“Chạy đua” điều chế vaccine COVID-19

Dịch COVID-19 đã và đang lan rộng trên phạm vi toàn thế giới, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống xã hội, kinh tế. Điều cần thiết nhất lúc này chính là việc điều chế ra vaccine để ngăn chặn sự lây lan của virus này.    

Là quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh của COVID-19, hiện Mỹ cũng chính là nước có nhiều công ty tham gia vào “cuộc đua” nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng chống dịch bệnh. Theo thống kê, có ít nhất 14 loại vaccine phòng virus SARS-CoV-2 đang được điều chế theo chương trình “Operation Warp Speed”. Số vaccine trên được lựa chọn từ 93 loại vaccine do 80 công ty dược phẩm điều chế và nghiên cứu trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa các công ty dược phẩm tư nhân và các cơ quan chính phủ cùng quân đội Mỹ.

Tại Đức, công ty công nghệ BioNTech, có trụ sở ở thành phố Mainz của Đức, cùng đối tác là Công ty Pfizer của Mỹ cho biết, nhóm đầu tiên gồm 12 tình nguyện viên đã được tiêm vaccine phòng SARS-CoV-2 có tên gọi BNT162. Thử nghiệm do BioNTech tiến hành ngay sau khi được Viện nghiên cứu Paul-Ehrlich (PEI) cấp phép nghiên cứu.

Nghiên cứu nêu trên của BioNTech là nghiên cứu lâm sàng đầu tiên tại Đức có liên quan tới vaccine phòng virus SARS-CoV-2. BioNTech đang xin cấp phép để thực hiện nghiên cứu lâm sàng ở Mỹ. Hiện công ty này cũng đã hợp tác với công ty dược phẩm Trung Quốc Fosun để phát triển vaccine BNT162 tại Trung Quốc - nơi Fosun có nguyện vọng tiến hành thử nghiệm lâm sàng.

Trước đó, Thủ tướng Angela Merkel và các nhà lãnh đạo EU đã kêu gọi gây quỹ trị giá 7,5 tỉ euro (khoảng 8,3 tỉ USD) để phục vụ công tác nghiên cứu và điều chế vaccine chống SARS-CoV-2. Tuy nhiên, theo bà, số tiền này thực tế vẫn chưa đủ.

chay dua dieu che vaccine covid 19
Vaccine thử nghiệm điều trị COVID-19

Mới đây, các nhà nghiên cứu Thụy Điển và Canada dường như đã tìm ra loại thuốc có tên APN01 có thể ngăn ngừa nhiễm trùng ngay từ giai đoạn đầu của SARS-CoV-2 trước khi lây nhiễm tới các cơ quan khác như mạch máu hay thận.

Trong quá trình nghiên cứu thuốc, các nhà nghiên cứu đã sử dụng các mẫu mô của bệnh nhân mắc COVID-19, họ đã phát hiện ra rằng, cơ chế liên kết của virus với các tế bào ở người là tương tự như chủng virus corona gây bệnh viêm đường hô hấp cấp tính nặng SARS năm 2003.

Trong khi đó, tại châu Á, Australia cũng đang chuẩn bị thử nghiệm 2 loại vaccine phòng chống COVID-19 tiềm năng trên động vật trước khi thử nghiệm trên người.

Theo Giám đốc Y tế Tổ chức Nghiên cứu khoa học công nghiệp Australia, ông Trevor Drew, trong hai loại vaccine này, một nhập từ Anh và loại còn lại nhập của Mỹ sẽ được tiêm trực tiếp hoặc kết hợp giữa tiêm và xịt vào mũi. Chồn là loại động vật được lấy làm thử nghiệm lần này.

Một tín hiệu đáng mừng khác từ Hàn Quốc cho thấy, các y bác sĩ tại quốc gia này đã điều trị thành công 2 bệnh nhân nhiễm COVID-19 trong tình trạng nguy kịch bằng phương pháp sử dụng huyết tương của người đã hồi phục trước đó. Một trong hai bệnh nhân đã được xuất viện trong tình trạng sức khỏe tốt.

Có thể thấy, việc nhanh chóng phát hiện và lập bản đồ bộ gen của virus SARS-CoV-2 vào đầu tháng 1/2020 được chia sẻ toàn cầu đã cho phép các bước xét nghiệm, phát triển và nghiên cứu vaccine được tiến hành. Ngay lập tức, nhiều doanh nghiệp và các viện nghiên cứu thuộc nhiều quốc gia đã nỗ lực đẩy nhanh quá trình nghiên cứu vắc xin cũng như thuốc điều trị COVID-19.

Tại Việt Nam, TS Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty TNHH MTV vắc xin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH - Bộ Y tế), cho biết đơn vị này đã bước đầu phát triển thành công dự tuyển vắc xin phòng Covid-19 ở quy mô phòng thí nghiệm. Trong các tuần qua, vắc xin đã được tiêm thử nghiệm trên chuột, đánh giá khả năng sinh kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2.

Trong hơn 2 tháng qua, VABIOTECH đã hợp tác cùng các nhà khoa học của Đại học Bristol (Anh) tiến hành nghiên cứu vắc xin phòng bệnh Covid-19 dựa trên công nghệ vector virus. Nghiên cứu đã thành công trong việc tạo chủng mang vùng kháng nguyên đặc hiệu của virus SARS-CoV-2. Đây là \'\'nguyên liệu\'\' quan trọng cho sản xuất vắc xin. Kháng nguyên của SARS-CoV-2 trong thành phần vắc xin khi tiêm sẽ giúp cơ thể sinh ra kháng thể chủ động chống lại SARS-CoV-2, tránh nguy cơ bị nhiễm bệnh Covid-19.

PV

/ Nghề nghiệp và cuộc sống