Cấu trúc an ninh ở châu Âu sắp hứng thêm một "cú sốc"?

Thụy Điển và Phần Lan, quốc gia chia sẻ biên giới chung với Nga, có thể nộp đơn xin gia nhập liên minh Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong vài tháng tới, bước đi được dự báo sẽ có nhiều tác động với cấu trúc an ninh ở châu Âu.

Trung lập để tồn tại, phát triển

Chiến tranh Lạnh bùng phát với việc quan hệ giữa hai siêu cường Mỹ-Liên Xô xấu đi, Washington năm 1949 cùng 11 quốc gia khác quyết định thành lập NATO, một tổ chức ban đầu được mô tả là nhằm phòng thủ trước đà "Tây tiến" của Liên Xô. Trong hơn 7 thập kỉ qua, khối quân sự này đã kết nạp thêm 18 quốc gia, trở thành liên minh quân sự hùng mạnh nhất thế giới với 30 nước thành viên, trong đó hầu hết các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đều là thành viên của NATO.

image001.png -0
Cờ 3 nước Thụy Điển, Phần Lan và Mỹ tung bay nhân chuyến thăm tới Mỹ của Bộ trưởng Quốc phòng 2 nước Bắc Âu hồi năm 2018. Ảnh: USNV

Tuy vậy, cũng có các quốc gia không gia nhập khối. Họ lựa chọn vị trí trung lập mà theo Ulrika Moller, Phó Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Gothenburg của Thụy Điển, là công cụ để các nước nhỏ hơn bảo vệ toàn vẹn chính trị trước những láng giềng lớn hoặc cường quốc khu vực. Áo, Thụy Điển và Phần Lan gần đây được mô tả là giải pháp hình mẫu cho Ukraine, trong bối cảnh Moscow đã nêu rõ một trong những yêu cầu của họ cho chiến dịch quân sự là buộc Kiev trung lập.

Trong số 3 quốc gia này, Phần Lan là quốc gia duy nhất chia sẻ đường biên giới chung kéo dài hơn 1.300km với Nga. Họ trở thành nước trung lập thông qua Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Tương trợ kí với Liên Xô năm 1948, trong đó cấm hai nước tham gia liên minh quân sự chống lại bên kia và Phần Lan cũng phải cam kết không cho phép sử dụng lãnh thổ của mình cho một cuộc tấn công vào Liên Xô, với kỳ vọng ngăn tái diễn cuộc chiến năm 1939, được châm ngòi từ những tính toán an ninh địa chính trị trong Thế chiến II và mâu thuẫn mang tính lịch sử giữa hai bên.

Tờ France24 dẫn lời chuyên gia lịch sử Maurice Carrez thuộc Viện Khoa học Strassbourg của Pháp, tính trung lập của Phần Lan thực chất do hoàn cảnh, khi họ tồn tại cạnh một siêu cường quân sự là Liên Xô. Xuyên suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, quốc gia Bắc Âu này duy trì tôn chỉ không liên kết, bất chấp sức ảnh hưởng từ cả hai khối do Liên Xô và Mỹ dẫn đầu. Giới quan sát cho rằng, chính lựa chọn trung lập là yếu tố để Phần Lan không bị kéo vào vòng xoáy cạnh tranh cường quốc, rồi tập trung phát triển kinh tế thị trường theo kiểu phương Tây.

Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Phần Lan chuyển dần trọng tâm đối ngoại và quyết định gia nhập EU vào năm 1995. Tuy nhiên, nước này vẫn kiên trì chính sách trung lập về quân sự và nhiều lần loại trừ việc gia nhập NATO. Hiện nay, Phần Lan là một hình mẫu kinh tế, với GDP đầu người đạt gần 50.000 USD, mức cao trên thế giới.

Về phần Thụy Điển, nước này không chia sẻ biên giới chung với Nga và đã lựa chọn chính sách trung lập trong suốt 2 thế kỉ qua, tính từ thời điểm Vua Gustav XIV đưa ra tuyên bố trung lập vào năm 1834. Năm 1941, Thụy Điển từng cho phép quân đội Đức di chuyển qua lãnh thổ đến mặt trận Phần Lan - Liên Xô, nhưng đồng thời bảo vệ người tị nạn trước chủ nghĩa Phát xít. Sau năm 1945, Thụy Điển chọn duy trì tình trạng trung lập. An ninh của Thụy Điển phụ thuộc nhiều vào tình trạng của Phần Lan và gián tiếp vào chính sách của Liên Xô đối với Phần Lan.

Đến năm 1995, Thụy Điển cũng gia nhập EU và tăng cường đối thoại với NATO, song loại trừ khả năng gia nhập liên minh. Thụy Điển hiện có GDP đầu người hơn 51.000 USD. Cách đây vài năm, Thụy Điển từng được đánh giá là quốc gia có uy tín nhất trên thế giới theo bảng xếp hạng của Country RepTrak.

Lập trường thay đổi vì chiến sự Ukraine

Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2, Thụy Điển và Phần Lan cùng lên tiếng phản đối. Tờ The Times của Anh ngày 11/4 dẫn lời một số quan chức Mỹ cho biết, Thụy Điển và Phần Lan đang lên kế hoạch gia nhập khối quân sự NATO do Mỹ dẫn đầu, bước đi được cho là sẽ đảo ngược chính sách trung lập mà hai quốc gia này đã duy trì trong nhiều thập kỉ liên tiếp. Theo lời quan chức Mỹ, khả năng trao tư cách thành viên NATO cho Thụy Điển và Phần Lan đã trở thành chủ đề của "các cuộc trò chuyện và nhiều phiên họp" khi ngoại trưởng các nước thành viên NATO nhóm họp hồi tuần trước, nơi cũng có sự tham dự của đại diện tới từ Stockholm, Helsinki. Nguồn tin tiết lộ thêm, Phần Lan dự kiến đệ đơn xin gia nhập NATO ngay trong tháng 6/2022 và Thụy Điển cũng sẽ đưa ra quyết định tương tự rất sớm.

Dù Thụy Điển và Phần Lan chưa lên tiếng về thông tin này, nhưng trên thực tế, cả hai nước đã sự thay đổi nhất định về lập trường vì chiến dịch của Nga. Cuối tháng 2, truyền thông phương Tây cho biết Thụy Điển đã đưa ra quyết định lịch sử khi gửi thiết bị quân sự, trong đó có cả vũ khí chống tăng cho Ukraine. Lần gần nhất Thụy Điển gửi viện trợ vũ khí ra nước ngoài là năm 1939, khi xung đột biên giới Phần Lan - Liên Xô xảy ra. Không lâu sau, Phần Lan cũng thông báo sẽ cung cấp một loạt vũ khí cho Ukraine, bao gồm 2.500 súng trường tự động, 150.000 viên đạn, 1.500 khẩu súng chống tăng dùng một lần RPG và 70.000 suất lương thực.

Trong các tuyên bố chính thức, hồi tháng 2/2022, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson tuyên bố Stockholm tiếp tục theo đuổi chính sách an ninh độc lập. Tuy nhiên, sang tháng 3, bà Andersson nói Thụy Điển cần phân tích khả năng gia nhập một liên minh quân sự và không loại trừ theo đuổi tư cách thành viên NATO. Tại Phần Lan, kết quả một cuộc thăm dò dư luận mới được tiến hành đã chỉ ra rằng 62% dân chúng nước này muốn Helsinki gia nhập NATO, cao hơn con số 16% phản đối. Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin gần đây nhấn mạnh nước này cần quyết định kế hoạch tham gia NATO "một cách triệt để nhưng nhanh chóng".

Theo nhận định của giới quan sát, dù chưa gia nhập NATO, Thụy Điển và Phần Lan đều là thành viên EU. Hai nước này sở hữu quân đội được trang bị khí tài theo chuẩn phương Tây, nên họ gần như chắc chắn đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn thành viên NATO. Đó là chưa kể việc NATO luôn sẵn sàng kết nạp hai nước này vào khối, bất chấp sự phản đối của Nga.

Tuy chưa phản ứng cứng rắn như tình huống của Ukraine, Điện Kremlin vẫn cảnh báo, nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, Nga sẽ có các biện pháp củng cố sườn phía Tây bằng các biện pháp của mình nhằm "tái cân bằng tình hình". Trong tuyên bố mới nhất ngày 11/4, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri Peskov cho biết: "Chúng tôi từng nhiều lần khẳng định NATO là công cụ hướng tới đối đầu và việc mở rộng liên minh này sẽ không mang đến ổn định cho lục địa châu Âu". Cách đây vài tuần, trả lời Interfax, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov từng cảnh báo: "Việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO sẽ gây ra những hậu quả chính trị và quân sự nghiêm trọng khiến chúng tôi phải xem xét lại toàn bộ mối quan hệ với những nước này và thực hiện các biện pháp đáp trả".    

 https://cand.com.vn/the-gioi-24h/cau-truc-an-ninh-o-chau-au-sap-hung-them-mot-cu-soc--i649945/

Thiện Nhân / cand.com.vn