- Xe buýt, ô tô đi lại thế nào sau khi thông xe cầu Thăng Long?
- Lắp trạm cân tải trọng, giảm tốc độ tối đa xe lưu thông qua cầu Thăng Long
Sau gần 40 năm khai thác, đến nay cầu Thăng Long vẫn góp phần không nhỏ trong giao thông, vận chuyển hàng hóa, giao thương giữa các tỉnh phía Bắc với Hà Nội.
Cầu Thăng Long (hay còn gọi Cầu Hữu Nghị Việt Xô) là cây cầu bắc qua sông Hồng, được xây dựng từ năm 1974 và khánh thành ngày 9/5/1985. Đây là cây cầu có thời gian thi công lâu nhất ở Hà Nội và là công trình tầm cỡ nhất khu vực Đông Nam Á thời điểm đó.
Cầu Thăng Long là công trình nằm trong Tổng thể đầu mối đường sắt khu vực Hà Nội do Liên Xô giúp đỡ xây dựng quy hoạch, và hiện nay nằm trên vành đai 3, nối huyện Đông Anh với quận Bắc Từ Liêm.
Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng ở khu vực gần bến Chèm, thuộc địa bàn phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm (bờ Nam). Đầu cầu còn lại thuộc xã Võng La, huyện Đông Anh (bờ Bắc), cách nhau 1.688 m và cách trung tâm Hà Nội 12 km.
Biểu tượng cầu Thăng Long.
Cầu có nhịp chính vượt sông dài 1.680 m gồm 15 nhịp giàn thép, tạo thành 5 liên dầm liên tục mỗi liên có độ dài 336m. Cầu gồm 2 tầng: cầu đường sắt và xe thô sơ ở tầng dưới, cầu đường ô tô nằm ở tầng trên.
Tầng dưới của cầu Thăng Long ở giữa là hai tuyến đường sắt (thiết kế theo khổ ray 1.435 mm), hai bên là đường xe thô sơ 3,5 m (có thể chạy ô tô 10 tấn)
Tầng trên là đường ô tô rộng 15 m, cho bốn làn xe chạy; hai bên là đường cho người đi bộ rộng 1,5 m.
Chiều dài cây cầu tính theo đường sắt dài hơn 5,5 km, theo đường ô tô dài hơn 3,1 km, theo đường xe thô sơ dài hơn 2,6 km.
Cách cầu Thăng Long vài km ngày nay đã có thêm cầu Nhật Tân nhưng lưu lượng phương tiện qua lại cầu Thăng Long vẫn đông đúc.
Xe hai bánh, ba bánh lưu thông hai bên cánh gà tầng dưới của cầu với tốc độ tối đa 30 km/h.
Việc thi công cầu Thăng Long do Xí nghiệp Liên hợp cầu Thăng Long đảm nhiệm (gồm bốn xí nghiệp cầu, một xí nghiệp cơ giới).
Mô hình xí nghiệp liên hợp (gọi theo đúng nghĩa) là một điều đặc biệt mới mẻ với nghề xây dựng cầu lúc bấy giờ. Lực lượng kỹ sư, công nhân lúc đầu có 1.600 người, sau tăng lên 8.300 người. Liên Xô đã giúp Việt Nam đào tạo thợ lặn sâu 50 m, công nhân phun sơn, hàn tự động, kiểm tra hàn,… Cầu cũng được áp dụng những công nghệ hiện đại nhất, xứng danh với tên gọi “công trình thế kỷ”, nhất là trong hoàn cảnh Việt Nam lúc bấy giờ.
Năm 2020, phần mặt đường ô tô cầu Thăng Long hư hỏng, ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Trong hơn 4 tháng sửa chữa, nhà thầu đã hàn 1,4 triệu đinh neo bằng thép lên bản mặt thép của cầu; lắp đặt 800 tấn thép; đổ 2.000 m3 bê tông siêu tính năng, quét keo dính bám và thảm 27.200 m2 bêtông nhựa polyme.
https://vtc.vn/cau-thang-long-cong-trinh-the-ky-cua-tinh-huu-nghi-viet-xo-ar816509.html