Châu Âu nỗ lực giải quyết khủng hoảng

"Các cuộc khủng hoảng ở khắp mọi nơi", người đứng đầu chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu Joseph Borrell nhận định về bối cảnh hiện nay tại châu lục và các nước châu Âu đang làm hết sức mình để kiềm chế xung đột, ổn định tình hình, giúp châu lục trở nên "kiên cường, thịnh vượng và địa chiến lược hơn".

Các nhà lãnh đạo châu Âu ngày 5/10 tham dự Hội nghị thượng đỉnh của Cộng đồng Chính trị châu Âu tại Cung điện Moorish Alhambra, thành phố Granada của Tây Ban Nha, với chương trình nghị sự chính thức gồm các chủ đề như giao thông, số hóa, chuyển đổi xanh nền kinh tế hay năng lượng và trí tuệ nhân tạo. Với sự tham gia của lãnh đạo các thành viên Liên minh châu Âu và các nước châu Âu khác, hội nghị năm nay thảo luận về các biện pháp nhằm khắc phục những vấn đề còn tồn tại, giúp châu lục trở nên "kiên cường, thịnh vượng và địa chiến lược hơn", theo thông báo của Hội đồng châu Âu. Bên cạnh những lĩnh vực liên quan đến tương lai chung của châu lục, cuộc chiến tại Ukraine và hỗ trợ cho Kiev cũng như căng thẳng giữa Armenia và Azerbaijan là những trọng tâm tại hội nghị năm nay.

Trong bối cảnh những diễn biến gần đây liên quan đến cuộc xung đột kéo dài giữa Armenia và Azerbaijan, nhiều chuyên gia kỳ vọng cuộc hội tụ các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ đem đến tia hy vọng để một "thượng đỉnh bên trong thượng đỉnh" có thể diễn ra và tìm được tiếng nói chung về cuộc xung đột, tuy nhiên, Tổng thống Ilham Aliyev của Azerbaijan đã rút khỏi cuộc họp vào phút cuối. Azerbaijan hồi tháng trước tiến hành một chiến dịch quân sự vào Nagorno_Karabakh, một phần của Azerbaijan với dân số chủ yếu là người Armenia, động thái làm gia tăng căng thẳng ở châu Âu. Thảm kịch nhân đạo khiến khoảng 100.000 người Armenia chạy trốn khỏi khu vực đầy bất ổn này. Omer Celik, người phát ngôn đảng của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, cho biết ông Aliyev quyết định vắng mặt vì Ankara không được mời tham gia cuộc họp về Azerbaijan và Armenia.

Châu Âu nỗ lực giải quyết khủng hoảng -0
Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị châu Âu diễn ra ba lần kể từ năm 2022. Ảnh minh họa: Getty Images

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan bày tỏ tiếc nuối vì "thượng đỉnh bên trong thượng đỉnh" sẽ không diễn ra và nói thêm rằng ông từng đặt kỳ vọng về việc ký kết "một thỏa thuận mang tính đột phá" ở Tây Ban Nha. Lần gần đây nhất hai nhà lãnh đạo Armenia và Azerbaijan gặp nhau là vào tháng 7 vừa qua tại thủ đô Brussels của Bỉ. Cuộc gặp 5 bên giữa các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Armenia, Azerbaijan và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel trước đó được lên kế hoạch diễn ra bên lề hội nghị ở Granada, trong ngày 5/10. Pháp, Đức và Liên minh châu Âu đã trở thành những nhân tố chủ chốt trong nỗ lực giải quyết tranh chấp tại khu vực Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan.

Đáng chú ý, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 5/10 cho biết ông đã đến Granada. "Chúng tôi sẽ đặc biệt chú ý đến khu vực Biển Đen cũng như những nỗ lực chung nhằm tăng cường an ninh lương thực toàn cầu và tự do hàng hải", Tổng thống Ukraine đăng tải trên mạng xã hội X, trước đây có tên là Twitter. Ông cho biết ưu tiên chính của Ukraine là tăng cường phòng không khi mùa đông đến gần. Trước đó, thông tin về việc ông Zelensky tham dự hội nghị tại Granada được giữ bí mật vì lý do an ninh. Các nhà lãnh đạo châu Âu dự định đảm bảo với Tổng thống Zelensky về sự hỗ trợ lâu dài cho Ukraine sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ lo ngại rằng cuộc đấu đá nội bộ tại Quốc hội nước này có thể làm tổn hại đến chính sách của Washington về việc tiếp tục viện trợ cho Kiev.

Giới quan sát chính trị nhận định, cuộc họp cũng mang đến cho các nhà lãnh đạo như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Anh Rishi Sunak cơ hội tái khẳng định cam kết của họ với Ukraine sau những bất ổn chính trị ở Mỹ và ngay cả ở châu Âu cũng xuất hiện những quan điểm trái chiều.

Tại Slovakia, một nước châu Âu, đảng của cựu Thủ tướng Robert Fico, đang dẫn đầu trong cuộc tổng tuyển cử, cam kết sẽ ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine. Tại Ba Lan, Thủ tướng Mateusz Morawiecki hồi tháng trước cho biết nước này sẽ không còn trang bị vũ khí cho Ukraine nữa và thay vào đó sẽ tập trung vào việc xây dựng lại kho vũ khí của riêng mình. Bản thân ông Zelensky cũng bày tỏ lo lắng về những bất đồng tại Mỹ, bởi điều này ảnh hưởng rất lớn đến viện trợ dành cho Ukraine.

Sebastien Maillard thuộc Viện nghiên cứu Jacques Delors của Pháp nhận định, nếu không có cuộc họp về tình hình tại Nagorno-Karabakh, "chương trình nghị sự có thể chuyển sang cuộc khủng hoảng di cư". Thủ tướng Anh Rishi Sunak và người đồng cấp Italy Giorgia Meloni sẽ thúc đẩy một kế hoạch hành động cứng rắn đối với vấn đề di cư. Hai nhà lãnh đạo sẽ chủ trì một cuộc họp bên lề tại Cộng đồng Chính trị châu Âu và thảo luận về "hành động chung" chống lại cái mà Anh gọi là "tội phạm nhập cư có tổ chức".

"Hiện nay, hàng nghìn người chết trên biển do hoạt động của những kẻ buôn người, tình hình vừa vô đạo đức vừa không bền vững. Chúng tôi không thể cho phép các băng nhóm tội phạm quyết định ai sẽ đến bờ biển châu Âu", Thủ tướng Sunak nhấn mạnh.

Sự kiện được tổ chức tại Granada là lần thứ ba Hội nghị thượng đỉnh của Cộng đồng Chính trị châu Âu được tổ chức chỉ sau một năm. Hai hội nghị trước đó được tổ chức Cộng hòa Séc (tháng 10/2022) và tại Moldova (tháng 6/2023).

 Châu Âu nỗ lực giải quyết khủng hoảng - Báo Công an nhân dân điện tử (cand.com.vn)

Duy Tiến / CAND