Châu Âu bừng tỉnh khi bị DN Trung Quốc thâu tóm

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là người đi đầu trong việc hối thúc EC xây dựng một hệ thống giám sát đầu tư trong những lĩnh vực chiến lược từ bên ngoài khối, đồng thời cần xem xét cứng rắn hơn đối với những hoạt động mua lại công ty EU của Trung Quốc.

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp lớn của châu Âu liên tiếp rơi vào tay các nhà đầu tư Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) đã phải đưa ra đề xuất "Khuôn khổ châu Âu" về kiểm soát đầu tư nước ngoài của khối. Động thái mới của EU không chỉ nhằm bảo vệ các lĩnh vực chiến lược, mà còn đảm bảo an ninh quốc gia trước âm mưu "thôn tính" của các doanh nghiệp nước ngoài.

Một EU cứng rắn

Tuần trước, trong Thông điệp EU đọc tại Nghị viện châu Âu (EP), Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude nhấn mạnh nếu một công ty nước ngoài muốn mua một hải cảng chiến lược của châu Âu hoặc một công ty trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng, điều đó phải được thực hiện một cách minh bạch thông qua quá trình khảo sát kỹ lưỡng, kiểm tra và thảo luận công khai. Đức, Pháp và Italy đã hoan nghênh các đề xuất trên là "một bước đi quan trọng hướng tới một sân chơi bình đẳng ở châu Âu".

Theo tờ Thời báo Tài chính Anh, ông Juncker đang thuyết phục EU rằng cần có cách tiếp cận mạnh mẽ để thu hút được sự ủng hộ của các công dân EU đối với những thỏa thuận thương mại. Ông Juncker dự kiến trình bày các biện pháp bên cạnh việc đưa ra những lời kêu gọi "mở cửa kinh doanh" bằng cách thúc đẩy các cuộc đàm phán thương mại với các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Kế hoạch xem xét kỹ lưỡng lại hoạt động đầu tư nước ngoài tại EU bao gồm việc chính phủ các nước EU sẽ tăng cường phối hợp với nhau khi tiến hành đánh giá các khoản đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực công nghiệp nhạy cảm như năng lượng hay công nghệ cao, xem xét đánh giá trên khía cạnh an ninh quốc gia. Các nước thành viên EU có thể tham khảo ý kiến từ EC nếu họ cảm thấy hoạt động đầu tư nước ngoài này liên quan đến không chỉ nước mình mà cả các nước khác trong liên minh. Những ý kiến của EC là để các nước tham vấn chứ không bắt buộc phải tuân theo, nhưng các nước cần trình bày rõ lý do vì sao đồng ý cho phép hoạt động đầu tư nước ngoài đó vào nước họ. EC sẽ có thẩm quyền xem xét đánh giá đối với những khoản đầu tư nước ngoài vào những dự án do EU tài trợ vốn chẳng hạn như dự án hệ thống định vị vệ tinh Galileo.

Hồi tháng 6 Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là người đi đầu trong việc hối thúc EC xây dựng một hệ thống giám sát đầu tư trong những lĩnh vực chiến lược từ bên ngoài khối, đồng thời cần xem xét cứng rắn hơn đối với những hoạt động mua lại công ty EU của Trung Quốc trong bối cảnh đang có một làn sóng mạnh mẽ đầu tư trực tiếp của nước này vào châu Âu. Pháp đã có quy định về việc ngăn chặn các thỏa thuận trong một số lĩnh vực như năng lượng và viễn thông.

Tháng 7 vừa qua Đức đã trở thành nước EU đầu tiên thắt chặt các quy định về chuyển nhượng doanh nghiệp nước ngoài. Việc Công ty Midea của Trung Quốc mua lại nhà chế tạo robot Kuka của Đức hồi năm 2016 làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc đã tiếp cận quá sâu vào các công nghệ chủ chốt trong khi Bắc Kinh ngăn cản các công ty của họ bị các nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm. Không chỉ Pháp, Đức và Italy cũng lên tiếng kêu gọi sáng kiến của EU đối với vấn đề đầu tư nước ngoài tại EU sau khi chỉ ra Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đều đã có hệ thống giám sát đầu tư nước ngoài tại nước họ.

Tuy nhiên, kế hoạch xem xét chặt chẽ các hoạt động đầu tư nước ngoài tại EU cũng là vấn đề gây tranh cãi vì một số nước trong EU như Hà Lan, Hy Lạp lại có quan điểm khác về vấn đề này. Họ cho rằng việc giám sát đánh giá xem xét chặt chẽ có thể trở thành rào cản đối với đầu tư nước ngoài rất cần thiết cho nền kinh tế đất nước họ.

Trước tình hình đó, ông Juncker sẽ tìm biện pháp để cân bằng thông điệp của mình bằng cách nhấn mạnh quyết tâm của EU trong việc tìm kiếm ký kết các thỏa thuận thương mại song phương. EC sẽ sớm cho phép các chính phủ trong EU mở các cuộc thảo luận thương mại với Australia và New Zealand, cũng như tìm kiếm thỏa thuận với Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) vào cuối năm nay. EU cũng hy vọng sớm kết thúc được các điểm chính trong đàm phán thương mại EU-Nhật Bản.

Phản ứng dè dặt từ Trung Quốc

Trong khi đó, Trung Quốc cũng bày tỏ quan điểm của họ đối với việc EU thúc đẩy hoạt động giám sát đầu tư nước ngoài khi người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc hồi tháng 7 vừa qua đã lên tiếng cho rằng việc các nước giám sát đánh giá đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực nhạy cảm quốc gia là đúng đắn nhưng việc xem xét đánh giá đứng trên góc độ an ninh không thể trở thành công cụ cho chủ nghĩa bảo hộ.

Tiếp đó ngày 18/9 Trung Quốc một lần nữa bày tỏ quan ngại về đề xuất của Chủ tịch Juncker nhằm hạn chế vụ doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm các công ty của châu Âu hoạt động trong các lĩnh vực chiến lược như cơ sở hạ tầng, công nghệ cao và năng lượng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang nói rằng EU lâu nay thúc đẩy thương mại tự do và tạo thuận lợi cho đầu tư và điều này mang lại lợi ích thiết thực cho các nước thành viên. Theo ông Lu Kang, bảo hộ thương mại và đầu tư vì những lợi ích trước mắt nhưng sẽ là lợi bất cập hại về lâu dài. Do đó, việc EU siết chặt các hoạt động thâu tóm, sáp nhập của giới doanh nghiệp sẽ không giúp đạt được phát triển lâu dài. Ông kêu gọi EU tôn trọng các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đặc biệt là các nguyên tắc về không phân biệt đối xử, trong bất kỳ biện pháp nào được thực hiện.

Alicia Garcia-Herrero, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Cơ quan Nghiên cứu độc lập Bruegel, cho rằng Trung Quốc, đặc biệt là những tham vọng quốc tế của các công ty quốc doanh lớn của Trung Quốc đang trở thành vấn đề mà EU phải suy tính. Không phải EU muốn gia tăng chủ nghĩa bảo hộ nói chung với các nước mà chỉ riêng đối với Trung Quốc vì trên thực tế, Trung Quốc không hề mở cửa cho EU vào nước họ mà ngày càng đóng chặt cửa lại đối với các nhà đầu tư EU.

Theo báo cáo thường niên dài 400 trang công bố ngày 19/9 Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc, nêu rõ các rào cản pháp lý đang tiếp tục cản trở đầu tư ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trong đó những hạn chế được đặt ra với đầu tư nước ngoài đã buộc các công ty nước ngoài phải thiết lập quan hệ đối tác với các doanh nghiệp Trung Quốc và thường chia sẻ công nghệ quan trọng nếu không bị cấm tiếp cận thị trường hoàn toàn. Cụ thể hơn đầu tư của Trung Quốc tại EU tăng 77% trong năm ngoái, trong khi đầu tư của EU tại Trung Quốc giảm 25% và đầu tư của EU vào nước này trong quý I/2017 giảm 23%.

/ Theo Thời báo Ngân hàng