Hôm bố mất, cả chặng đường 5 tiếng đi xe xuyên đêm nhận thi hài, Khuyên không khóc, không ngủ, chỉ ngồi lặng ôm di ảnh.
10 giờ sáng ngày 15/11, Đặng Văn Khuyên, học sinh lớp 5D, trường tiểu học Thành Long, xã Thành Long, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang đang ngồi trong lớp học thì người bác dâu hớt hải chạy tới báo tin bố cậu mất vì tai nạn giao thông. Người Khuyên run lên, cậu nắm chặt tay, không khóc. Mặt cúi gằm, cậu xin cô nghỉ 3 ngày.
Cậu đạp chiếc xe cũ qua 3 km, 4 con dốc để về nhà. Trời vừa dứt cơn mưa, sỏi đất lổn nhổn làm bánh xe trượt mấy lần. Ở nhà, hàng xóm và bác đã giúp cậu in di ảnh. "Lúc đó em chỉ nghĩ 'thì ra bố mình trông như thế này'. Đã quá lâu không gặp rồi, em không nhớ mặt bố nữa", Khuyên nói.
Mẹ bỏ đi, bố Khuyên cũng đi làm ăn xa 5 năm trước. Cậu sống cùng bà nội. Nhưng năm ngoái bà nội Khuyên lấy chồng xa 60 km, Khuyên sống một mình từ đó.
Nhà của Khuyên bên bìa rừng, cách nhà hàng xóm gần nhất 500 mét. Ở một mình được một năm, Khuyên đã quen, không muốn ở cùng người khác. Ảnh: Trọng Nghĩa. |
Xót học trò, thầy cô trong trường đã kêu gọi giúp đỡ. Sau gần nửa ngày họ quyên được 10 triệu đồng và một chuyến xe đi đón thi hài. Tối đó, số tiền được chuyển đến tay Khuyên.
"Nhiều giáo viên sẵn sàng nghỉ dạy để đi cùng em, nhưng em từ chối", cô Phạm Thị Nga, giáo viên chủ nhiệm của Khuyên, kể.
Người bác dâu, vốn bận chăm con nhỏ, chỉ có thể chở Khuyên băng qua vạt rừng giữa trời mưa và lạnh để đến quốc lộ. 12 giờ đêm, từ Tuyên Quang sang Lạng Sơn, Khuyên ngồi một mình trên chiếc xe 16 chỗ, ôm chặt di ảnh.
Tài xế dừng lại mấy lần, hỏi han, nhưng Khuyên chỉ nói mình ổn, không muốn ăn uống. Sau 5 tiếng, Khuyên đến được nơi nhận bố. Cậu không dám nhìn mặt ông. "Người xung quanh động viên em cố gắng vượt qua, nhưng em đã cố gắng từ lâu rồi", Khuyên nói.
Từ lúc quan tài về tới nhà, cậu bé trong bộ áo tang đen đứng một chỗ gần 12 tiếng. Hạ huyệt xong, cậu đi lên nhà, tự nấu cháo ăn. "Tận tới lúc bà nội về, Khuyên chạy đến ôm bà, mặt mới như có sức sống", chị Chung, bác dâu của cậu, kể.
5 giờ sáng 24/11, trong ngôi nhà chơ vơ bên sườn núi, Khuyên trở dậy theo thói quen, dù hôm nay là chủ nhật, không phải đi học. Cậu lẳng lặng nhìn di ảnh của bố sau bát hương, rồi gấp chăn, gấp chiếu đặt vào góc nhà tranh.
Trong căn nhà trống hoác, mái và sàn thủng lỗ chỗ, chỉ có vài cái nồi, rổ giá, bát đũa mới được người ta cho. Xung quanh cậu, 2 nhà hàng xóm gần nhất cách 500 mét, có kêu cũng chỉ có tiếng mình vọng lại.
Cậu lại bếp bới nồi cơm nguội. Ăn xong, Khuyên bước rón rén trên sàn nhà - tưởng như có thể lọt xuống đất bất cứ lúc nào - rồi vác xẻng lên đồi đào sắn hoang, đem bán lấy tiền tiêu.
Có lần đi xa nhà 5 km, cậu đào được bao sắn mang về. Khi xuống dốc, cậu bị bao tải đè, mãi mới có người tới hỗ trợ, nhưng lúc đứng dậy vẫn cười xòa. Công việc này là thú vui duy nhất của Khuyên.
Khuyên mừng vì bữa nay đào được củ sắn to. Mỗi kg cậu bán được một nghìn đồng. Ảnh: Trọng Nghĩa. |
Mùa hè, cậu cũng tập tành theo dân bản đi hái măng. Những búp măng xù xì, sắc lịm được cậu cắt ngọt xớt bằng tay không. Mỗi buổi được 3-4 kg, cậu có 20 nghìn đồng. Nhưng măng chỉ có mùa hè, còn sắn có quanh năm, nên "thu nhập" chính của cậu là sắn. Lúc rảnh, Khuyên đi tải lúa thuê cho người trong làng. Đổi lại, cậu có gạo ăn đủ 4 mùa.
Năm 2018, bà nội đi lấy chồng, đêm nào Khuyên cũng khóc. 3 tháng liên tục, người bác thường phải đến trông chừng. Bác kêu Khuyên về ở chung, nhưng em không muốn. "Nhà bác nghèo, lại đông người, em ở chỉ thêm gánh nặng", Khuyên khẽ kể.
Những ngày không có người lớn ở bên, chưa biết nấu ăn, Khuyên ăn mì gói. Khi ngán, cậu lại vào rừng, mang theo cái nồi gang. Có quả hay rau củ dại, cậu luộc ngay tại chỗ, ăn qua bữa. Giờ cậu đã có nồi cơm điện, biết nấu mấy món xào, canh, ướp nướng để cải thiện. Nhưng các bữa thường chỉ có bát cơm trắng chấm muối vừng. Nhìn vào bếp lửa, cậu tưởng tượng đến thịt gà, thịt bò...
Không có bàn, Khuyên học ngay trên sàn nhà. Cậu bé học khá, thích nhất môn văn. Ảnh: Trọng Nghĩa. |
"Đợt bà mới đi lấy chồng, có đêm em mơ thấy bố về, đưa cung tên bảo em đi săn. Em chạy mãi rồi kiệt sức, nhưng cuối cùng cũng săn được một con thỏ. Bố bảo 'sống phải bản lĩnh', rồi em choàng tỉnh giấc", Khuyên kể. Cậu bé 10 tuổi người Sán Chay bảo đó là động lực để đi học, tự nuôi thân.
Bà nội vướng bận gia đình mới, năm rồi chỉ về thăm cậu được 2 lần. Ước mơ duy nhất của Khuyên bây giờ là được ở cùng bà nội, được bà vuốt tóc. "Những lúc như vậy, em ngủ ngon vô cùng", Khuyên nói, đôi mắt lặng lẽ dõi qua khung cửa. Sau lưng cậu, căn nhà trống rỗng không bóng người.
Trọng Nghĩa
‘Hô biến’ vải cũ khách sạn 5 sao thành đồ sơ sinh cho trẻ em nghèo
Chị Đinh Phương Nga – điều phối viên của chương trình ‘Linens for Life’ (Vải cho cuộc sống) chia sẻ: ‘Đây là dự án mà ... |
Chàng trai muốn xây thật nhiều nhà vệ sinh cho trẻ em nghèo
Bán bánh bột lọc, bán quần áo, bánh kẹo ở các hội chợ… Phạm Tâm Tuấn Khương không ngần ngại công việc để có thể ... |
Vinschool gây quỹ 3,7 tỷ đồng xây trường cho trẻ em nghèo
Toàn bộ số tiền quyên góp từ giải chạy Edurun 2018 do Vinschool khởi xướng sẽ sử dụng để xây trường lớp cho trẻ em ... |