Quốc hội thảo luận về dự án Luật Xây dựng và Luật sửa đổi, bổ sung 1 số điều của Luật phòng chống thiên tai và luật Đê điều, Đại biểu Nguyễn Anh Trí đoàn Hà Nội cho rằng cắt ngọn công trình vi phạm phải cắt cả chức vụ người có trách nhiệm liên quan
Khách sạn Panorama ở Mã Pì Lèng xây dựng đâu phải chỉ trong 1 đêm?
Cũng theo Thiếu tướng Đào Thanh Hải, để khắc phục tình trạng trên cần sửa Luật theo hướng tạo điều kiện đảm bảo cuộc sống cho người dân nhưng phải bảo tồn công trình cổ. Cơ quan chức năng có thể ban hành khung tiêu chuẩn, mẫu nhà để người dân tham khảo.
Đại biểu Đào Thanh Hải còn cho rằng, hiện chưa có cơ chế chính sách về bảo tồn biệt thự cổ Hà Nội. Nhiều chủ công trình tìm cách phá hỏng biệt thự, để công trình bị đưa vào diện nguy hiểm cấp 3, sau đó đề nghị được đập bỏ xây dựng lại.
Góp ý về dự thảo Luật Xây dựng, theo Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội), câu chuyện cắt ngọn công trình vi phạm là vấn đề nóng, song đây chỉ là giải pháp tình thế. Nếu pháp luật và người thực thi pháp luật nghiêm minh thì sẽ không xảy ra việc đó. Theo đại biểu, cắt ngọn công trình phải đồng thời cắt chức vụ của những người có trách nhiệm.
“Hôm qua tôi có mặt ở khách sạn Panorama ở Mã Pì Lèng, Hà Giang và nhận thấy, việc xây dựng 1 công trình trên đó rất tốn kém vất vả. Song không thể không xử lý do công trình này vi phạm quy định pháp luật, ảnh hưởng cảnh quan chung. Trong khi đó, để xây dựng công trình này không phải 1 đêm là xong nên cần xử lý người có trách nhiệm, phải xem xét việc bồi thường” – Đại biểu Trí nêu ví dụ.
Còn theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn TP.Hà Nội), thực tiễn xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển đất nước những năm vừa qua có rất nhiều bất cập, rào cản từ các luật, trong đó có Luật Xây dựng. Bất cập hạn chế đó là thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp nhưng những sơ hở làm đội vốn, thất thoát, chậm tiến độ, chất lượng không đảm bảo còn nhiều.
Ông Hiểu nhấn mạnh, có một nghịch lý rất đáng suy nghĩ là công nghệ xây dựng cao hơn, chất lượng vật liệu xây dựng tốt hơn, con người làm trong ngành xây dựng giỏi hơn nhưng tuổi thọ công trình xây dựng lại ngắn hơn trước đây, thậm chí là rất ngắn.
“Công trình Nhà hát Lớn và nhiều biệt thự thời Pháp sừng sững ở Hà Nội hàng trăm năm qua, đang đặt ra một câu hỏi lớn: Tại sao nhiều công trình hiện nay chưa nghiệm thu, chưa được quyết toán, chưa đi vào sử dụng nhưng đã bị hư hỏng, phải cải tạo?”- đại biểu Ngọ Duy Hiểu đặt câu hỏi. Ông Hiểu đề nghị, cần phải thiết kế những quy định thật chặt chẽ và thông thoáng, khoa học nhưng khả thi trên cơ sở tiếp thu những tiến bộ của quốc tế và khu vực tư nhân.
Cùng liên quan đến nội dung này, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) kiến nghị sửa đổi các khoản 5 Điều 78, khoản 3 Điều 82 và khoản 4 Điều 91 theo hướng tích hợp quy trình cấp phép xây dựng đồng thời với công tác thẩm định thiết kế cơ sở để giảm bớt các quy trình, thủ tục không cần thiết.
Cần có chế tài xử lý đơn vị cấp nước không bảo vệ được nguồn nước
Thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung 1 số điều của Luật phòng chống thiên tai và Luật Đê điều, Đại biểu Đào Thanh Hải - Phó giám đốc CATP Hà Nội nhận định, trước đây đã có dự án xây dựng hai bờ sông Hồng đẹp như sông Hàn nhưng Bộ NN&PTNT nói dự án vi phạm hành lang thoát lũ nên không khả thi khiến dự án đắp chiếu từ đó đến nay.
“Hiện nay ở hai bờ sông Hồng, số lượng nhà dân tăng gấp đôi, tràn lan rác thải, tình trạng lấn chiếm lòng sông ngày càng nghiêm trọng từ huyện Thanh Trì đến huyện Đan Phượng. Do đó, cần có chính sách tháo gỡ tình trạng này cho Thành phố” – Đại biểu Đào Thanh Hải đề xuất.
Về biện pháp bảo vệ nguồn nước sinh hoạt, Đại biểu Đào Thanh Hải cho rằng, sự cố xảy ra tại nguồn nước sông Đà mới đây vô cùng nghiêm trọng, cần có quy định bảo vệ an ninh nguồn nước. Vừa qua, Bộ Công an đã xây dựng quy chế phối hợp bảo vệ phòng chống khủng bố và xâm phạm an ninh nguồn nước.
"Do nước và không khí không thể thiếu được trong cuộc sống hàng ngày nên cần có chế tài quy định xử nghiêm đơn vị kinh doanh nước không bảo vệ được nguồn nước cho người dân" - Đại biểu Đào Thanh Hải nhấn mạnh.