Chạy án (Kỳ 87)

Phương để quả na vào bát rồi cẩn thận bóc đi từng mắt na. Trong lúc cô làm thì ông chăm chú nhìn với cô mắt đầy yêu thương, tin cậy. Nhưng rồi ánh mắt ông chợt tối sầm lại. Ông có linh cảm rằng hẳn có chuyện gì đó quan trọng Minh Phương mới đến gặp ông lúc này.

chay an ky 87 Chạy án (Kỳ 86)

Càng nghĩ về Lâm, Minh Phương càng thấy có điều gì đó không ổn khiến cô đứng ngồi không yên. Linh cảm của một người ...

chay an ky 87 Chạy án (Kỳ 85)

Em yên tâm đi. Bố anh còn là sếp ngày xưa của Giám đốc Công an tỉnh và Viện trưởng Viện Kiểm sát. Nhưng cái ...

Cụ Cần đang trồng hai khóm chuối ở khoảng đất trống đầu hồi nhà. Thấy Minh Phương vào, ông dừng tay và nheo mắt cười. Nụ cười của ông làm Minh Phương thấy vững dạ hẳn.

Phương nhanh nhảu:

- Cháu chào ông ạ.

- Chào cháu. Hôm nay cháu không phải đi làm à?

- Dạ, hôm nay cháu rảnh nên cháu qua thăm ông. Sao ông lại trồng chuối mà không trồng hoa cho đẹp? Cháu thấy chuối bán rẻ lắm.

Cụ Cần mỉm cười:

- Các cụ có câu, "trẻ trồng na, già trồng chuối" mà.

Rồi ông giảng giải:

- Cháu chắc được nghe nhiều về vẻ đẹp và lợi ích của cây tre cũng như hình ảnh của cây tre, trúc, mai, vầu... trong kho tàng văn hóa Việt Nam.

Phương cười ngượng nghịu, nói thật:

- Cháu ít đọc sách lắm.

- Thế cháu có nhớ bài “Cây tre Việt Nam” của nhà báo Thép Mới không?

- Cháu không nhớ lắm ạ. Cháu học lâu lắm rồi... hình như hồi lớp 6.

Cụ Cần ngạc nhiên:

- Sao, nhà trường không bắt cháu học thuộc à?

- Dạ, không ạ.

- Ôi, thế là các cháu bị thiệt thòi rồi. Một áng văn đẹp như vậy mà các cháu không thuộc thì thật uổng. Mà ông nghe nói hình như tới đây, Bộ Giáo dục cho học sinh thì văn theo kiểu "oui ou non"...

Minh Phương ngơ ngác:

- Cháu không hiểu...

- Quên mất, ông nói tiếng Pháp. "Oui ou non" tức là "có hay không", hay nói tiếng Anh là "True or False"... Nghĩa là họ cho thi văn theo kiểu trắc nghiệm. Học sinh chỉ cần điền vào là "đúng" hay "sai" mà thôi. Khỏi cần mơ mộng, khỏi cần vận dụng ngôn ngữ, khỏi cần tư duy sáng tạo...Ôi, cái ông Bộ Giáo dục này, họ biến con trẻ thành rô - bốt cả rồi! Không đọc sách thì nguy lắm. "Hữu thư chân phú quý"- Có sách, đọc sách là cái gốc của sự làm nên sau này.

Những điều cụ Cần nói hình như đối với Phương là quá cao siêu, nên cô cứ ngơ ngác.

Cụ Cần nói như mơ màng:

- Mấy chục năm rồi, ông vẫn nhớ bài Cây tre Việt Nam ..."Nước Việt Nam xanh muôn ngàn cây lá khác nhau. Cây nào cũng đẹp, cây nào cũng quý. Nhưng thân thuộc nhất vẫn là tre, nứa. Tre Đồng Nai, nứa Việt Bắc, tre ngút ngàn Điện Biên Phủ, lũy tre thân mật làng tôi, đâu đâu ta cũng có nứa, tre làm bạn. Tre, nứa, trúc, mai, vầu... mấy chục loại khác nhau, nhưng cùng một mầm non măng mọc thẳng. Ở đâu tre cũng mọc, ở đâu tre cũng sống. Bóng tre vươn lên mộc mạc, màu tre xanh tươi nhũn nhặn, rồi tre lớn lên cứng cáp, dẻo dai, vững chắc, trông tre thanh cao, giản dị, chí khí, như người...". Tuyệt vời chưa cháu... Chà, tiếc quá, các cháu thiệt thòi hơn ông nhiều.

Rồi ông lại vuốt ve tàu lá chuối và nói thong thả:

- Cây tre đẹp thế, nhưng cây chuối cũng không kém đâu mà lại có phần linh thiêng nữa. Cháu biết cây chuối này, thứ gì trên thân thể nó cũng là có ích. Lá chuối tươi gói bánh, gói giò, hơ lửa cho mềm đi, gói cơm, gói xôi, rồi lấy lá lợp mái lều tạm che mưa, che gió. Lá chuối khô thì gói bánh gai... Thân chuối là cái phao an toàn nhất cho người dân khi bị lũ cuốn, là công cụ cho trẻ con tập bơi tốt nhất. Thân cây chuối băm ra nuôi lợn, củ chuối nấu lươn, nấu ốc là món đặc sản đấy. Năm đói Ất Dậu, một củ chuối cũng có khi cứu được cả mạng người đấy. Còn khi người ta chết đi, trước quan tài thế nào cũng phải có hai cây chuối non, bàn thờ không thể trang nghiêm nếu thiếu nải chuối... Còn nếu như ai chết mất xác thì khi làm lễ viếng, người ta lấy một khúc chuối cho vào quan tài, thế là coi như có người nằm trong đó... Ông năm nay hơn tám mươi rồi, trồng chuối là phải quá đi rồi cháu nhỉ?

Không chờ Phương trả lời, ông múc từng gáo nước tưới vào gốc chuối mới trồng.

Xong rồi, ông bảo:

- Ông cháu mình vào nhà đi.

Vào nhà, Phương nhanh nhẹn đi lấy chiếc đĩa to xếp na vào và để lên bàn.

Cô chọn một quả chín nhất:

- Mẹ cháu bảo ông chỉ thích na bở... Cháu tìm mãi mới có hàng này. Cháu bóc một quả ông xơi nhé.

Cụ Cần cười mãn nguyện:

- Chà, lâu lắm rồi ông mới lại được nghe từ "xơi "... Bây giờ người ta nói thẳng kiểu thế này: "Ăn đi, uống đi, rồi no quá, no đến kễnh bụng...". Nghe đến khiếp.

Phương để quả na vào bát rồi cẩn thận bóc đi từng mắt na. Trong lúc cô làm thì ông chăm chú nhìn với cô mắt đầy yêu thương, tin cậy. Nhưng rồi ánh mắt ông chợt tối sầm lại. Ông có linh cảm rằng hẳn có chuyện gì đó quan trọng Minh Phương mới đến gặp ông lúc này.

- Cháu mời ông ạ.

- Cảm ơn cháu - Cụ Cần đỡ lấy bát na rồi đặt xuống bàn. - Nào, chắc cháu đến đây không phải chỉ mang na cho ông phải không. Mà ông đoán là trong tâm cháu đang không yên. Cháu cười mà vẫn gượng, cháu nói với ông nhưng hình như đầu óc lại đang nghĩ đi đâu đó... Ông nghe cháu nói đây. Biết đâu sự từng trải của người già lại có thể giúp gì được cháu...?

Minh Phương đắn đo:

- Đúng là cháu tới muốn nói với ông một chuyện quan trọng... Chuyện này có lẽ ông không bao giờ tưởng tượng nổi.

- Chắc là về thằng Lâm?

- Vâng ạ, nhưng... nhưng ông phải bình tĩnh nhé.

- Chao ơi, con bé này. Thằng Lâm nhà ông phạm tội gì ư?

- Ông ơi, anh Lâm... anh ấy... anh ấy...!

Minh Phương chỉ nói được đến đó rồi cô rồi òa lên khóc. Cụ Cần lặng người. Cụ biết đã có chuyện rất nghiêm trọng xảy ra đối với Lâm.

Cụ vỗ về Minh Phương:

- Ông biết cháu có phận với thằng Lâm mà. Nào, cứ khóc đi cháu... khóc to nữa lên!

(Còn tiếp)

Nguyễn Như Phong