Châu Âu vật lộn trong “cơn khát” năng lượng

Thời tiết nắng nóng, khí hậu khô hạn ở châu Âu không chỉ đẩy nhu cầu năng lượng tăng cao mà còn khiến hoạt động sản xuất điện bị ảnh hưởng, trong bối cảnh “lục địa già” đang đau đầu tìm cách thay thế năng lượng Nga.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Do tác động của biến đổi khí hậu, mùa hè năm nay tại châu Âu ghi nhận nhiều đợt nắng nóng kéo dài, khiến hàng ngàn người gặp vấn đề về sức khỏe, đồng thời kéo theo những đám cháy rừng quy mô lớn. Nhiệt độ cao còn đẩy nhu cầu sử dụng năng lượng tăng ở nhiều quốc gia phục vụ nhu cầu làm mát. Tuy nhiên, đó không phải toàn bộ tác động của thời tiết cực đoan tới “lục địa già”. Politico ngày 10/8 cho hay, nắng nóng và khô hạn đã khiến mực nước trên các con sông ở châu Âu xuống thấp kỉ lục, buộc các nhà máy thủy điện hoạt động cầm chừng.

image001.png -0
Năng lượng tái tạo có vai trò quan trọng, nhưng không đủ giúp châu Âu “cai” năng lượng hóa thạch. Ảnh: AtlanticCounci.

Tại Italia, quốc gia sử dụng khoảng 20% lượng điện từ các nhà máy thủy điện, tình thế đang ở mức báo động. Politico dẫn lời ông Francesco Fornari, đại diện tập đoàn Enel vận hành hơn 500 nhà máy thủy điện trên khắp Italia, xác nhận sản lượng điện mà Enel cung cấp trong năm 2022 chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ 2021.

Tại Pháp, sản lượng điện thủy điện giai đoạn hiện nay cũng giảm khoảng 25% so với cùng kỳ. Công ty năng lượng khổng lồ EDF xác nhận các hồ chứa do họ vận hành chỉ đang được lấp đầy khoảng 67%, giảm 13% so với trung bình các năm. Đối với Pháp, việc mực nước trên các con sông giảm cũng gây khó cho hoạt động làm mát các lò phản ứng hạt nhân sản xuất điện.

Thông thường, các nhà máy điện hạt nhân hút lượng lớn nước lạnh từ sông hồ để “hạ nhiệt” lò phản ứng, sau đó thải nước nóng ra môi trường. Khi nước sông cạn kiệt, EDF buộc phải giảm công suất để tránh khiến nhiệt độ nước ngoài môi trường tăng cao quá mức, vốn gây hại đáng kể tới động vật hoang dã và hệ sinh thái tự nhiên.

Nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức cũng gặp rắc rối tương tự. Các quan chức Đức cảnh báo sông Rhine đang ngày một cạn khô. Con sông dài hơn 1.200km này bắt nguồn từ Thụy Sĩ, chảy qua Áo, Đức, Pháp và Hà Lan, còn là tuyến đường thủy quan trọng vận chuyển hàng chục triệu tấn hàng hóa các loại mỗi năm.

Mức nước giảm khiến các sà lan chở không thể di chuyển, hoặc nếu có thì với tải trọng thấp, khiến các nhà máy nhiệt điện tại Mannheim, Karlsruhe, Staudinger hay Datteln của Đức không thể vận hành đầy đủ. Vào thời điểm lệnh cấm nhập than Nga của Liên minh châu Âu (EU) vừa có hiệu lực từ đêm 10/8, Đức chắc chắn sẽ gặp thêm nhiều thách thức trong đảm bảo nhiên liệu đầu vào cho các nhà máy nhiệt điện.

Bên cạnh đó, nắng nóng còn đi kèm với gió yếu, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất năng lượng gió. Chỉ có năng lượng Mặt trời là không hề hấn gì, nhưng chúng chỉ đáp ứng 5% sản lượng điện ở châu Âu. Tình thế hiện nay đẩy giá điện tại châu Âu lên mức kỉ lục. Theo Bloomberg, giá điện tại Pháp trên Sàn giao dịch năng lượng châu Âu (AG) hiện giao dịch ở mốc gần 550 USD/ một MWh.

Châu Âu loay hoay tìm giải pháp

Tình trạng thiếu hụt năng lượng khiến các cuộc tranh cãi ở châu Âu bớt xoay quanh vấn đề môi trường, mà tập trung vào việc… các tòa nhà sẽ được phép bật điều hòa ở mức nhiệt độ bao nhiêu. Tại Tây Ban Nha, giới chức nước này yêu cầu hệ thống làm mát ở các tòa nhà công cộng phải đặt ở mức trên 27 độ C và cửa ra vào phải đóng chặt.

Quy định mới cũng buộc các công trình thiết lập mức nhiệt độ sưởi không cao hơn 19 độ C khi trời lạnh. Tương tự, Pháp cấm bật máy sưởi tại sân thượng các quán café; Đức thì tính toán phương án đề nghị cơ quan, công sở và trường học giảm nhiệt độ sưởi vào mùa Đông tới, cũng như sắp xếp lại thời gian làm việc để tận dụng tối đa khoảng thời gian ấm áp ban ngày.

Giới chuyên gia mô tả tình thế hiện nay ở châu Âu về lí thuyết có thể giải quyết bằng cách tăng công suất của các nhà máy điện, sưởi chạy bằng khí đốt. Châu Âu chưa ban bố bất cứ lệnh trừng phạt nào nhắm vào lĩnh vực cung cấp khí đốt của Nga.

Thế nhưng lượng khí đốt từ Nga sang châu Âu ngày càng sụt giảm, diễn biến mà EU mô tả là Moscow “vũ khí hóa” năng lượng, còn Điện Kremlin đổ lỗi cho vấn đề kĩ thuật, gây ra bởi các gói lệnh trừng phạt khắt khe mà Brussels ban bố. Những tháng qua, Mỹ và một số quốc gia tăng cường xuất khẩu khí đốt sang châu Âu thông qua các chuyến tàu chở khí hóa lỏng LNG khổng lồ, nhưng nhu cầu quá lớn ở châu Âu khiến họ không thể kịp đáp ứng, Reuters mô tả.

Trong bước đi thể hiện sự kiên định trước Nga, các nước thành viên EU cuối tháng trước đã đạt một thỏa thuận nhằm cắt giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ và cân nhắc áp dụng cơ chế chia sẻ khí đốt nếu khủng hoảng xảy ra. Tuy nhiên, kế hoạch trên đang đứng trước nguy cơ không thể thực thi khi Hungary tự đàm phán với Nga để có thêm nguồn cung cấp khí đốt cho riêng mình, còn Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha từ chối giảm mức tiêu thụ khí đốt theo kế hoạch của Brussels.

Hôm 9/8, Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường Ba Lan, bà Anna Moskwa thậm chí đã gây choáng váng khi khẳng định EU không thể buộc Warsaw chia sẻ khí đốt. “An ninh năng lượng là vấn đề riêng của các quốc gia”, bà Moskwa nói. “Cơ sở hạ tầng, đường ống dẫn khí đốt và khí đốt là tài sản của mỗi quốc gia và chỉ có các quốc gia đó mới có thể quyết định mục đích sử dụng hay cho ai”.

Hiện vẫn chưa rõ liệu châu Âu có tìm được giải pháp đoàn kết xử lý khủng hoảng năng lượng trong mùa đông tới hay không. Giữa lúc các quốc gia đang tranh cãi về tác dụng của các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga, người dân châu Âu đang đối mặt tình trạng giá cả leo thang và lạm phát phi mã. Theo dữ liệu chính thức, lạm phát hồi tháng 7 vừa qua tại khu vực đồng tiền chung Euro (Eurozone) được ước tính vào khoảng 8,9%, tăng từ 8,6% vào tháng trước đó.

 https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/chau-au-vat-lon-trong-con-khat-nang-luong-i663704/

Thiện Minh / Công an nhân dân