Có gì mà ông phải lo. Nó mà mất dạy thì đã hỏng từ lâu rồi. Hồi nó ở Mỹ, có ông bà Việt kiều cứ gạ nó ở lại, giao cả cơ ngơi làm ăn, lại gả con gái cho nó, vậy mà nó có màng đến đâu.
Chạy án (Kỳ 35)
Nếu hôm nay chú định làm cuộc đỏ đen, tôi khuyên chú em đừng nên. Gương mặt chú hôm nay có ám khí, không được ... |
Chạy án (Kỳ 34)
Hoặc là sáng mai, chú em lấy lại số tiền kia và biến khỏi đây, đừng bao giờ đặt chân tới chốn này. Hoặc là ... |
Lâm đưa 5 ngàn USD cho cô gái ra mua phỉnh và lần này chơi bạc với máy. Từ trong phòng điều khiển Siu bấm máy tính thoăn thoắt, rồi cười đắc ý.
Lâm chơi cứ ván được, ván thua. Và cứ mỗi lần Lâm thua, cô gái lại an ủi. Còn mỗi lần Lâm thắng thì cô nhảy lên vui mừng.
Đến gần 12 giờ đêm, cô gái đếm phỉnh và reo lên:
- Anh ơi, thắng nhiều rồi. Nghỉ thôi.
Lâm liếc nhìn số tiền rồi cười:
- Đáng kể gì. Nhưng nếu em muốn đi nghỉ thì thôi. Anh về đây.
- Ơ, sao lại về. Bỏ em ở lại một mình à?
- Ở đây thì cũng hay đấy, nhưng mai tám giờ anh phải họp.
- Thì bảy giờ anh về. Em có dám giữ anh đâu.
Cô gái nói xong, ôm lấy Lâm nũng nịu.
Lâm thở ra, nhẹ nhõm:
- Thôi được. Em bảo chúng nó mang lên phòng cho anh chai rượu nhỏ loại Càn Long ngự tửu ấy và vài món nhẹ.
Cô gái đếm tiền:
- Được hơn năm ngàn anh ạ.
- Em ra đổi tiền. Anh cho em một ngàn.
***
Cô gái ra đổi tiền. Lão Siu hỏi:
- Cô có nhiệm vụ chăm sóc anh bạn tôi thật chu đáo nhé.
- Không phải dặn nhiều - Cô gái lườm Siu.
Hắn hỏi:
- Được thế này, anh ta cho cô bao nhiêu?
- Cho một ngàn.
- Trời ơi, "hấn hảo à". Anh ta là người rộng rãi hiếm có đấy.
- Còn phải xem đêm nay thế nào đã.
***
Ông Cẩm nhìn đồng hồ thấy đã hơn 12 giờ.
Ông hỏi bà Dung:
- Mấy đêm rồi nó chưa về?
- Nghe nói nó đã thuê một căn nhà chung cư hơn 70 mét vuông và sống với con Phương ở đó. Nhưng ở đâu thì em cũng không được biết. Hôm qua nó mới về đây một lát rồi đi. Nó cho em năm ngàn đô.
Ông Cẩm trợn mắt:
- Sao nó lắm tiền thế?
- Em có hỏi, nó nói là được chia lãi ở một công ty nào đó.
- Lạ nhỉ, từ hồi nào đến giờ, có nghe nó nói về làm ăn đâu. Càng ngày tôi càng thấy lo về nó.
- Có gì mà ông phải lo. Nó mà mất dạy thì đã hỏng từ lâu rồi. Hồi nó ở Mỹ, có ông bà Việt kiều cứ gạ nó ở lại, giao cả cơ ngơi làm ăn, lại gả con gái cho nó, vậy mà nó có màng đến đâu.
- Con người ta có những lúc thay đổi không lường được. Mấy hôm nay, tôi cứ nghĩ mãi về cái tay Tổng Công ty Bảo hiểm nhận hối lộ bị bắt. Anh ta giàu lắm, có trang trại ở Sóc Sơn gần ba héc-ta, hai biệt thự ở Hà Nội, có nhà ở Tuần Châu, lương tháng gần năm chục triệu, vậy mà vẫn dựng hồ sơ giả, ép doanh nghiệp phải hối lộ.
- Thì anh ta có làm bậy mới lắm tiền như thế. Chết là phải.
Có tiếng gõ cửa dưới buồng khách.
Bà Dung càu nhàu:
- Giờ này mà ông còn gọi cửa. Chắc ốm đau gì đấy.
- Ông có sao đâu. Chiều nay tôi còn nói chuyện với ông khi ông đi tập thể dục về cơ mà.
Ông Cẩm chạy xuống mở cửa.
Cụ Cần, bố ông Cẩm nói:
- Tôi xin lỗi anh chị vì khuya quá rồi mà còn làm phiền.
- Sao thầy cứ nói khách khí thế. - Ông Cẩm cười - Xem ra thầy càng ngày càng giữ ý với con cháu.
- Phải giữ ý chứ. Mình già rồi, vừa là gánh nặng cho xã hội, là gánh nặng cho gia đình cho nên bây giờ lại là lúc phải cẩn thận.
Ông Cẩm đỡ bố ngồi vào ghế.
Bà Dung rót cho ông ly rượu vang:
- Thầy uống chút rượu vang, lát nữa nghỉ cho nó êm lưng.
- Sở dĩ tôi đánh thức anh chị dậy là vì chuyện thằng Lâm. Dạo này tôi thấy nó vắng bóng quá. Hôm kia, nó về, tôi gọi nó vào hỏi chuyện, nó chỉ bảo là nó thích ở riêng. Rồi nó đưa cho tôi ba ngàn đôla. Tôi không cầm, nhưng nó cứ để lại. Tôi gửi lại anh chị. Tôi không cầm nhiều thế này.
Ông Cẩm:
- Cháu nó được chia lãi góp cổ phần. Nó cũng vừa cho nhà con năm ngàn. Cháu nó biếu, thầy cứ giữ mà dùng.
Cụ Cần:
- Nếu là tiền do cháu nó làm được thì cũng mừng cho nó. Nhưng... nhưng tôi ngờ lắm. Sao nó cho tôi nhiều và dễ dàng thế, cứ như là nhặt được ấy.
Ông Cẩm nói:
- Lúc đầu con cũng nghi ngại. Nhưng khi nghe nhà con nói, con cũng tạm yên tâm phần nào.
Cụ Cần đưa lại gói tiền cho ông Cẩm:
- Anh chị cứ giữ lại cho nó, biết đâu chả có lúc nó làm ăn khó khăn, khi ấy quý lắm. Tôi không cần gì nhiều tiền thế này. Việc gì cần chi tiêu lớn thì tôi sẽ nói với anh chị.
Cụ ngừng lại rồi nhìn thẳng vào bà Dung:
- Tôi hỏi điều này. Tại sao dạo này nó hay vắng nhà thế?
Bà Dung lễ phép:
- Thưa thầy, đúng là dạo này cháu nó ít về vì nó thuê nhà ở riêng. Nó muốn sống tự lập.
Cụ Cần giật mình:
- Sao lại để nó đi ra ở riêng như vậy. Nhà có mỗi mình nó...
Ông Cẩm giãi bày:
- Thầy ạ. Con cũng nhức đầu vì nó lắm. Bây giờ nó đi làm có đồng tiền khấm khá, thích gì là nó làm, không cách nào ngăn được.
Cụ Cần giật mình:
- Đến thế cơ à? Vậy là không ổn rồi. Có khi nào anh chị tâm sự với nó không?
Ông Cẩm gãi đầu, nói thật:
- Có mấy lúc bố con ngồi với nhau được đâu. Nhưng mà bây giờ chúng nó sống khác lắm.
Cụ Cần nói như giảng giải:
- Anh chị phải rất cẩn thận, để mắt đến nó. Tôi ngợ rằng nó đã nhiễm lối sống Mỹ, quan niệm văn hóa kiểu Mỹ, đó là lấy đồng tiền để đánh giá sự thành đạt của con người.
Nghe ông nói vậy, bà Dung nhếch mép cười mỉa mai. Nụ cười ấy không lọt qua được mắt cụ Cần.
Cụ đứng dậy:
- Tôi nhắc lại để anh chị nhớ. Lo làm chính trị, lo kiếm tiền là cần thiết. Nhưng không lo cho sự yên ổn trong ngôi nhà này thì dù vàng có chất lên tận nóc nhà cũng vô ích. Kiểu sống thế này, tôi sợ là sẽ đến lúc hối không kịp đâu.
Ông chỉ mặt ông Cẩm, nói cứng rắn:
- Thằng Lâm là cháu nội tôi. Tôi muốn nó phải về đây. Tôi đã viết xong di chúc và đưa ra ủy ban công chứng rồi. Toàn bộ diện tích đất và nhà tôi đang ở là cho thằng Lâm. Nếu nó không chịu ở thì bỏ hoang cũng được, nhưng cấm bán.
Nói rồi ông chống gậy đi về nhà.
Bà Dung đóng cửa lại và nói:
- Ông bây giờ lẩm cẩm quá. Sao cứ mang tư duy thời bao cấp ra áp đặt cho cuộc sống hôm nay. Cháu nó thương ông, nó biếu tiền, thế mà lại nỡ nghi ngờ...
Ông Cẩm thở dài:
- Thầy nói đúng đấy.
- Em chả thấy đúng gì cả. Mỗi thời mỗi khác. Bây giờ cơ chế thị trường. Không có tiền là nhục lắm.
Nói rồi, bà quày quả đi lên phòng ngủ. Ông Cẩm ngồi mắt nhìn vào khoảng không vô hồn.
(Còn tiếp)