Cậu bé người Mông bị ung thư mắt và câu chuyện xúc động về tình người

Không may mắn như bao đứa trẻ cùng lứa tuổi, bé Vừ Quốc Khánh (6 tuổi, người dân tộc Mông, tỉnh Sơn La) luôn cảm thấy lạc lõng giữa các cuộc chơi của đám trẻ trong bản. Khánh cũng không thể đi học vì căn bệnh ung thư đã tước đoạt quá nhiều quyền lợi của em.

Em Vừ Quốc Khánh đang được điều trị tại bệnh viện Mắt Trung ương. Ảnh. P. Đ

Không may mắn như bao đứa trẻ cùng lứa tuổi, bé Vừ Quốc Khánh (6 tuổi, người dân tộc Mông, tỉnh Sơn La) luôn cảm thấy lạc lõng giữa các cuộc chơi của đám trẻ trong bản. Khánh cũng không thể đi học vì căn bệnh ung thư đã tước đoạt quá nhiều quyền lợi của em.

Chúng tôi tìm đến phòng 109, tầng 1, khoa Mắt Trẻ em tại Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội). Tại đây, chúng tôi đã được gặp một bệnh nhi rất thương tâm là em Vừ Quốc Khánh (xã Co Tòng, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La). Chỉ còn vài phút nữa, Khánh sẽ lên bàn mổ thực hiện ca phẫu thuật loại bỏ con mắt bên phải đã mù vì bạo bệnh.

Nhìn thấy người lạ, bé Khánh nép gọn vào lòng bố. Em im lặng, cúi đầu như không muốn ai trông thấy bộ dạng của mình. Vết thương trên mắt Khánh do không chữa trị nên thường xuyên chảy dịch, con ngươi bên phải cứ thế lồi ra từng ngày. Từ đó bé Khánh gặp khó khăn trong giao tiếp, quan sát và đặc biệt, nó trở thành rào cản tách biệt em với các bạn đồng trang lứa.

Anh Vừ Gà Nếnh (bố bé Khánh) chia sẻ với phóng viên Lao Động, cứ đêm xuống là con lại đau, dịch mắt chảy nhiều và con thường xuyên mất ngủ.

“Khánh luôn hỏi: Bao giờ con khỏi bệnh? Bao giờ con được về nhà với mẹ, với các em? Và bao giờ con lại được đi học?”, anh Nếnh tâm sự.

Cứ như thế, các câu hỏi của cậu con trai mới lên 6 tuổi khiến người cha nghèo tội nghiệp thắt lòng, rơi nước mắt. Anh Nếnh chẳng thể làm gì ngoài việc động viên con trai phải mạnh mẽ, chiến đấu với bệnh tật.

Bé Vừ Quốc Khánh và bố Vừ Gà Nến. Ảnh: TG.

Bé Khánh sinh ra trong gia đình nghèo có 7 anh em, hiện Khánh đang học lớp 1 và vừa nhập viện cách đây ít ngày do đôi mắt "cứ lồi ra" và chảy mủ. Thương con, nhưng vợ chồng anh Nếnh “lực bất tòng tâm” vì công việc chính của gia là làm ruộng, quanh năm quần quật có khi chẳng đủ ăn nên việc chạy chữa cho con là điều không tưởng.

Cũng theo anh Nếnh, tai họa ập đến khi bé Khánh mới lên 4 tuổi. Ban đầu, một chiếc mụn nhỏ xuất hiện bên khóe mắt gây ngứa ngáy, khó chịu. Nhưng mỗi ngày chiếc mụn to dần, đẩy con mắt của cậu bé lồi ra rồi hỏng hẳn. Theo các bác sĩ tại đây, nếu không phẫu thuật kịp thời, căn bệnh ung thư sẽ di căn sang con mắt còn lại.

Thương xót trước tình cảnh éo le của bé Khánh, anh Nguyên (người đưa bố con bé Khánh lên Hà Nội chạy chữa) kể lại với phóng viên Lao Động: “Tôi làm công trường xây dựng gần khu nhà bé Khánh sinh sống. Hằng ngày thấy có đứa trẻ chạy chơi một mình quanh khu vực công trường. Sợ nguy hiểm nên tôi đuổi bé đi”.

Theo anh Nguyên, ngày nào bé Khánh cũng ra công trường chơi một mình cùng với bộ dạng nhếch nhác và đôi mắt không lành lặn. Cảm nhận được bé Khánh đang mang bệnh rất nặng, anh Nguyên kể câu chuyện với vợ và 2 con. Nhận được sự ủng hộ, anh quyết tâm thuyết phục gia đình và chính quyền xã đưa cháu lên Hà Nội khám chữa.

“Đưa 2 bố con bé Khánh lên Hà Nội chữa bệnh cũng mất nhiều thời gian và ảnh hưởng đến công việc. Nhưng chậm một ngày là cháu Khánh đối diện với một ngày nguy hiểm. Gia đình cháu khó khăn quá, tôi không thể làm ngơ”, anh Nguyên chia sẻ.

Không nói được nhiều tiếng Kinh, mọi thứ đều bỡ ngỡ, nên hai bố con Khánh trông cậy hết vào anh Nguyên. Tại bệnh viện, sau khi khám xét nghiệm, các bác sĩ kết luận Khánh bị ung thư mắt và phần phụ. Em được chỉ định nhập viện và lên lịch phẫu thuật sớm để xử lý tổn thương vùng mắt.

Dù mới chỉ là chẩn đoán ban đầu, nhưng bệnh ung thư khiến anh Nguyên càng thêm lo lắng. Anh hy vọng điều tốt đẹp sẽ đến và giấc mơ đến trường, tiếp tục đi học của bé Khánh sẽ không bị dang dở.

TÙNG GIANG - PHẠM ĐÔNG  23/11/2019 

Thầy giáo quân hàm xanh xóa mù chữ cho người Mông Sơn La

Không chỉ mở các lớp xóa mù chữ cho người Mông ở Co Muông, Mường Lạn, trung úy Vàng Lao Lừ còn dạy họ kiến ...

Rợn người “chân treo gác bếp” của người Mông

Trên vùng cao nguyên đá thuộc Mã Hoàng Phìn (Hà Giang), đồng bào Mông vẫn giữ tục lệ khiến ai nghe cũng kinh hoàng, nhìn ...

Sắc xuân ở bản người Mông

Khác với người Kinh và đồng bảo dân tộc khác, người Mông ăn tết vào mùng 1 tháng Chạp. Người Mông là một trong những ...

/ laodong.vn