- Liên minh cánh hữu giành chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử lập pháp Italia
- Bước ngoặt trên chính trường Italia
- Bầu cử Italia: Cột mốc chấn động nếu liên minh do đảng cực hữu dẫn đầu thắng?
"Một lãnh đạo cấp cao sẽ làm việc trách nhiệm và nhanh chóng để đáp ứng những yêu cầu khẩn cấp của quốc gia và người dân". Đây là tuyên bố của bà Giorgia Meloni sau khi được Tổng thống Sergio Mattarella giao nhiệm vụ thành lập chính phủ mới vào tối 21/10 (giờ địa phương). Và ngày 22/10, bà đã chính thức tuyên thệ nhậm chức, trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Italia.
Quá khứ không ngại thử thách bản thân
Thủ tướng Italia Giorgia Meloni sinh năm 1977 tại Rome. Bà tốt nghiệp ngành ngôn ngữ tại Học viện Amerigo Vespucci, thành thạo tiếng Anh, Pháp và Tây Ban Nha.
Thuở nhỏ, sau khi cha mẹ ly hôn, Giorgia Meloni sống cùng mẹ từ lúc 7 tuổi. Năm 1992, bà Meloni gia nhập mặt trận thanh niên của đảng tân phát xít Phong trào Xã hội Italia (MSI). Sau đó, bà trở thành lãnh đạo phong trào sinh viên của đảng Liên minh Dân tộc (AN) - đảng kế tục của MSI.
Năm 1998, bà trở thành ủy viên hội đồng Rome và 8 năm sau, bà được bầu vào Quốc hội Italia, trước khi được cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi bổ nhiệm làm Bộ trưởng Thanh niên năm 2008. Ở độ tuổi 31, bà là vị Bộ trưởng trẻ nhất “đất nước hình chiếc ủng” khi đó. Dù được chính phủ cấp xe đưa đón, bà Meloni đã từ chối và lựa chọn tự chạy chiếc Mini Cooper cũ đi làm.
Năm 2012, bà cùng phe cánh hữu trong đảng Nhân dân Tự do (PdL) của ông Berlusconi tách ra thành lập đảng Anh em Italia (FdI) - động thái được cho sẽ giúp liên minh cánh hữu thời điểm đó thu hút thêm phiếu bầu. Chỉ 2 năm sau, bà trở thành lãnh đạo đảng này.
Bà Meloni được giới chuyên gia đánh giá là một nhà hoạt động sôi nổi, không ngại thử thách bản thân và rất quyết đoán. Bà từng thử mình trong vai trò làm bảo mẫu, nhân viên phục vụ bàn, thậm chí là người pha chế tại câu lạc bộ đêm, để hiểu thêm về những khó khăn và hành vi của giới trẻ, nhằm phục vụ việc đưa ra các chính sách phù hợp đảm bảo tối đa quyền lợi và hỗ trợ cho thanh niên.
Chủ nghĩa hoài niệm phát xít không chảy trong ADN
Trước khi trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Italia, bà Meloni được biết tới là chủ tịch đảng FdI, một chính đảng theo đường lối cực hữu hay nói cách khác là có tư tưởng bảo thủ cực đoan. Dù truyền thông Italia thường chỉ đề cập đến FdI như một đảng cánh hữu nhưng chính đảng này đôi khi bị truyền thông quốc tế miêu tả là “hậu phát xít”. Lý do là bởi nhiều lãnh đạo đảng - bao gồm bà Meloni - từng là thành viên của đảng MSI, AN.
Nhưng bà Meloni lý giải, nguyên nhân thúc đẩy bà tham gia mặt trận thanh niên tân phát xít khi 15 tuổi là bởi vụ ám sát thẩm phán nổi tiếng chống mafia Paolo Borsellino và một phần vì bà rất hay bị bắt nạt bởi cân nặng của mình. Bà luôn hướng tới chính nghĩa và khẳng định rằng chủ nghĩa hoài niệm phát xít không chảy trong ADN, dù bà từng hâm mộ nhà độc tài phát xít Mussolini.
Mô tả trên trang Twitter cá nhân, bà Meloni gọi bản thân là một chính trị gia, một nhà báo luôn đề cao “chất Italia”, luôn đấu tranh cho chủ nghĩa yêu nước. Bà Meloni cũng quyết phủ nhận đảng của bà là “phát xít”.
Hôm 20/9, FdI đã đình chỉ tư cách thành viên của ông Calogero Pisano, người đứng đầu nhóm đảng FdI tại vùng Sicilia, sau khi ông này có bài đăng ca ngợi Adolf Hitler. Trước đó, tháng 10/2021, đại diện của FdI tại Nghị viện châu Âu phải từ chức khi bị phát hiện có liên hệ với các tổ chức tân phát xít.
“Tôi đã đọc được bình luận rằng chiến thắng của FdI vào tháng 9 sẽ là thảm họa, là sự chuyển hướng sang chủ nghĩa độc tài, khiến Italia ra khỏi khu vực đồng euro và những điều vô nghĩa khác. Chúng đều không phải là sự thật”, bà Meloni tuyên bố trong một video bằng tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha.
Bà Meloni nhấn mạnh: "Tôi không từ chối sự tiến bộ. Nhưng mọi sự tiến bộ cần được xây dựng trên một nền tảng truyền thống, được cấu thành từ việc bảo vệ biên giới, lợi ích quốc gia và bản sắc gia đình".
Những ưu tiên trong chính sách của tân Thủ tướng Meloni
Trong bối cảnh Italia đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức trong và ngoài đất nước như lạm phát tăng, khủng hoảng năng lượng, cải cách châu Âu và xung đột Ukraine, chính phủ cực hữu do bà Meloni đứng đầu gồm 3 đảng FdI, Liên đoàn và Tiến lên Italia (FI), được kỳ vọng sẽ lấy lại niềm tin từ người dân trong việc bảo vệ các lợi ích của đất nước, đồng thời sẽ không bao giờ là một mắt xích yếu của phương Tây như những gì bà Meloni tuyên bố.
Về đối nội, bà Meloni cho biết sẽ tiếp tục phát triển các chính sách mà người tiền nhiệm Mario Draghi để lại, nhưng sẽ cắt giảm thuế theo từng giai đoạn, phù hợp với bối cảnh khủng hoảng năng lượng và lạm phát tăng cao. Ngoài ra, bà sẽ cùng Bộ trưởng phụ trách điều phối việc phát triển hạ tầng từ khoản 62 tỷ euro - phần lớn nhất trong số 191,5 tỷ euro của quỹ Thế hệ tiếp theo mà EU giải ngân cho Italia.
Bà Meloni kiên quyết đấu tranh chống ma túy. Dù đề cao giá trị truyền thống của gia đình và chống phá thai nhưng bà không cấm việc được phá thai. Bà đồng thời phản đối việc vận động hành lang cho cộng đồng LGBT và không có kế hoạch đảo ngược các luật hiện hành về vấn đề này.
Về đối ngoại, bà Meloni vẫn theo đường lối chống nhập cư. Bà cũng đảm bảo với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và EU rằng sẽ không thay đổi định hướng trong việc hỗ trợ Ukraine. Điều này trái ngược với thủ lĩnh đảng Liên đoàn Matteo Salvini, và cựu Thủ tướng Berlusconi - những người hâm mộ Tổng thống Nga Putin.
Trước đó, Mattia Diletti, Giáo sư chính trị tại Đại học Sapienza (Rome) nhận định, liên minh của bà Meloni giành chiến thắng nhờ những tư tưởng thực dụng như sẵn sàng thỏa hiệp với EU để đổi lấy hỗ trợ tài chính. Tuy nhiên, nếu bị EU gây áp lực lớn, bà Meloni hoàn toàn có khả năng chống đỡ bởi mối quan hệ chặt chẽ với nhiều lãnh đạo cựu hữu khác trong khối EU, điển hình là bà Marine Le Pen hay Thủ tướng Hungary Viktor Orban.
Được biết, 2 chức Phó Thủ tướng được trao cho 2 đối tác trong liên minh là ông Antonio Tajani, điều phối viên quốc gia của FI, kiêm Ngoại trưởng và ông Matteo Salvini, nhà lãnh đạo đảng Liên đoàn, kiêm Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng và giao thông bền vững. Nội các mới của bà gồm 24 Bộ trưởng, trong đó có 6 nữ Bộ trưởng.
Bà cũng đề nghị đổi tên một số bộ trong chính phủ của liên minh trung hữu mới để phù hợp với tình hình hiện nay, như Bộ Phát triển kinh tế sẽ trở thành Bộ Kinh doanh và Sản xuất tại Italia; Bộ Chuyển đổi sinh thái sẽ được gọi là Bộ Môi trường và An ninh năng lượng; Bộ Chính sách nông nghiệp đổi thành Bộ Nông nghiệp và Chủ quyền lương thực.
Trong một diễn biến có liên quan, sau khi bà Meloni tuyên thệ nhậm chức, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã gửi lời chúc mừng tới tân Thủ tướng.
Ông Stoltenberg nhấn mạnh Italia là một trong những thành viên sáng lập của NATO, luôn cam kết duy trì mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và đã có những đóng góp mạnh mẽ cho an ninh của khối. Đáp lại, bà Meloni khẳng định sẵn sàng làm việc với NATO bởi đây không chỉ là một liên minh quân sự, mà còn đại diện cho những giá trị chung mà các thành viên không ngừng bảo vệ.
Trong khi đó, bà Ursula von der Leyen cũng bày tỏ mong muốn hợp tác mang tính xây dựng với chính phủ của bà Meloni, nhất là việc phối hợp để giải quyết những thách thức quan trọng hiện nay, trong đó có các vấn đề Ukraine và năng lượng. Từ Đức, Thủ tướng Olaf Scholz mong muốn được làm việc chung với bà Meloni tại EU cũng như Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và NATO.