháng 10-2019, nữ bệnh nhân T.C.L, 59 tuổi, đã tử vong khi được làm phẫu thuật căng da mặt.
Vụ việc của bà L. vừa mới qua đi, thì đến ngày 10-2-2020, dư luận lại tiếp tục “nổi sóng” khi BV này lại bị một Việt kiều Đức gửi đơn kiện đòi bồi thường 20 tỷ đồng vì bị biến dạng khuôn mặt sau ca phẫu thuật căng da mặt vào năm 2016. Sau thời gian dài chữa trị tại cả Việt Nam và tại Đức, nhưng tình trạng khuôn mặt của nữ Việt kiều này vẫn không thể cải thiện (bà bị biến chứng, tổn thương dây thần kinh số 5 và số 7, biến dạng khuôn mặt, mất 50% sức khỏe do thương tật…).
Cũng trong năm 2020, chị H.M.M.T (37 tuổi, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) tố cáo BVTM Kangnam đã quảng cáo, tư vấn sai sự thật sau khi thực hiện dịch vụ cắt mắt 2 mí, cấy mỡ mí trên và phun chân mày.
Sau những sự việc lùm xùm trên, tháng 12-2020, BVTM Kangnam chuyển về địa chỉ số 666 Cách Mạng Tháng Tám, phường 5, quận Tân Bình và thêm chữ “Sài Gòn” vào tên BV thành BVTM Kangnam Sài Gòn.
Theo website Benhvienthammykangnam.vn được cho là của BVTM Kangnam thì BV này được giới thiệu ra đời từ những năm 2010. Đồng thời, hệ thống BVTM Kangnam có đội ngũ y, bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm. Bên cạnh đó, tiêu chí an toàn cũng được BVTM Kangnam đặt lên hàng đầu (?!)
Tại sao cái gì cũng đúng quy trình nhưng các ca tử vong vẫn xảy ra?
Ngoài các vụ việc liên quan đến BVTM Kangnam kể trên, trước đó, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng đã xảy ra một số vụ việc PTTM dẫn đến tử vong. Tháng trước, vào ngày 18-3, chị N.T.N.Nh. (33 tuổi, ngụ quận 6, quê Đồng Tháp) đã tử vong khi phẫu thuật nâng ngực tại BV 1A (địa chỉ 540 - 522 (số cũ là 1A) Lý Thường Kiệt, phường 7, quận Tân Bình). Hay cách đây 5 tháng, một cô gái 24 tuổi ngụ Quận 10 cũng không qua khỏi sau khi ủ tê thẩm mỹ vùng lưng và một học viên thẩm mỹ 31 tuổi, ngụ quận 8, tử vong sau khi được nâng mũi, hút mỡ bụng.
Mới đây, ngày 15-4, Công an quận 1, TP Hồ Chí Minh đã khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Lê Thị Thu Trang (sinh năm 1996), Nguyễn Ngọc Tú (sinh năm 1994), Phan Thanh Tùng (sinh năm 1988, cùng ngụ TP Hồ Chí Minh) do “Vi phạm quy định về khám chữa bệnh”. Trước đó, nhóm này được xác định dù không có bằng cấp hay chứng chỉ hành nghề trong khám chữa bệnh và chuyên khoa thẩm mỹ, không đăng ký kinh doanh phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ tại quận 1 nhưng đã tự liên lạc thỏa thuận với nhau để PTTM (hút mỡ bụng, nâng mũi) cho chị H.T.N (sinh năm 1990, quê Cà Mau) khiến nạn nhân tử vong…
Liên quan tới một số cơ sở thẩm mỹ “chui”, mới đây nhất, ngày 27-4, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với Tổ chuyên trách phản ứng nhanh quận 6 đến kiểm tra cơ sở thẩm mỹ PLB Beauty & Academy (681/19 Hậu Giang, phường 11, quận 6) sau khi báo chí phản ánh trường hợp một người phụ nữ 39 tuổi tên T.T.P (ngụ quận Bình Tân) rơi vào tình trạng nguy kịch sau khi tiêm 3 lọ filler Alisa vào vùng ngực và mặt tại cơ sở này vào tối 23-4.
Bệnh nhân này ban đầu được đưa đi cấp cứu tại BV quận Bình Tân với chẩn đoán theo dõi phản vệ độ 3 sau tiêm filler. Đến ngày 24-4, bệnh nhân được chuyển đến BV Chợ Rẫy chạy ECMO (tim phổi nhân tạo), CRRT (lọc máu ngoài thận), thở máy tăng sức co bóp cơ tim, nâng đỡ tổng trạng… Theo tiên lượng của bác sĩ, bệnh nặng, nguy cơ tử vong cao.
Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này không xuất trình được các giấy tờ pháp lý liên quan. Tầng trệt, cơ sở để làm nail; tầng 1 có một phòng bố trí 2 giường để thực hiện dịch vụ thẩm mỹ, có trang bị một số thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Đoàn kiểm tra đã niêm phong để xử lý theo quy định, đồng thời yêu cầu cơ sở thẩm mỹ này ngưng hoạt động để làm rõ…
Tương tự, đầu tháng 4, Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh và một số cơ quan liên quan cũng kiểm tra đột xuất cơ sở thẩm mỹ “chui”, không bảng hiệu tại số 256/69 Phan Huy Ích, phường 12, quận Gò Vấp. Tại đây, đoàn ghi nhận cơ sở này có khoảng 8 nhân viên tại khu lễ tân, không xuất trình được hồ sơ pháp lý (giấy đăng ký kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động). Đoàn phát hiện nhiều phòng có trang bị các thiết bị y tế, đèn phẫu thuật, thuốc... nên đã niêm phong 8 thùng thuốc, vật tư y tế và 9 trang thiết bị y tế.
Thanh tra Sở Y tế đã yêu cầu cơ sở thẩm mỹ trên ngưng ngay việc khám, chữa bệnh về PTTM. Đồng thời, Thanh tra Sở Y tế phối hợp Công an TP Hồ Chí Minh tổng hợp điều tra để làm rõ các hành vi sai phạm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với cơ sở này…
Có thể thấy, các vụ việc kể trên cho thấy một thực trạng rất đáng lo ngại về các cơ sở hay BVTM, đúng như trong một cuộc trao đổi về công tác quản lý đối với dịch vụ làm đẹp trên địa bàn thành phố với báo chí mới đây, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, cho rằng thực trạng hành nghề thẩm mỹ “chui” không phải là vấn đề mới, nhưng luôn là nóng về nhiều phương diện vì trực tiếp liên quan đến sức khỏe, tính mạng của người dân.
Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện có 20 BVTM, 28 BV đa khoa có khoa/đơn vị thẩm mỹ, 5 phòng khám đa khoa có chuyên khoa thẩm mỹ, 226 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ; 46 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ (xăm, phun thêu) và các cơ sở chăm sóc da, spa, cắt tóc, gội đầu, làm móng.
Trước đó, đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng cho biết sau đợt dịch COVID-19, các cơ sở PTTM trở thành điểm “nóng”. Bởi qua khảo sát thực tế dịch vụ làm đẹp cho thấy, sau khi mở cửa trở lại trong bối cảnh dịch bệnh, số lượng khách hàng tìm đến các cơ sở làm đẹp giảm hơn hẳn. Có lẽ do lượng khách hàng ít, nguồn thu của các cơ sở cũng giảm nên một số cơ sở đã ít nhiều có những lơi lỏng trong quá trình thực hiện các dịch vụ, đôi khi nhiều nơi có thể còn “nhắm mắt làm ngơ”, đặt lợi nhuận lên trên an toàn tính mạng của khách hàng, bệnh nhân…
Chính vì thế, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã lập kế hoạch kiểm tra, phối hợp với các cơ quan thuộc bộ, ngành và chính quyền địa phương xử lý các cơ sở vi phạm. Dù vậy, những vụ việc thực tế xảy ra thời gian gần đây, nhất là nhiều ca đã tử vong sau PTTM như kể trên và tình trạng các cơ sở thẩm mỹ hoạt động rộng khắp, nhiều trường hợp bất chấp quy định của pháp luật, không đăng ký kinh doanh nhưng vẫn thực hiện các hoạt động PTTM; bác sĩ, nhân viên y tế không có chứng chỉ chuyên môn cần thiết theo quy định; phương tiện, trang thiết bị y tế, cấp cứu không đảm bảo... cho thấy thực trạng này vẫn diễn biến phức tạp và ẩn chứa nhiều nguy cơ gây ra những sự cố đau lòng như đã xảy ra.
Đáng nói là nhiều vụ việc PTTM gây tử vong oan uổng vì làm đẹp, không chỉ ở địa bàn TP Hồ Chí Minh, mà còn có cả ở nhiều tỉnh, thành khác trong thời gian qua. Điều đó cho thấy vấn đề quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực thẩm mỹ đang có nhiều bất cập và nó đã kéo dài nhiều năm qua.
Thiết nghĩ, đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chuyện chết oan vì làm đẹp trở thành “bệnh mạn tính”. Bởi sau khi các vụ việc nghiêm trọng xảy ra vì làm đẹp thì theo đúng “quy trình”, phía cơ quan quản lý nhà nước về y tế và những cơ sở PTTM đều dẫn hàng loạt quy định hiện hành hay các bước thực hiện để chứng minh rằng mình đều… đúng quy định (có chứng chỉ hành nghề, có đăng ký, có tuân thủ quy trình...). Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất là, tại sao cái gì cũng đúng nhưng các ca tử vong oan uổng vẫn xảy ra? Và, nếu quy định, quy trình đúng mà vẫn khiến người đi làm đẹp mất mạng thì liệu cơ quan quản lý nhà nước về y tế có phải xem lại những quy định, quy trình này?