Chạy đua với thời gian cứu sống nhiều bệnh nhân nặng

Tại 3 Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng của Bộ Y tế thiết lập tại TP Hồ Chí Minh được đưa vào hoạt động, gần 1.000 thầy thuốc hàng đầu về hồi sức tích cực của các bệnh viện tuyến Trung ương được điều động vào các Trung tâm hồi sức này để cứu chữa các ca bệnh nặng.

Tại buổi kiểm tra công tác thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các Trung tâm Hồi sức tích cực này vào ngày 16/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long động viên lực lượng y tế tuyến đầu để các thầy thuốc chạy đua với thời gian cứu sống nhiều người bệnh nặng.

Hàng nghìn cuộc gọi xin nhập viện

Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 của Bệnh viện Việt Đức được thiết lập ở Bệnh viện Dã chiến số 13 TP Hồ Chí Minh vừa đưa vào hoạt động đã tiếp nhận 98 bệnh nhân nặng. GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, số lượng bệnh nhân đang có nhu cầu điều trị rất lớn, hàng nghìn cuộc gọi đến trong những ngày qua. Bệnh viện đang tiếp nhận bệnh theo tiến độ hoàn thiện số giường, hoàn thiện tới đâu nhận bệnh tới đó.

image003.jpg -0

Các thầy thuốc và điều dưỡng của Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19 nặng.

Các y, bác sĩ của bệnh viện cùng chuyên gia của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang ngày đêm hối hả cứu chữa các bệnh nhân COVID-19 nặng với kỹ thuật, chuyên môn và máy móc tốt nhất. Một số bác sĩ đang điều trị trong phòng hồi sức tích cực cho biết: Chúng tôi xung phong vào tâm dịch, chấp nhận xa gia đình, xa người thân, làm việc trong môi trường đặc biệt, nhưng mỗi người đều xác định xem người bệnh nặng như người thân của mình, luôn giúp bệnh nhân tất cả mọi việc, không nề hà.

Theo GS Giang, Bệnh viện Việt Đức đưa hơn 300 y bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên y tế từ Hà Nội vào để triển khai các hoạt động điều trị bệnh nhân. Cùng đó, bệnh viện cũng đưa hàng chục tấn trang thiết bị, phương tiện phòng hộ vào TP Hồ Chí Minh.

Trong số 500 giường điều trị của Trung tâm có 200 giường hồi sức bệnh nhân nặng thở máy xâm nhập và không xâm nhập; 200 giường bệnh nhân thở oxy và 100 giường dành để theo dõi bệnh nhân khi đã chuyển nhẹ. Với phương châm "tiếp nhận khẩn trương, điều trị tận tụy", bệnh viện nhận thêm một blok nhà do nhà đầu tư xây dựng bàn giao nữa, thiết lập máy móc trong đêm 15/8 để ngày 16-8 tiếp nhận bệnh nhân.

GS.TS Trần Bình Giang cũng cho biết, một trong những vấn đề cấp bách cho việc điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Trung tâm là oxy và thuốc tăng sức khỏe, kháng virus. Do đó, mặc dù Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 của Bệnh viện Việt Đức đã thiết lập bồn oxy lỏng với dung tích lớn để kịp thời đưa vào cấp cứu người bệnh, nhưng Trung tâm đang nỗ lực tăng thêm oxy, bởi số lượng bệnh nhân được chuyển đến ngày càng nhiều.

Tại Trung tâm hồi sức COVID-19 của Bệnh viện Bạch Mai thiết lập tại BV Dã chiến số 16, PGS.TS Đỗ Ngọc Sơn, Phó trưởng Khoa A9 Bệnh viện Bạch Mai đang phụ trách điều hành hoạt động của Trung tâm cho biết, hiện đang có 250 bệnh nhân COVID-19 nặng điều trị, trong đó có 50 bệnh nhân đang thở máy, 6 bệnh nhân lọc máu.

Trong những ngày qua các y, bác sĩ đầu ngành của BV Bạch Mai từ Hà Nội vào làm việc tại Trung tâm đã "vượt qua nỗi nhớ nhà" chạy đua với thời gian để điều trị có hiệu quả cho bệnh nhân. Ngày 15/8 đã có 23 bệnh nhân nặng được điều trị khỏi bệnh ra viện. Ngoài nỗ lực điều trị tại Trung tâm, Bệnh viện Bạch Mai còn thành lập 1 nhóm y bác sĩ hỗ trợ các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 của quận 7 và quận 8.

Mở ra hy vọng cứu sống nhiều người bệnh bên lằn ranh sinh tử

Đánh giá về tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, bệnh nhân chuyển biến nặng rất nhanh, các bác sĩ phải chạy đua với thời gian để cứu người. Đặc biệt, Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 đặt ngay trong khuôn viên với Bệnh viện Dã chiến 13 nên khi bệnh nhân nặng từ bệnh viện dã chiến chuyển sang rất tiện lợi. Với trang thiết bị và chuyên gia giàu kinh nghiệm về hồi sức tích cực, vận hành máy thở, hệ thống ECMO, hy vọng Trung tâm Hồi sức sẽ cứu được nhiều bệnh nhân nặng.

Được chăm sóc tích cực 2 ngày nay, bệnh nhân L.V.T người đầu tiên vào điều trị tại Trung tâm vừa vượt qua "cửa tử" xúc động chia sẻ: "Tôi nhập Bệnh viện Dã chiến khi bệnh đã chuyển nặng, không thở được. Sau đó tôi được chuyển cấp cứu đến Trung tâm Hồi sức tích cực trong tình trạng hôn mê, được các bác sĩ giỏi ở đây điều trị tích cực, giờ tôi có thể nói chuyện và tự ăn cháo được. Trong số hàng trăm bệnh nhân ở đây thì những người nặng đều được y, bác sĩ chăm sóc tận tình, từ vệ sinh, đút cơm, cháo cho ăn hàng ngày".

Sau khi kiểm tra tiến độ hoàn thiện các hạng mục phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 của Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 do Bệnh viện Trung ương Huế chịu trách nhiệm tại Bệnh viện Dã chiến số 14, lắng nghe báo cáo từ lãnh đạo 3 Trung tâm, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã chia sẻ với những khó khăn, thiếu thốn của lực lượng y tế phải xa gia đình vào làm nhiệm vụ đồng hành cùng TP Hồ Chí Minh chống dịch. Người đứng đầu ngành y tế mong các thầy thuốc tiếp tục nỗ lực hơn nữa để chăm sóc, điều trị và cứu chữa người bệnh, làm sao để người bệnh nặng chuyển tình trạng khoẻ và nhanh chóng ra viện, giảm tỷ lệ tử vong.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị các y, bác sĩ tuyến đầu phải nhớ tuân thủ tuyệt đối về các hướng dẫn chuyên môn, phòng hộ để đảm bảo an toàn trong quá trình điều trị cho bệnh nhân. Bởi, người bệnh đang trông chờ vào các bác sĩ, các y bác sĩ có khoẻ thì mới chăm sóc, điều trị bệnh nhân tốt được.

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế cùng các Vụ/Cục của Bộ Y tế điều phối ngay trang thiết bị, thuốc giãn cơ, máy thở cho các Trung tâm với mục tiêu "để các thầy thuốc có vũ khí đánh giặc tốt nhất, người bệnh được điều trị nhanh nhất".

Ngay trong chiều 16/8, 50.000 lọ thuốc giãn cơ đã được Bộ Y tế điều phối tới Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 của Bệnh viện Bạch Mai. Lãnh đạo Bộ Y tế giao Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp cùng các địa phương điều phối ngay thêm nhân lực vào 3 Trung tâm Hồi sức tích cực để tập trung cứu sống người bệnh.

Trần Hằng

TP HCM có thiếu máy thở, ECMO nếu thêm nhiều bệnh nhân nặng? TP HCM có thiếu máy thở, ECMO nếu thêm nhiều bệnh nhân nặng?
Virus nCoV tấn công bệnh nhân nặng, gây tử vong ở Việt Nam thế nào? Virus nCoV tấn công bệnh nhân nặng, gây tử vong ở Việt Nam thế nào?
/ cand.com.vn