Chặt đứt những vòi bạch tuộc "tín dụng đen"

Quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Cục Cảnh sát hình sự cũng như lực lượng Cảnh sát hình sự, Công an các địa phương trên cả nước đã xây dựng, triển khai quyết liệt, hiệu quả các kế hoạch, chuyên đề phòng, chống tội phạm liên quan đến núp bóng, hoạt động "tín dụng đen", tội phạm có tổ chức.

Hàng loạt những băng, ổ nhóm hoạt động dưới cái mác công ty, tổ chức tài chính để vi phạm đã bị "sờ gáy", góp phần đảm bảo an ninh trật tự, phòng ngừa không để xảy ra trọng án, thảm án liên quan đến "tín dụng đen".

Những "bóng ma" núp bóng cưỡng đoạt tài sản

Theo đánh giá của Cục Cảnh sát hình sự, thời gian gần đây đã nổi lên tình trạng các đối tượng núp bóng doanh nghiệp như công ty tài chính, mua bán nợ, công ty văn phòng luật…hoạt động vi phạm pháp luật. Những công ty, doanh nghiệp này được lập nên có các đối tượng cầm đầu, hoạt động đầu tư tài chính theo dạng "tín dụng đen" hoặc thu mua, giải quyết "nợ xấu". Để cưỡng đoạt tài sản của người vay, các đối tượng thường cắt ghép hình ảnh vu khống, xúc phạm người vay, những người thân của "con nợ". Ngay cả những đồng nghiệp, cơ quan…dù không liên quan gì đến việc vay nợ của con nợ nhưng cũng bị chúng sử dụng các trò bẩn để vu khống, xúc phạm, gây bức xúc cho dư luận, nhức nhối trong xã hội. Khi chúng đòi tiền đa phần đều sử dụng sim rác để hoạt động, gây sức ép, đe dọa…

1.jpg -0
Công an TP Hà Nội phát hiện, triệt xóa nhiều ổ nhóm núp bóng doanh nghiệp để hoạt động “tín dụng đen”.

Trung tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự cho biết, những chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an mà trực tiếp là Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng đối với công tác đấu tranh, phòng, chống loại tội phạm này là rất quyết liệt, sát sao. Cục Cảnh sát hình sự cũng phát huy vai trò là "bà đỡ" giúp Công an các đơn vị, địa phương trên cả nước về hướng dẫn nghiệp vụ, đấu tranh với tội phạm "tín dụng đen" núp bóng doanh nghiệp, công ty tài chính.

Cục Cảnh sát hình sự cũng đã phối hợp với Công an Tiền Giang đấu tranh triệt phá chuyên án, băng nhóm cưỡng đoạt tài sản núp bóng Công ty luật Pháp Việt có trụ sở ở TP Hồ Chí Minh. Đại tá Nguyễn Văn Nhựt, Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, thay vì hoạt động đúng những nội dung trong đăng ký kinh doanh thì công ty này đã lao vào đòi nợ thuê bằng những thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt và manh động. Hoạt động của công ty có thủ đoạn ký kết các hợp đồng tư vấn pháp lý với các ngân hàng, công ty tài chính, ứng dụng cho vay qua app rồi giao nhân viên gọi điện đe dọa, mang bình gas đến trường tiểu học để đòi nợ. Đến nay, Công an Tiền Giang đã khởi tố hàng chục đối tượng về hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Phân tích về thủ đoạn của các đối tượng gây án, lãnh đạo Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, hoạt động của công ty núp bóng trên theo hình thức hướng dẫn nhân viên đòi tiền bằng "tháp giải pháp" với 3 cấp độ. Cụ thể, cấp độ 1 là gọi điện chửi bới, đe dọa khách hàng trả tiền; thứ 2 là, gọi điện đe dọa sẽ giết người thân, cắt ghép hình ảnh bôi nhọ lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ uy tín, danh dự người vay; thứ 3 là mang quan tài đến nhà, cơ quan, tổ chức, đe dọa đặt bình gas, xăng dọa cho nổ.

Công an TP Hà Nội được xem là một trong những đơn vị đầu tiên trong cả nước nhận diện sớm cũng như có các biện pháp đấu tranh hiệu quả với tội phạm "tín dụng đen" và sau này là các "biến thể" của loại tội phạm này. Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết: Hoạt động của tội phạm "tín dụng đen" tại địa bàn TP Hà Nội có thể chia ra làm 3 giai đoạn, đó là trước năm 2016 (trước khi Công an TP Hà Nội ban hành Kế hoạch 231); giai đoạn từ 2016-2019 và từ 2019 đến nay.

Từ 2019 đến nay, các đối tượng lợi dụng sự phát triển, bùng nổ của công nghệ thông tin, tổ chức hoạt động "tín dụng đen" dưới dạng cho vay "vay trực tuyến", "vay ngang hàng", huy động vốn, góp vốn…qua các ứng dụng di động (APP) hay các website với nhiều quảng cáo thủ tục vay đơn giản, lãi suất thấp…tiềm ẩn diễn biến phức tạp. Xuất hiện các công ty tài chính, mua bán nợ, cho vay qua mạng, thế chấp các hình ảnh cho vay, danh bạ điện thoại, thủ đoạn gọi điện cho người thân, người quen biết để đe dọa hoặc cắt ghép hình ảnh đồi trụy lan truyền trên mạng. Nhận điện sớm sự thay đổi các phương thức, thủ đoạn này, Công an TP Hà Nội đã yêu cầu Công an các đơn vị trong toàn thành phố tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, rà soát các công ty mua bán nợ, các app cho vay trên mạng.

Đến ngày 16/5/2022, Công an TP khám phá chuyên án, triệt phá băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia hoạt động cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản, trốn thuế qua ứng dụng app điện thoại di động CashVn và VaynhanhPro do các đối tượng người Trung Quốc cầm đầu, quản lý, điều hành. Đến nay, Cơ quan CSĐT Công an TP đã khởi tố 114 bị can về các tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, cưỡng đoạt tài sản, trốn thuế). Cùng với đó, chuyên án triệt phá băng nhóm tội phạm cưỡng đoạt tài sản bằng hình thức gọi điện thoại đe dọa, chửi bới, cắt ghép hình ảnh cho các "con nợ", có trụ sở làm việc tại TP Hồ Chí Minh, đã làm rõ 109 đối tượng có liên quan. Cơ quan CSĐT, Công an TP Hà Nội bước đầu đã khởi tố 31 bị can về tội cưỡng đoạt tài sản.

Triệt tận gốc mầm mống tội phạm

Phân tích sâu từng chuyên án cũng như hoạt động của các đối tượng, công ty, tội phạm núp bóng, Đại tá Nguyễn Thế Hùng, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội cho biết, từ năm 2022 đến nay, các đơn vị trong Công an TP Hà Nội đã phát hiện 51 vụ với 187 đối tượng, trong đó triệt phá 3 băng nhóm tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia hoạt động. Quá trình điều tra xác định, các đối tượng không trực tiếp thực hiện các giao dịch liên quan đến hoạt động cho vay qua app, trang web mà sử dụng những công ty "ma" ký kết hợp đồng với nhiều công ty, cơ quan, tổ chức tín dụng có chức năng trung gian thanh toán điện tử để thực hiện việc giải ngân, thu tiền của khách vay. Nếu phát hiện Cơ quan Công an hoặc cơ quan chức năng tổ chức điều tra, xác minh đến dòng tiền cho vay lãi, thì công ty "ma" đó sẽ ngừng hoạt động giao dịch, thay vào đó chúng sẽ thành lập một công ty mới để trám vào.

Đối với app "Vay nhanhpro", từ ngày 1/1/2019-24/5/2022, các đối tượng đã cho hơn 202.000 tài khoản vay với số tiền khoảng hơn 374 tỷ đồng; tổng số tiền các đối tượng thu về khoảng hơn 464 tỷ đồng, tương đương với tổng tiền lãi, hưởng lợi nhuận lên tới hơn 89 tỷ đồng. Riêng app "Cash VN", trong khoảng thời gian từ 31/10/2019-24/5/2022, chúng đã "giải ngân" số tiền khoảng 1.325 tỷ đồng, thu về khoảng 1.667 tỷ đồng, hưởng lợi nhuận khoảng hơn 341 tỷ đồng.

Trung tá Lê Minh Hải, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội cho biết, có chuyên án khi điều tra khám phá, Cơ quan CSĐT xác định chúng đã thành lập tới 7 công ty "ma" để hoạt động núp bóng "tín dụng đen", cưỡng đoạt tài sản. Mỗi tháng, số đối tượng cầm đầu các công ty này cấp cho nhân viên truy thu đòi nợ khoảng 500 hợp đồng (thông tin khách hàng) để đòi nợ. Nếu trong 2 tháng liên tiếp, nhân viên thu, đòi nợ không đòi được đủ số tiền trên thì sẽ bị đuổi việc. Lợi nhuận cao, cộng với áp lực lớn nên các nhân viên này áp dụng đủ các thủ đoạn tàn nhẫn, manh động miễn sao đòi được nợ, gây bức xúc cho khách hàng, người thân, gia đình, xã hội. Quá trình điều tra, Công an TP Hà Nội đã "nhổ" tận gốc rễ số đối tượng cầm đầu, chủ chốt của các công ty "ma", núp bóng này. Toàn bộ những dữ liệu điện tử cũng như tài liệu, thiết bị chúng sử dụng để hoạt động phạm pháp đã bị Cơ quan CSĐT khám xét, thu giữ, phục vụ cho quá trình điều tra mở rộng vụ án cũng như phòng ngừa, ngăn chặn mầm mống vi phạm tái sinh.

Cùng với Công an TP Hà Nội, Công an TP Hồ Chí Minh cũng đấu tranh quyết liệt với hoạt động "tín dụng đen", tội phạm núp bóng cơ sở kinh doanh cầm đồ hoạt động cưỡng đoạt tài sản. Đại tá Mai Hoàng, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, nhiều băng nhóm hoạt động núp bóng các công ty tài chính, công ty luật mua bán nợ để cưỡng đoạt tài sản đã bị Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện, đánh tan. Không chỉ truy tố những đối tượng về tội "cưỡng đoạt tài sản", Công an cấp quận của TP Hồ Chí Minh cũng ban hành hàng chục quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với những cơ sở, trụ sở, đại lý vi phạm các quy định về quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, vi phạm về điều kiện phòng cháy chữa cháy…Không chỉ những đối tượng người Việt Nam hoạt động, nhiều băng, nhóm cho vay nặng lãi hoạt động điều hành các app cho vay dưới hình thức "tín dụng đen" còn có sự tham gia của các đối tượng người nước ngoài như người Trung Quốc. Các dịch vụ cho vay trên nền tảng công nghệ cao, mạng xã hội với lãi suất lên tới 1095%/năm đã "bóp cổ" người vay khiến họ không có khả năng thanh toán. Các chủ nợ với đám đàn em ở dưới đã sử dụng đủ thủ đoạn, hình thức đe dọa, chửi bới, lợi dụng mạng xã hội để khủng bố, bôi nhọ danh dự, uy tín, nhân phẩm…của người vay, người thân, những người không liên quan đến hoạt động vay nợ để ép con nợ phải trả tiền, cưỡng đoạt tài sản.

Cũng theo Cục Cảnh sát hình sự, qua một số chuyên án, vụ án điển hình như Công an tỉnh Nghệ An phát hiện nhóm đối tượng núp bóng công ty tài chính Tân Tín Đạt có quy mô 51 văn phòng đại diện tại 28 địa phương hoạt động qua phần mềm điện thoại…thủ đoạn cho vay, đòi nợ, cưỡng đoạt tài sản. Hay như Công an các địa phương Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Lào Cai đấu tranh triệt phá những băng nhóm tội phạm hoạt động cho vay nặng lãi qua app hoặc liên kết, móc nối với các công ty cầm đồ, công ty tài chính do đối tượng người Trung Quốc cầm đầu hoạt động đòi nợ, cưỡng đoạt tài sản…

https://cand.com.vn/tai-chinh-40/chat-dut-nhung-voi-bach-tuoc-tin-dung-den-bai-1--i689477/

Hoàng Phong / Công an nhân dân