Chân cầu Cát Linh-Hà Đông phun nước lạ: ĐBQH hỏi thẳng

“Tại sao từ trước đến nay vẫn chưa thấy có bất kỳ công bố nào của những cơ quan có chức năng phát hiện các sự cố, mà toàn là dân thường"

Còn nhiều điều chưa công bố

Ngày 16/9, khu vực chân của trụ cầu FR06 thuộc tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã bất ngờ phun nước thành dòng khiến nhiều người dân bất ngờ.

Trong khi, trước đó, năm 2016, dư luận cũng được phen xôn xao trước hiện tượng, xuất hiện vệt nước rò rỉ tại khe nối giữa mặt sàn và cột trụ, nhiều vết ố vàng giống màu rỉ sắt bám đầy thành trụ ở khu Hoàng Cầu, cũng công trình trên.

Trước hàng loạt các sự cố xảy ra dù công trình vẫn chưa đi vào hoạt động, trao đổi với Đất Việt, ĐBQH Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho biết: "Vừa qua một loạt các sự cố liên quan đến đường sắt Cát Linh - Hà Đông được phát hiện, như trụ cầu phun nước lạ, rò rỉ mối nối dầm bê tông, bu lông liên kết giữa phụ kiện với ray tại một số vị trí chưa được lắp đặt đúng qui chuẩn, đường tà vẹt bị han gỉ, bắt ốc không khớp, khoảng cách khe hở đường ray không đều.

Thế nhưng, nếu để ý sẽ thấy tất cả các lỗi trên đều do dân thường nhìn thấy và phát hiện. Điều đáng nói, đó là những người không có chuyên môn về lĩnh vực kỹ thuật xây dựng mà cũng nhìn thấy, điều đó có nghĩa đây mới chỉ là những lỗi kỹ thuật trên hết sức hiển nhiên lộ rõ bên ngoài ai cũng dễ dàng nhận thấy.

ĐBQH Hoàng Văn Cường

Vậy những người có chuyên môn, có trách nhiệm mà đi kiểm tra giám sát với máy móc, dụng cụ, thiết bị kỹ thuật chuyên dụng thì liệu sẽ còn phát hiện ra bao nhiêu lỗi đáng lo ngại và nghiêm trọng.

Tôi chỉ băn khoăn tại sao từ trước đến nay vẫn chưa thấy có bất kỳ công bố nào từ những cơ quan có chức năng phát hiện các sự cố, mà toàn là dân thường".

Bên cạnh đó, theo ĐBQH Hoàng Văn Cường, trước hết, xảy ra sai sót kỹ thuật hiển nhiên như thế rõ ràng thể hiện trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp của nhà thầu chưa đảm bảo.

Đồng thời, phải đặt câu hỏi, những cơ quan có chức năng trong việc kiểm soát, giám sát chất lượng đã hoàn thành trách nhiệm chưa?. Nếu như những đơn vị này thực hiện đúng chức trách và hoàn thành nhiệm vụ của mình thì có lẽ sẽ không xảy ra tình trạng người dân đi đường, người bình thường phát hiện ra báo rồi mới vào cuộc xử lý.

Cùng với đó, các đơn vị giám sát kỹ thuật có thực hiện nhiệm vụ nghiêm túc hay không, giám sát rồi tại sao đường ray chống thực hiện các qui trình chống gỉ, không lắp đặt đúng qui chuẩn, mà đơn vị giám sát không biết, không yêu cầu thực hiện đúng qui trình kỹ thuật để làm xong mới phát hiện ra.

Nếu đã làm đúng trách nhiệm thì kết quả giám sát đâu, bộ phận giám sát kỹ thuật đã phát hiện được những gì trong quá trình thi công và yêu cầu nhà thầu phải điều chỉnh những vấn đề gì, sửa chữa ra sao khi phát hiện ra, việc này cần công khai, không phải giấu giếm.

"Một công trình lớn thì toàn dân có quyền giám sát, tại sao các cơ quan giám sát kỹ thuật không công bố ra các vấn đề đã phát hiện mà chỉ có những vấn đề dân đã phát hiện mới được công khai", ông Cường nhấn mạnh.

Phải tạo niềm tin cho dân

Sau hàng loạt các sự cố xảy ra ở công trình trên, ĐBQH Hoàng Văn Cường đặt câu hỏi: "Dù mới đang là công trình dở dang, chưa hoàn chỉnh, chưa bàn giao đang thi công mà đã nhiều sự cố xảy ra thì liệu có yên tâm khi công trình hoàn tất đưa vào sử dụng hay không? Thời gian tuổi thọ của công trình có đúng như thiết kế hay không?.

Đường sắt Cát Linh Hà Đông lại lỡ hẹn chạy thử

Để người dân yên tâm khi công trình đi vào vận hành, cơ quan nghiệm thu công trình này cũng phải thực hiện những biện pháp kỹ thuật cẩn trọng hơn, chúng ta phải có đầy đủ bằng chứng, chứng cứ để khảng định các yêu cầu kỹ thuật được đảm bảo. Cùng với đó, công tác kiểm tra, đánh giá phải công khai, minh bạch, để người dân tin tưởng không xảy ra các sự cố trong quá trình vận hành, tuổi thọ công trình đảm bảo.

Bên cạnh đó, khi phát hiện ra những vấn đề sai sót cần phải xác định các biện pháp xử lý cương quyết, triệt để. Nếu là các sai sót nhỏ, có thể khắc phục không ảnh hưởng đến chất lượng công trình thì rõ ràng nhà thầu phải khắc phục, còn những cái sai sót ảnh hưởng đến chất lượng công trình thì phải hủy đi làm lại, không chấp nhận việc sửa chữa.

Vị ĐBQH cũng lưu ý rằng, song song với đẩy nhanh tiến độ cần luôn chú trọng kiểm soát chất lượng, không vì sức ép đẩy nhanh tiến độ để lơ là bỏ qua kiểm soát việc tuân thủ khắt khe các khâu công việc trong qui trình kỹ thuật.

"Ta thường thấy các công trình bị thúc đẩy nhanh tiến độ hay bị cắt xén bớt các khâu trong qui trình thi công do đó chất lượng bị ảnh hưởng, càng giai đoạn cuối càng tạo ra nhiều cơ hội cho sơ hở, trong khi đó giai đoạn cuối hoàn thiện tổng quát đưa vào vận hành lại là quan trọng nhất",

Chúng ta phải chú trọng làm chặt chẽ khâu nghiệm thu với các công cụ, các thiết bị kỹ thuật hiện đại để kiểm định chất lượng để người dân bớt băn khoăn, lo lắng khi công trình được sử dụng. Chúng ta cần thuê các công ty nước ngoài có uy tín thực hiện kiểm định chất lượng công trình trước khi nghiệm thu", ông Cường khẳng định.

(http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/chan-cau-cat-linh-ha-dong-phun-nuoc-la-dbqh-hoi-thang-3343593/)

Sở Giao thông Hà Nội: Nhiều chuyến BRT có dấu hiệu \'quá tải\'

Theo Sở Giao thông, nhiều chuyến BRT chở trên 100 khách trong khi trung bình giờ cao điểm thông thường là 70 khách.

Cảnh sát giao thông bị xe vi phạm tông gãy tay ở Hà Nội

Dừng xe máy vi phạm ở đường Vành đai 3 trên cao (Hoàng Mai) một cảnh sát giao thông bị tài xế tông ngã gãy ...

Đổi đất làm đường sắt: Hà Nội đang quá vội?

Hà Nội không nên nóng vội để tránh tình trạng đất đã giao nhưng đường sắt thì mãi không thành hình...

/ Theo Châu An/Báo Đất việt