Học sinh mầm non, tiểu học nghỉ ở nhà quá lâu, phụ huynh quay cuồng khi vừa phải đi làm, vừa tính cách trông con an toàn.
Đều đặn 6h45 mỗi ngày, ba mẹ con chị Trần Ngọc Mai (36 tuổi, Linh Đàm, Hà Nội) lên xe tới nhà cô giáo cách 5 km. Chồng làm ở xa, thi thoảng mới về, ông bà hai nội ngoại đều cao tuổi ở quê, nên nhiều tháng qua, chị đành chọn giải pháp gửi con ở nhà cô giáo. Trước đó, nhiều phụ huynh khác trong lớp cũng có nhu cầu tương tự, họ chủ động đề xuất giáo viên trông trẻ tại nhà. Cách này vừa đáp ứng mong muốn của gia đình, vừa tạo điều kiện cho các cô giáo kiếm thêm thu nhập trong khi trường tạm đóng cửa.
Trẻ học online tại nhà. (Ảnh minh hoạ: C.H) |
Nhóm trẻ gồm 5 bé, cả con của cô giáo. Trong căn chung cư rộng hơn 50 m2, các con sinh hoạt theo nề nếp và giờ giấc như trên lớp. Ngoài bé út 3 tuổi, chị nhờ cô trông thêm đứa con trai lớn đang học lớp 1, chủ yếu trông và giúp đỡ khi con học online.
Chi phí mỗi tháng gửi 2 con khoảng hơn 11 triệu đồng/tháng (đứa nhỏ 6,5 triệu, đứa lớn 5 triệu). Số tiền cao hơn lương của chị nhưng gia đình phải bấm bụng vì không còn cách nào khác. Hầu hết đồng nghiệp chị cũng phải tìm đến các nhóm trông trẻ hoặc thuê giáo viên tới nhà.
Anh Phạm Đức Bảo (40 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) xin phép cơ quan tạo điều kiện hàng ngày đưa theo con đến cơ quan vừa làm việc, vừa trông nom. Cứ như vậy, hơn 7 tháng qua, con trai lớn lớp 5 theo bố, còn con gái nhỏ lớp 1 theo mẹ đi làm.
Trước khi đi làm, vợ anh kiểm tra kỹ lưỡng đồ dùng trong cặp xách của hai con. "Con được sắp xếp ngồi vào chiếc bàn trống ở góc cơ quan kèm lời dặn "các cô chú đang làm việc, con phải tập trung học và giữ trật tự, cấm ồn ào". Thực sự hết cách tôi mới phải làm như vậy. Hơi bất tiện nhưng nó thỏa mãn cả hai điều kiện bố mẹ vừa phải đi làm mà vẫn giám sát và trông con học online", anh Bảo nói. Để không phải di chuyển đi lại nhiều, buổi trưa hai bố con mang cơm hộp theo, sau khi con ăn xong sẽ trải chiếu nằm ngủ dưới gầm bàn làm việc.
Không riêng gì anh Bảo mà nhiều đồng nghiệp phòng anh cũng đưa con đến cơ quan. Cách làm này thời gian đầu có chút phiền hà vì môi trường công sở không thích hợp, nhưng về sau mọi người dần quen, tự dặn nhau nói nhỏ chút, giữ im lặng ưu tiên các con học online. Các con cũng bất đắc dĩ mà quen với nhịp sống mới, những người bạn mới.
Học sinh học online. (Ảnh minh hoạ: TTXVN) |
Trong khi đó, vợ chồng chị Triệu Thị Hồng Hà (40 tuổi, Cầu Giấy) luân phiên xin cơ quan cho làm việc tại nhà để thay phiên nhau trông con học online, tuần này chị nghỉ, tuần sau tới lượt chồng.
"Việc luân phiên nghỉ diễn ra nhiều tháng nay, công việc cơ quan vì thế mà giảm hiệu quả nhưng không còn giải pháp khác", chị nói. Hai con học lớp 1 và lớp 3 còn quá nhỏ để có thể tự trông nhau ở nhà, chị và chồng đành chọn phương án trên và chấp nhận mất thưởng cuối năm để đánh đổi được làm việc luân phiên tại nhà, thuận tiện trông con.
Gia đình chị từng lắp camera ở nhà để tiện đồng hành khi ba mẹ đi làm vắng, hai con ở nhà tự chăm nhau, song cả hai đứa đều quá nhỏ để xử lý các thao tác khi học online. Thi thoảng con lại gọi điện "cầu cứu" vì bị thoát ra khỏi lớp online không đăng nhập lại được. Sau một tháng triển khai cách làm này, con nhiều lần bị gián đoạn việc học online, thường xuyên nghỉ học giữa buổi, chị đành phải thay đổi phương án luân phiên.
Chị Hà than trời về việc Hà Nội vẫn mãi chưa có phương án cho trẻ đến trường, trong khi các hoạt động khác đều chuyển sang trạng thái bình thường mới từ lâu. Nhiều phụ huynh lo ngại con đi học không an toàn trước COVID-19 nhưng họ lại vô tư đi làm, đi ăn uống, cà phê, họp hành, công tác...
"Hà Nội cần mạnh dạn hơn trong việc mở cửa trường, phụ huynh nào muốn gửi con có thể cho đến lớp, ai không muốn cứ để trẻ ở nhà. Với số lượng đi học ít, chúng ta sẽ đảm bảo giữ khoảng cách và sự chăm sóc tốt nhất cho trẻ. Như thế, vừa đáp ứng được nhu cầu của nhóm phụ huynh cần gửi con và giải quyết được bài toán mở cửa trường học", vị phụ huynh nói.
Cô Nguyễn Bích Liên, giáo viên trường Tiểu học Chu Văn An (Hà Nội) cho rằng, đặc thù của trẻ khi vào lớp 1 không thể tập trung cao độ và tiếp nhận kiến thức suốt vài giờ. Việc phụ huynh kèm cặp, đốc thúc con trong buổi học online vô cùng quan trọng. "Trong hoàn cảnh hiện nay, trẻ không thể học online mà không có bố mẹ. Con có thể hiểu bài hay không, ngoài giáo viên, công sức của bố mẹ chiếm đến 50%", cô Liên nói.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2021 - 2022 thành phố có gần 129.000 học sinh lớp 1. Nếu tính cả cấp mầm non, tiểu học và lớp 6 thì khoảng gần 1,5 triệu học sinh thủ đô đang phải tạm nghỉ ở nhà do dịch COVID-19. Điều này đồng nghĩa việc hàng trăm nghìn gia đình đang phải đau đầu tìm cách gửi con để đi làm.
Theo Bộ GD&ĐT, cả nước hiện có hơn 15.480 trường mầm non, hơn 193.000 nhóm lớp mẫu giáo độc lập, phục vụ khoảng 5 triệu trẻ. Tính riêng 6 tháng cuối năm 2021, hơn 28.500 cơ sở giáo dục mầm non phải tạm dừng hoạt động; gần 600 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục phải giải thể.
Hai thành phố lớn TP.HCM và Hà Nội đóng cửa hoàn toàn hệ thống mầm non trong gần năm qua. TP.HCM lên kế hoạch mở cửa trường mầm non từ tháng 2. Hà Nội chưa đưa ra dự kiến.
HÀ CƯỜNG
Trẻ sốt cao, cha mẹ cần làm gì? |
Cha mẹ cần phải làm gì khi phát hiện con xem phim 18+? |
Cha mẹ cần làm gì khi trẻ mắc COVID-19? |