"Chảo lửa" Trung Đông tăng nhiệt

Tình hình an ninh khu vực Trung Đông ghi nhận những diễn biến phức tạp mới, khi hai cường quốc quân sự hàng đầu là Iran và Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện các đòn tập kích nhằm vào các nhóm vũ trang đối địch bên ngoài lãnh thổ; còn Mỹ tiếp tục tấn công cơ sở quân sự của lực lượng Houthi ở Yemen.

Hãng thông tấn Tasnim của Iran ngày 17/1 xác nhận, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã thực hiện một cuộc tấn công nhắm vào 2 cứ điểm của nhóm vũ trang cực đoan Jaish al-Adl ở tỉnh Balochistan của Pakistan giáp với Iran bằng tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái (UAV), đánh dấu lần đầu tiên Tehran tấn công tên lửa mục tiêu trên lãnh thổ quốc gia láng giềng.

tinh hinh trung dong 17-1.jpg -0
Khoảnh khắc tên lửa đạn đạo của Iran rời bệ phóng trong một cuộc phóng thử. Ảnh: Reuters

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Pakistan ra thông cáo xác nhận vụ việc và chỉ trích Iran vi phạm không phận. Phía Pakistan cho biết, 2 người đã thiệt mạng trong cuộc không kích, đồng thời cảnh báo hành động của Iran là "không chấp nhận được" và có thể "gây hậu quả nghiêm trọng". "Chủ nghĩa khủng bố là mối đe dọa chung và các nước cần phối hợp hành động để ứng phó", Bộ Ngoại giao Pakistan nêu và khẳng định Iran đã bắn tên lửa vào lãnh thổ nước này mà không báo trước qua kênh liên lạc sẵn có.

Jaish al-Adl là nhóm vũ trang có thành viên là người Hồi giáo dòng Sunni, hoạt động chủ yếu ở khu vực biên giới Pakistan - Iran, quốc gia Hồi giáo với hầu hết người dân theo dòng Shiite, theo Reuters. Jaish al-Adl bị Tehran liệt vào danh sách khủng bố và từng nhận trách nhiệm thực hiện các vụ đánh bom đẫm máu hoặc bắt cóc nhân viên an ninh Iran nhiều năm qua.

Tháng 12 năm ngoái, Jaish al-Adl bị cáo buộc đứng sau một cuộc tấn công nhắm vào đồn cảnh sát ở thành phố Rask ở phía Đông Nam Iran, khiến 12 người thiệt mạng và 7 người khác bị thương. Các hãng tin Iran tiết lộ, 2 cơ sở của Jaish al-Adl đã bị phá hủy hoàn toàn bởi tên lửa và UAV của IRGC, trong đó, cơ sở ở khu vực Kuhe Sabz là cứ điểm lớn nhất mà Jaish al-Adl sở hữu.

Đợt tấn công tên lửa nhắm vào mục tiêu ở Pakistan xảy ra một ngày sau khi IRGC ngày 15/1 tiến hành không kích cơ sở của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở miền Bắc Syria và loạt "trung tâm gián điệp" gần lãnh sự quán Mỹ tại vùng Erbil, miền Bắc Iraq. Bộ Ngoại giao Iraq đã triệu đại biện lâm thời của Iran tại Baghdad để phản đối. Iraq tuyên bố sẽ thực hiện mọi biện pháp pháp lý cần thiết, bao gồm khiếu nại lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ). Bộ Ngoại giao Mỹ cũng ra thông cáo mô tả các cuộc tấn công "làm suy yếu sự ổn định của Iraq".

Trong khi đó, phát ngôn viên Stephane Dujarric của Tổng Thư ký LHQ bày tỏ quan ngại về các cuộc không kích, nhấn mạnh tất cả mối quan ngại an ninh giữa Iraq và Iran cần được giải quyết thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế. Gần như cùng thời điểm, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng nước này tuyên bố triển khai máy bay chiến đấu tấn công loạt vị trí tại Syria và miền Bắc Iraq, bao gồm mục tiêu gần thành phố Erbil, để "đảm bảo an ninh biên giới và ngăn chặn các cuộc tấn công" của các nhóm dân quân người Kurd.

"Có 23 mục tiêu bị phá hủy, bao gồm hang động, nơi trú ẩn, kho đạn, vật tư và hạ tầng của đối phương", Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố. Aljazeera đưa tin, các mục trên thuộc kiểm soát của tổ chức Đảng Công nhân người Kurd (PKK), vốn bị Ankara liệt vào danh sách khủng bố từ lâu. Đợt tập kích là phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ trước việc 9 binh sĩ nước này thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với PKK tuần trước.

Giới quan sát đánh giá, dù Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đều khẳng định các mục tiêu bị tấn công đã được chọn lựa kĩ lưỡng nhằm hạn chế căng thẳng leo thang, nhưng chúng cho thấy 2 cường quốc khu vực sẵn sàng sử dụng biện pháp mạnh tay để giải quyết những lo ngại về an ninh. Theo New York Times, tình hình Trung Đông đang diễn biến xấu đi khi xung đột ở Dải Gaza chưa hạ nhiệt, còn giao tranh dọc biên giới Israel-Lebanon cũng như tại khu vực Biển Đỏ có nguy cơ lan rộng.

Hôm 16/1, Reuters cho biết Israel đã pháo kích dữ dội mục tiêu của lực lượng Hezbollah được Iran hậu thuẫn ở miền Nam Lebanon. Rạng sáng 17/1, AP dẫn lời quan chức quân đội Mỹ cho hay, nước này lại vừa không kích mục tiêu ở Yemen, phá hủy 4 tên lửa đạn đạo của lực lượng Houthi thân Iran đang trong trạng thái sẵn sàng khai hoả. Đây là lần thứ ba Mỹ không kích Yemen trong một tuần sau các cuộc tập kích quy mô lớn trước đó vào đêm 11/1 và 12/1 với lí do "ngăn Houthi tấn công tàu bè ở Biển Đỏ".

Israel và Hamas đạt thỏa thuận nhân đạo

New York Times ngày 17/1 dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Qatar xác nhận nước này và Pháp đã môi giới thành công một thỏa thuận giữa Israel và phong trào vũ trang Hamas của người Palestine về việc mở đường chuyển thuốc men cho các con tin Israel đang bị giữ ở Dải Gaza. Đổi lại, Israel cho phép tăng cường viện trợ hàng hóa nhân đạo, bao gồm thuốc men, tới dân thường Palestine ở Dải Gaza. Bộ Ngoại giao Qatar thông tin thêm, thuốc men và hàng viện trợ bổ sung được đưa từ thủ đô Doha của nước này sang Ai Cập vào ngày 17/1 trên 2 máy bay quân sự, sau đó lên đường đến "những khu vực bị ảnh hưởng và dễ bị tổn thương nhất" ở Dải Gaza. New York Times dẫn lời một số quan chức Trung Đông tiết lộ, số thuốc men nêu trên sẽ do cơ quan y tế của Hamas trực tiếp phân phát cho các con tin Israel, cũng như dân thường Palestine. Giới quan sát hi vọng thỏa thuận mới nhất có thể mở đường để các bên sớm đạt được một lệnh ngừng bắn nhân đạo.

https://cand.com.vn/Quoc-te/chao-lua-trung-dong-tang-nhiet-i720482/

Thái Hà / cand.com.vn