Từ thời xa xưa, vầng trăng luôn thu hút sự quan tâm con người, họ say mê ngắm trăng mỗi độ trăng tròn và tò mò muốn biết có gì trên ấy.
Ba phi hành gia Neil Amstrong, Edwin 'Buzz' Aldrin và Michael Collins (từ trái sang) - Ảnh: NASA |
Được đặt chân lên đó là mơ ước từ rất lâu đời của loài người, đến nỗi có rất nhiều chuyện cổ tích, giai thoại và truyện khoa học viễn tưởng liên quan đến việc du hành lên mặt trăng. Nhưng phải đợi đến thập niên 1960, khi khoa học đã phát triển đến mức có thể chế tạo được tên lửa đẩy và phi thuyền không gian, ước mơ đó mới thành hiện thực.
Ngày 16.7.1969, Cơ quan Hàng không Không gian Mỹ - NASA phóng tên lửa đẩy Saturn V mang theo phi thuyền Apollo 11 với ba phi hành gia Neil Amstrong, Edwin Aldrin và Michael Collins. Phi thuyền gồm có ba bộ phận: một Mô-đun Chỉ huy Columbia (Command Module) với khoang lái cho ba phi hành gia, đây là phần duy nhất sẽ trở về Trái đất; một Mô-đun Phục vụ (Service Module) cung cấp ôxy, nước, điện và lực đẩy cho Mô-đun Điều khiển; cuối cùng là Mô-đun Mặt trăng Eagle (Lunar Module) để đưa hai phi hành gia Neil Amstrong và Edwin Aldrin đáp xuống mặt trăng.
Aldrin và Mô-đun Mặt trăng Eagle. Ảnh: NASA |
Tên lửa Saturn V có 3 tầng chứa nhiên liệu có nhiệm vụ đưa Apollo 11 bay lên thoát khỏi sức hút của Trái đất. Sau khi đưa Apollo 11 nhập vào lộ trình bay đến mặt trăng, tầng cuối của tên lửa đẩy Saturn V cũng sẽ được tách ra. Từ Trái đất đến mặt trăng có khoảng cách là 384.000 km, Apollo 11 phải mất ba ngày bay mới đến được mục tiêu.
Chủ nhật 20.7.2019, Armstrong và Aldrin di chuyển vào Mô-đun Mặt trăng Eagle, tách ra khỏi Mô-đun Chỉ huy Columbia và đáp xuống khu vực được đặt tên là Biển Tĩnh Lặng (Sea of Tranquility) trên mặt trăng vào lúc 20 giờ 17 (giờ Quốc tế UTC). Các phi hành gia ở lại mặt trăng trong 21 tiếng để thực hiện các nghiên cứu và thu thập được 21 kg mẫu đất đá.
Ảnh chụp từ Columbia lúc Mô-đun Eagle đang hạ xuống bề mặt mặt trăng. Ảnh: NASA |
Đến 17 giờ 54 giờ UTC ngày 21.7.1969, Mô-đun Mặt trăng Eagle khai hỏa bay lên quỹ đạo để gắn trở lại vào Mô-đun Chỉ huy Columbia. Sau đó, ba phi hành gia quay về Trái đất và hạ cánh an toàn ở vùng biển gần đảo Wake trên Thái Bình Dương vào ngày 24.7.2019.
Sự kiện lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại con người đặt chân lên mặt trăng được truyền hình trực tiếp đến người xem khắp thế giới. Khi đặt chân xuống bề mặt mặt trăng, Armstrong đã miêu tả sự kiện quan trọng này bằng một câu nói sẽ đi vào lịch sử: "Đây là bước đi nhỏ bé của một người, nhưng là bước tiến khổng lồ của nhân loại" ("That's one small step for [a] man, one giant leap for mankind")
Cả Trung tâm Chỉ huy Houston lo lắng vì không tìm ra giải pháp thay thế bộ chuyển mạch bị hỏng của Eagle. Ảnh: MAILONLINE |
Nhưng, ít ai biết rằng suýt nữa chuyến bay Apollo 11 đã trở thành một thảm họa lịch sử. Sau khi hai phi hành gia hoàn thành việc nghiên cứu, họ chuẩn bị cho Mô-đun Eagle bay lên quỹ đạo để gắn vào Mô-đun Columbia thì Eagle bị trục trặc ở hệ thống khởi động tên lửa đẩy. Một viễn cảnh đầy bi thương là Columbia trở về Trái đất chỉ với một mình phi hành gia Collins, còn Amstrong và Aldrin bị mắc kẹt lại trên mặt trăng và cầm chắc cái chết khi nguồn ôxy mang theo bị cạn kiệt.
Số là, khi kiểm tra hệ thống khởi động tên lửa đẩy của Eagle, Amstrong và Aldrin phát hiện ra bộ phận chuyển mạch điện điều khiển việc khởi động tên lửa cất cánh đã bị hỏng. Mà Eagle thì không mang theo linh kiện dự phòng để thay thế. Làm sao đây? Không thể khởi động tên lửa để Eagle bay lên quỹ đạo và gắn trở lại với Columbia thì coi như Amstrong và Aldrin phải ở lại mặt trăng. Phải mất ít nhất là nửa năm, NASA mới có thể phóng được phi thuyền Apollo 12 lên cứu, lúc đó hai phi hành gia đã chết từ lúc nào!
Cây bút cứu mạng của Aldrin được lưu trữ tại bảo tàng của NASA. Ảnh: NASA |
Aldrin lập tức báo cáo sự cố này cho Collins đang ở Mô-đun Columbia bay vòng theo quỹ đạo phía trên mặt trăng và về Trung tâm Điều khiển Mặt đất ở Houston (Mỹ). Tin này giống như sét đánh ngang tai Collins cũng như toàn bộ nhân sự ở Trung tâm Houston. Các khoa học gia ở Trung tâm bù đầu vắt óc nhưng không tìm ra được hướng giải quyết sự cố. May mắn là Aldrin nãy ra một sáng kiến tuyệt vời, ông dùng một cái bút dạ có vỏ bằng crôm dẫn điện gắn vào thay thế bộ chuyển mạch bị hỏng, với hy vọng là nó có thể nối được dòng điện cho hệ thống điều khiển động cơ.
Đến giờ cất cánh ngày 21.7.1969, Aldrin bấm nút khởi động tên lửa và Eagle từ từ cất lên khỏi mặt trăng. Giải pháp chữa cháy của Aldrin đã mang lại hiệu quả không ngờ, cứu mạng hai người Trái đất đầu tiên đặt chân lên mặt trăng và cứ ngỡ đã phải gởi thây trên ấy.
'Đây là bước đi nhỏ bé của một người, nhưng là bước tiến khổng lồ của nhân loại'. Ảnh: NASA |
Sau chuyến bay, cây bút dạ cứu mạng của Aldrin - cũng như cứu cả sự thành công của chuyến bay lịch sử - đã được lưu trữ tại bảo tàng của NASA. Sự cố này được NASA giữ kín trong nhiều năm để tránh dư luận công kích. NASA đã rút ra được bài học kinh nghiệm quý giá trong việc chuẩn bị các linh kiện dự phòng cho các chuyến bay Apollo lên mặt trăng sau đó. Bởi, đôi khi một hỏng hóc kỹ thuật nhỏ nhặt đến không ngờ có thể gây nên một thảm họa lịch sử, cũng như làm cho biết bao công sức và tiền bạc của người Mỹ phải trôi sông đổ biển.
Lộ trình bay của Apollo 11 từ Trái đất lên mặt trăng và trở về. Ảnh: NASA |
Neil Amstrong vừa cắm quốc kỳ Mỹ. Ảnh: NASA |
Phi hành gia 'lão thành' của NASA hội ngộ 50 năm sau sứ mệnh Mặt Trăng
Tám phi hành gia còn sống của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã gặp mặt tại thành phố New York, Mỹ, nhân ... |