Chặn đăng kiểm để buộc nộp phạt là biện pháp hiệu quả

Từ đầu năm 2020 đến nay, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - Đường sắt (PC08) Công an TPHCM đã trích xuất được qua hình ảnh gần 38.000 trường hợp vi phạm , trong đó, chỉ có gần 11.000 trường hợp thực hiện quyết định xử phạt, đạt tỉ lệ 28,4%. Với những trường hợp trây ỳ nộp phạt, PC08 gửi sang Cục Đăng kiểm để phối hợp xử lý chặn đăng kiểm theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP.

chan dang kiem de buoc nop phat la bien phap hieu qua

Nhiều chủ phương tiện không đến nộp phạt hoặc bỏ luôn phương tiện vi phạm. Ảnh: Huân Cao

Trây ỳ không nộp phạt là tình trạng phổ biến

Trung tá Nguyễn Văn Bình - Phòng Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - Đường sắt (PC08) - Công an TPHCM cho biết, lâu nay, khi hoàn tất thủ tục xe vi phạm qua hình ảnh, CSGT sẽ in thông báo vi phạm thể hiện đầy đủ nội dung vi phạm gửi về công an phường, xã, thị trấn và chuyển qua đường bưu điện với các xe biển số tỉnh, thành khác. Công an địa phương sẽ chuyển thông báo vi phạm đến chủ phương tiện và mời chủ phương tiện đến trụ sở các Đội CSGT thuộc PC08 để giải quyết vụ việc.

Tuy nhiên, việc cưỡng chế người vi phạm nộp phạt lâu nay vẫn chưa đạt hiệu quả, chưa đủ sức răn đe và có nhiều điểm khó thực hiện. Điều này dẫn đến hàng chục nghìn phương tiện vi phạm trây ỳ không đến nộp phạt dù nhận được biên bản. Cụ thể, từ đầu năm 2020 đến nay, PC08 đã trích xuất được qua hình ảnh gần 38.000 trường hợp vi phạm, trong đó, chỉ có gần 11.000 trường hợp thực hiện quyết định xử phạt, đạt tỉ lệ 28,4%. Như vậy, chỉ riêng những tháng đầu năm 2020 đã có còn 71,6% trường hợp vi phạm bị “phạt nguội” chưa đến thực hiện quyết định xử phạt theo quy định. Riêng trong năm 2019, PC08 trích xuất 50.000 trường hợp vi phạm, nhưng mới chỉ xử phạt được hơn 16.000 trường hợp (đạt tỉ lệ 32%).

Lý giải về việc cưỡng chế nộp phạt này chưa hiệu quả, lãnh đạo PC08 cho biết, nhiều người vi phạm không đến đóng phạt là do chủ xe mua bán không sang tên đổi chủ nên việc chuyển thông báo vi phạm đến tay chủ phương tiện còn chậm hoặc không thể đến được. Mặt khác, chủ phương tiện thường xuyên thay đổi chỗ ở, doanh nghiệp giải thể hoặc chủ phương tiện đã qua đời, xuất cảnh, thậm chí không loại trừ chủ phương tiện cố tình trốn tránh không chấp hành.

Cần nhiều biện pháp mạnh để buộc nộp phạt

Hiện, nhiều địa phương đang áp dụng hình thức phạt nguội đối với các phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Để hiệu quả hơn trong cưỡng chế người vi phạm nộp phạt, Trung tá Nguyễn Văn Bình cho biết, đối với phương tiện của doanh nghiệp vận tải, PC08 sẽ mời doanh nghiệp đến nhận thông báo vi phạm, yêu cầu chuyển đến tận tay tài xế vi phạm và có trách nhiệm đôn đốc tài xế vi phạm chấp hành đóng phạt.

PC08 thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát phối hợp tra truy cứu trực tiếp trên máy tính để phát hiện phương tiện vi phạm qua hình ảnh mà đã có thông báo chưa đến nộp phạt thì tổ tra cứu sẽ thông báo cho tổ CSGT tuần tra cho dừng xe kiểm tra, lập biên bản yêu cầu chủ phương tiện đến trụ sở CSGT để giải quyết vụ việc. Đồng thời, phối hợp với công an địa phương (phường, xã) để truy đến cùng địa chỉ những phương tiện vi phạm được ghi qua hình ảnh.

“Thông qua các vụ vi phạm hành chính thông thường, khi người vi phạm đến nộp phạt, cán bộ làm công tác xử lý vi phạm (thuộc tất cả các đơn vị đội, trạm CSGT thuộc PC08) sẽ tra cứu trên máy tính để phát hiện có vi phạm qua hình ảnh trước đó mà chưa nộp phạt hay không, CSGT sẽ yêu cầu người vi phạm hiện hữu thông báo cho chủ phương tiện biết và đến trụ sở CSGT để giải quyết vụ việc. PC08 thường bố trí một tổ công tác trên đường Mai Chí Thọ, quận 2 (bên kia hầm vượt sông Sài Gòn) để phạt nguội các phương tiện vi phạm qua hình ảnh mà chưa nộp phạt bên cạnh việc xử lý các phương tiện tham gia lưu thông qua hầm vi phạm luật giao thông.

Phương tiện trây ỳ khó “trốn” được với Nghị định 100

Theo Khoản 12, Điều 80 Nghị định số 100, trường hợp quá thời hạn giải quyết vụ việc vi phạm được ghi trong biên bản vi phạm, mà chủ phương tiện (xe ôtô, rơ moóc, sơ mi rơ moóc, xe máy chuyên dùng) vi phạm chưa đến giải quyết, thì người có thẩm quyền xử phạt gửi thông báo cho cơ quan đăng kiểm để đưa vào cảnh báo phương tiện liên quan đến vi phạm hành chính trên Chương trình Quản lý kiểm định.

Với các trường hợp trây ỳ nộp phạt, Thượng tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng PC08 khẳng định, khi Nghị định 100 mới được ban hành, PC08 đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh để buộc các chủ phương tiện vi phạm phải đến đóng phạt. Đối với các tình tiết tăng nặng như tái phạm nhiều lần thì sẽ tăng khung hình phạt lên mức cao nhất, đồng thời biện pháp chế tài hiệu quả nhất là đưa vào danh sách những phương tiện vi phạm rồi gửi sang Cục Đăng kiểm để phối hợp xử lý.

Ông Trần Anh Quân, Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho biết, thẩm quyền chặn đăng kiểm hiện nay thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam. Việc chặn đăng kiểm xe chậm nộp phạt vi phạm do Cục Đăng kiểm thực hiện, các địa phương hoặc trung tâm đăng kiểm địa phương không có chức năng này và phải gửi đề nghị về Cục. Theo ông Quân, nguyên tắc chung khi chặn đăng kiểm xe vi phạm giao thông phải gửi danh sách lên Cục Đăng kiểm để chặn trên toàn hệ thống, Cục Đăng kiểm đã có hướng dẫn chung đến các trung tâm đăng kiểm toàn quốc về vấn đề này.

Từ khi Nghị định 100 của Chính phủ có hiệu lực, đến thời điểm hiện tại, cả nước có hơn 3.700 xe bị chặn đăng kiểm do chủ phương tiện “trây ỳ” hoặc chậm nộp xử phạt vi phạm giao thông. Cụ thể, từ 1.1 - 24.2.2020, Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận được văn bản đề nghị chặn đăng kiểm đối với hơn 3.700 xe ôtô vi phạm giao thông nhưng không chấp hành đúng thời hạn xử phạt, giải quyết vi phạm. Nếu tính gộp chung khoảng 3.000 trường hợp xe khác cũng bị đề nghị chặn đăng kiểm của năm 2019 thì đến nay tổng số xe bị chặn hiện nay lên hơn 6.700 xe ôtô. Các đề nghị chặn đăng kiểm chủ yếu được gửi từ Thanh tra Sở Giao thông Vận tải, Phòng Cảnh sát giao thông các địa phương, trong đó khoảng 89% xe ôtô bị “phạt nguội” nhưng chưa chấp hành xử phạt.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM nhận định, việc chặn đăng kiểm phương tiện không chấp hành phạt nguội, được xem là một biện pháp mạnh và có hiệu quả trong việc chế tài những phương tiện trây ỳ vi phạm theo luật định. “Tâm lý của người điều khiển phương tiện ôtô, khi hết hạn đăng kiểm thì phải đi đăng kiểm ngay để tránh bị phạt. Do vậy, nếu phương tiện đấy vi phạm và trây ỳ thì khi đến đăng kiểm đều buộc phải đóng phạt đầy đủ, vì phương tiện không được đăng kiểm thì không ai dám điều khiển trên đường” - luật sư Hậu nhận định.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM nhận định, việc chặn đăng kiểm phương tiện không chấp hành phạt nguội, được xem là một biện pháp mạnh và có hiệu quả trong việc chế tài những phương tiện trây ỳ vi phạm theo luật định. “Tâm lý của người điều khiển phương tiện ôtô, khi hết hạn đăng kiểm thì phải đi đăng kiểm ngay để tránh bị phạt. Do vậy, nếu phương tiện đấy vi phạm và trây ỳ thì khi đến đăng kiểm đều buộc phải đóng phạt đầy đủ, vì phương tiện không được đăng kiểm thì không ai dám điều khiển trên đường” - luật sư Hậu nhận định.

 

Huân Cao

chan dang kiem de buoc nop phat la bien phap hieu qua Chặn đăng kiểm để buộc nộp phạt là biện pháp hiệu quả

Từ đầu năm 2020 đến nay, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - Đường sắt (PC08) Công an TPHCM đã trích xuất được qua ...

/ laodong.vn