Cha mẹ Trung Quốc "phù phép" con thành thần đồng và những tài năng được bơm hơi

Với hy vọng con cái trở thành thần đồng, nhiều phụ huynh Trung Quốc sẵn sàng giúp con em gian lận để mang về cái mác "con nhà người ta".

Tháng 7/2020, con trai một chuyên gia về u và tế bào gốc tại Viện Động vật học Côn Minh (Trung Quốc) gây xôn xao khi giành được giải ba cuộc thi Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Thanh thiếu niên Trung Quốc (CASTIC) cho nghiên cứu di truyền về ung thư đại trực tràng.

Nhiều người bày tỏ ngưỡng mộ khi cậu bé vượt qua rất nhiều đối thủ hơn tuổi để giành được giải thưởng danh giá này. Không ít người gọi cậu bé là "thần đồng".

"Đúng là hổ phụ sinh hổ tử", một tài khoản Weibo bình luận.

Nhưng niềm vui của cậu bé không kéo dài được lâu. Ngày 16/7, Ban tổ chức CASTIC tuyên bố thu hồi giải ba đã trao cho em.

CASTIC cho biết cậu bé không thể tự mình thực hiện nghiên cứu vì hiểu biết về di truyền học vẫn còn hạn chế.

Cha mẹ Trung Quốc 'phù phép' con thành thần đồng và những tài năng được bơm hơi - 1
CASTIC thu hồi giải thưởng trao cho cậu bé từng được ví là "thần đồng".

Bố của cậu bé này sau đó thừa nhận đã giúp con trai mình thực hiện nghiên cứu và gửi thư xin lỗi.

"Tôi không hoàn toàn nắm bắt được quy định quan trọng rằng báo cáo khoa học nên được viết bởi một mình tác giả, và đã tham gia quá nhiều vào quá trình biên soạn nghiên cứu", vị phụ huynh cho biết.

Chia sẻ cậu con trai đang rất áp lực vì hứng búa rìu từ dư luận, vị chuyên gia đến từ Viện Động vật học Côn Minh hy vọng dư luận có thể khoan dung và thấu hiểu.

Những thần đồng "bơm hơi"

Ở Trung Quốc, những trường hợp thần đồng "bơm hơi" như trên không hề ít. Các bậc phụ huynh đặt quá nhiều kỳ vọng vào con em mình để được "nở mày nở mặt" với hàng xóm, bạn bè. Khi con của họ không đạt được yêu cầu đó, họ sẵn sàng nghĩ đến những cách tiêu cực, như giúp con làm các bài nghiên cứu khoa học.

Năm 2018, 2 học sinh tiểu học có cha là giáo sư chuyên về bệnh gan tại Đại học Vũ Hán giành được giải 3 về cách chiết xuất từ lá trà có thể chống lại các khối u ở gan.

Cả 2 vị giáo sư phủ nhận giúp đỡ con mình. Hiệp hội Khoa học và Công nghệ thành phố Vũ Hán cũng khẳng định 2 cậu bé đã tự phát triển ý tưởng và chỉ nhờ tới sự giúp đỡ của giáo viên.

Dù vậy, nhiều chuyên gia y tế bày tỏ hoài nghi. Họ cho rằng việc những học sinh nhỏ tuổi như vậy có thông tin để thực hiện nghiên cứu là khá khó tin.

Một cậu bé tới từ Tứ Xuyên cũng rơi vào vòng nghi vấn sau khi giành được 3 giải thưởng của CASTIC về nghiên cứu vật lý, khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo. Nghiên cứu của cậu bé về xe hơi không người lái còn ấn tượng hơn cả các mẫu xe được bán tại thị trường khi đó.

Một kỹ sư AI đến từ công ty phát triển xe hơi không người lái ở Thượng Hải cho rằng nghiên cứu này nếu thực sự là tác phẩm của một học sinh, nó nên được xuất bản trên các tạp chí khoa học hàng đầu.

Tháng trước, nhiều cư dân mạng Trung Quốc chia sẻ bức ảnh so sánh sáng chế về “Thiết bị phát hiện nhanh ô nhiễm khói mù di động” từng đạt giải cao tại CASTIC 2015 với kết quả nghiên cứu khoa học năm 2012 của Viện Quang học và Cơ học An Huy thuộc Viện Nghiên cứu Hợp Phì.

Cha mẹ Trung Quốc 'phù phép' con thành thần đồng và những tài năng được bơm hơi - 2
Nghiên cứu của Liu Mouyang (bên trái) có nhiều điểm tương đồng với thiết bị của bố mình và các đồng nghiệp.

Họ phát hiện tên gọi, bề ngoài và nguyên lý hoạt động của cả 2 thiết bị này rất giống nhau.

“Thiết bị phát hiện nhanh ô nhiễm khói mù di động” là sáng chế của Liu Mouyang. Khi giành được giải thưởng, Liu mới 13 tuổi. Nhờ thành tích này, em được tuyển thẳng vào trường THCS trọng điểm Hợp Phì.

Trong một cuộc phỏng vấn cách đây 6 năm, Liu cho sẻ nghiên cứu của em được thực hiện dưới sự giúp đỡ của giáo viên trong trường và thiết bị có thể định lượng hơn 10 loại thành phần khí ô nhiễm khác nhau của em là kết quả sau hơn 1 năm thử nghiệm.

Nhưng nhiều người bắt đầu nghi ngờ câu chuyện của Liu khi phát hiện bố em, ông Liu Jiangou từng giữ chức phó viện trưởng Viện Quang học và Cơ học An Huy thuộc Viện Nghiên cứu Hợp Phì và là nhân tố quan trọng trong nghiên cứu khoa học của viện này năm 2012 vốn có rất nhiều điểm tương đồng với sáng kiến của Liu.

Tới năm 2018, Liu Mouyang tiếp tục gặt hái hàng loạt giải thưởng cho sáng chế “Hệ thống sàng lọc nhanh bằng laser giúp phát hiện tài xế say rượu”. Nguyên tắc hoạt động của hệ thống này rất giống với sáng chế “Hệ thống giám sát trực tuyến phát hiện tài xế say rượu” được ông Liu Jiangou triển khai năm 2011.

"Khát" thần đồng

"Cơn khát thần đồng" trở thành nỗi ám ảnh của nhiều bậc phụ huynh Trung Quốc. Với mong muốn con mình vượt trội, bỏ xa chúng bạn, không ít phụ huynh đổ núi tiền để con cái mình sớm tiếp xúc với một nền giáo dục tiên tiến nhất. Nhưng tiền đôi khi không giải quyết được vấn đề.

Mạng xã hội Trung Quốc từng xôn xao trước câu chuyện về một bà họ Xu ở Vũ Hán sẵn sàng bỏ ra 120.000 NDT (gần 430 triệu đồng) để con theo học 17 lớp kỹ năng trong 1 năm. Nhờ đó, tới cấp 1, cô bé có thể nói tiếng Anh, biết chơi nhạc cụ, có thể vẽ, múa, dẫn chương trình...

Bà Xu ban đầu rất tự hào về con gái mình. Nhưng 3 năm sau, thành tích của cô bé sụt giảm nghiêm trọng. Cô bé chỉ xếp ở nhóm giữa lớp.

Tương tự là câu chuyện của cô bé Wen Wen. Mẹ của em không được học cao nên dồn hết hy vọng cho con gái. Từ nhỏ, Wen được mẹ lên kế hoạch cho tất cả mọi thứ, từ việc ăn gì, học môn nào, tiếp xúc với ai, nghỉ ngơi ra sao.

Với nền tảng này, Wen sớm tỏ ra vượt trội so với bạn bè. Nhưng tới năm lớp 2, cô bé bắt đầu tỏ ra không còn hứng thú với chuyện học tập. Thành tích của Wen kém tới nỗi giáo viên phải mời mẹ Wen tới nói chuyện.

Những năm gần đây, các công ty xét nghiệm DNA đang mọc lên như nấm tại Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về tiềm năng của con cái mình cả về trí tuệ và cảm xúc của các phụ huynh.

Cha mẹ Trung Quốc 'phù phép' con thành thần đồng và những tài năng được bơm hơi - 3
Chuyên gia tại một phòng thí nghiệm gen ở Hong Kong. (Ảnh: Bloomberg)

Chris Jung cũng trả hàng trăm USD cho một xét nghiệm như vậy để xem con gái mình có thể trở thành thần đồng trong tương lai hay không.

Jung ban đầu kỳ vọng con gái trở thành giáo sư hoặc bác sĩ nhưng kết quả trả ra là con gái anh có năng khiếu về âm nhạc, toán học và thể thao nhưng khả năng ghi nhớ kém.

Từ đó, Jung hướng con theo những ngành nghề không cần phải ghi nhớ quá nhiều.

"Xét nghiệm ADN có thể là một trong những kim chỉ nam và động lực, nhờ đó phụ huynh có thể tập trung nguồn lực cho con em mình", Jung cho biết.

Rất nhiều phụ huynh có chung quan điểm với Jung bất chấp khẳng định của các chuyên gia rằng các xét nghiệm này thường không có cơ sở khoa học vững chắc.

Dù Trung Quốc đã bỏ chính sách một con từ năm 2015, nhưng nhiều gia đình vẫn quyết định chỉ đẻ một con. Nhiều đứa trẻ vì thế mang theo gánh nặng trở thành "con nhà người ta", "thần đồng" của bố mẹ mình.

Khi vượt quá sức chịu đựng, một số trở nên hời hợt, bàng quan với cuộc sống.

"Nhiều đứa trẻ hiện nay mắc bệnh "khuyết tim". Các em trở nên không còn hứng thú, niềm vui, không cảm nhận được ý nghĩa cuộc sống, thậm chí không thể tìm thấy chính mình", Từ Khải Văn - giáo sư Đại học Bắc Kinh đánh giá.

Hồi tháng 9, một đoạn video ghi lại tại một trường tiểu học gây sốt trên mạng xã hội Trung Quốc. Một nữ phóng viên tới phóng vấn một bé gái.

Nhưng em tỏ ra không hứng thú với bất cứ thứ gì, từ ngôi trường đang theo học, bạn bè và học kỳ mới.

"Sao cũng được", cô bé trả lời khi được hỏi có muốn đi học không. Em nói thêm rằng "chẳng có hy vọng gì cho tương lai cả".

Đoạn video được chia sẻ chóng mặt. Nhiều thanh niên Trung Quốc bình luận rằng họ cũng từng trải qua giai đoạn như vậy khi phải đi học thêm "điên cuồng" dưới sự kỳ vọng quá lớn từ bố mẹ.

SONG HY

Chuyên gia: Hơn 200 cơ quan Trung Quốc hoạt động nghiên cứu ở Biển Đông Chuyên gia: Hơn 200 cơ quan Trung Quốc hoạt động nghiên cứu ở Biển Đông
Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự bí mật ở UAE? Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự bí mật ở UAE?
Vợ cựu Chủ tịch Interpol nói về nhân vật Trung Quốc sắp đề cử vào Interpol Vợ cựu Chủ tịch Interpol nói về nhân vật Trung Quốc sắp đề cử vào Interpol

/ vtc.vn