Sau va chạm xe máy, bàn chân chàng trai chỉ xây xát nhẹ nhưng càng ngày vết thương càng loét sâu và rộng, hở cả gân, xương.
ThS.BS Tôn Thất Kha, Trưởng khoa Điều trị tích cực, BV Nội tiết TƯ cho biết, bệnh nhân Hà Mạnh Tuấn, 28 tuổi, ở Phú Thọ nhập viện trong tình trạng bàn chân trái bị hoại tử vô cùng nghiêm trọng.
Bệnh nhân phát hiện tiểu đường (đái tháo đường) type 1 cách đây 12 năm, khi mới 16 tuổi, đang được điều trị insulin, tuy nhiên bệnh nhân không đi tái khám và theo dõi thường xuyên mà chỉ điều trị theo đơn cũ từ lâu.
Vết loét sâu và rộng trên bàn chân trái của nam thanh niên |
Cách đây 1 tháng, Tuấn bị tai nạn giao thông, ngã xe máy tuy nhiên chỉ bị xây xát nhẹ vùng da mu bàn chân phải, không gãy xương.
Sau vài ngày, vết xây xát ngày càng lan rộng và sâu, chân bắt đầu chảy dịch hôi, sưng tấy và đau nhức, mất cảm giác.
Tuy nhiên bệnh nhân vẫn cố chịu đựng, tự ý mua thuốc kháng sinh về điều trị tại nhà đồng thời sử dụng các loại thuốc lá dân gian để đắp lên vết xây xát khiến vết thương càng nặng thêm.
Chỉ đến khi thấy cơ thể ngày mệt mỏi, vùng tổn thương quá nặng bệnh nhân mới đến BV đa khoa tỉnh Phú Thọ kiểm tra. Trước tình trạng quá nặng của ca bệnh, BV tỉnh đã chuyển bệnh nhân xuống BV Nội tiết TƯ.
BS Kha cho biết, khi nhập viện cấp cứu, bệnh nhân liên tục sốt cao trên 38 độ, xuất hiện các dấu hiệu nhiễm trùng huyết, vết thương đã lan rộng gần hết mu bàn chân trái, lan toả xuống gan bàn chân, hở cả gân, xương, chảy dịch hôi thối.
Hiện bệnh nhân đang được điều trị tích cực nhưng sức đề kháng còn rất yếu, sốt cao liên tục kèm theo viêm phổi, nhiễm trùng bàn chân nặng và đang được theo dõi nhiễm khuẩn đường huyết, đe dọa tính mạng.
“Dù có được điều trị tích cực thì nguy cơ phải cắt cụt chi ở ca bệnh này vẫn rất cao”, BS Kha thông tin.
Dù được chăm sóc rất tích cực nhưng nhiều khả năng bệnh nhân sẽ phải cắt cụt chi |
Theo BS Kha, biến chứng bàn chân là một trong những biến chứng phổ biến nhất ở các bệnh nhân tiểu đường. Theo các báo cáo, khoảng 60% các ca tiểu đường bị cắt cụt chi khởi phát từ vết loét nhiễm khuẩn. Tỉ lệ tử vong sau 5 năm của bệnh nhân bị cắt cụt chi dưới từ 50-60%.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo, tất cả những bệnh nhân đái tháo đường cần thường xuyên tái khám, điều trị đơn thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Khi xuất hiện các vết xây xát trên cơ thể không được tự ý điều trị tại nhà cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được kiểm tra và chăm sóc vết thương, giúp vết thương được kiểm soát tốt, tránh những tổn thương lan rộng, bảo tồn các chi.
Thúy Hạnh
Thu hồi sản phẩm Tiểu đường hoàn do bị \'tráo\' nguyên liệu
Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, phát hiện nguyên liệu sản xuất Tiểu đường hoàn không đúng với công bố. |
Cách ăn cực dễ giảm 30% nguy cơ chết sớm vì ung thư, đột quỵ
Nghiên cứu được Tổ chức Y tế Thế giới ủy nhiệm phát hiện nhiều thực phẩm phổ biến và rẻ tiền có thể giúp đẩy ... |