Dân số tăng, giáo viên thiếu, nhưng nhiều địa phương không thể tuyển mới, ngược lại phải cắt giảm 10% biên chế giáo dục.
Tại phiên Giải trình về thực hiện chính sách pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên và tổ chức kỳ thi THPT quốc gia ngày 24/9, đại biểu Quốc hội liên tục chất vấn lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ về tình trạng thừa thiếu giáo viên, việc thực hiện chính sách cắt giảm 10% biên chế.
Đến tháng 8, cả nước thiếu 75.970 giáo viên các cấp so với định mức giáo viên/lớp theo quy định, 29 tỉnh đề nghị bổ sung 40.440 biên chế sự nghiệp giáo dục. Trong khi đó, các địa phương vẫn song song phải thực hiện chủ trương giảm 10% biên chế hưởng lương theo Nghị quyết Trung ương số 19 năm 2017. Đây là một bất cập được nhiều đại biểu chỉ ra.
"Hà Nội mỗi năm tăng 20.000 học sinh, năm dân số vàng này tăng lên tới 70.000. Chúng tôi rất khó khăn nếu không tăng biên chế giáo viên, chưa nói đến phải thực hiện chủ trương cắt giảm biên chế", Phó chủ tịch thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý nói.
Phó chủ tịch tỉnh Cà Mau - ông Trần Hồng Quân cho biết, mỗi năm địa phương tăng 10.000 dân số cơ học. Tỉnh làm rất quyết liệt vấn đề hệ số giáo viên/lớp nhưng biên chế vẫn theo đà đi lên. Việc phải thực hiện chủ trương giảm biên chế ngành giáo dục như "đánh đố" với tỉnh.
Đại biểu TP HCM Phan Thị Bạch Tuyết chất vấn lãnh đạo Bộ Nội vụ về mâu thuẫn giữa chủ trương giảm biên chế giáo dục với thực tiễn thiếu giáo viên. Ảnh: Sỹ Điền.
Đại diện tỉnh Đồng Nai, TP HCM đồng tình rằng trong tình hình học sinh tăng nhanh khiến thiếu giáo viên, việc giảm biên chế là mâu thuẫn với thực tế, gây khó khăn cho địa phương.
"Tinh giản biên chế trong giáo dục phải có lộ trình, không thể cào bằng. Tôi kiến nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, giao cho các tỉnh thành đang tự chủ ngân sách được quyền quyết định biên chế viên chức của giáo dục trong điều kiện ngân sách có thể tự cân đối. Điều này giúp đáp ứng nhu cầu giáo viên hiện nay mà không phải chờ để xin các đồng chí giải quyết từng năm, từng trường hợp cụ thể", đại biểu đoàn TP HCM Văn Thị Bạch Tuyết nói.
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) đánh giá, số lượng giáo viên còn thiếu là quá lớn, sẽ dẫn đến phải hợp đồng giảng dạy. Giáo dục cần một quá trình để giáo viên theo dõi tâm lý, đánh giá chất lượng học tập từ đó mới có biện pháp uốn nắn, dạy dỗ đúng cách. Trong khi hợp đồng giáo viên có thời hạn không ổn định, có người năm trước/học kỳ trước được dạy năm sau/học kỳ sau bị buộc nghỉ, nên không thể theo sát học sinh để phát triển các em. Chất lượng giáo dục vì thế không được đảm bảo.
Các đại biểu đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục nêu quan điểm và hướng giải quyết bài toán thiếu giáo viên, nhưng vẫn phải giảm biên chế này.
Cắt giảm nhân viên phục vụ, giáo viên phải đủ
Giải trình chất vấn, Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, đây là hệ lụy của các chính sách từ trước năm 2015. Thời điểm đó, Bộ Nội vụ không được tham gia vào quyết định biên chế sự nghiệp của địa phương mà toàn quyền thuộc về UBND các tỉnh. Việc định mức biên chế khi đó không có sự rà soát nhu cầu thực tế nên thiếu phù hợp, điểm này có phần trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tăng dân số cơ học giữa các địa phương cũng là nguyên nhân khiến thừa thiếu giáo viên cục bộ.
Từ năm 2016 đến nay, Bộ Nội vụ được giao thẩm định tổng biên chế sự nghiệp của các địa phương nhưng không duyệt cho từng ngành cụ thể. Khi Bộ thống nhất tổng định mức, địa phương sẽ được quyền phân bổ chỉ tiêu cho các ngành có nhu cầu.
Về việc giảm biên chế giáo dục, theo ông Thăng, Nghị quyết 39 (năm 2015) của Chính phủ về tinh giảm biên chế, cho phép y tế, giáo dục nếu tăng giường bệnh, học sinh có thể tăng biên chế, tuy nhiên kết luận số 17 (năm 2017) của Bộ Chính trị không còn ngoại lệ nào. "Kể cả giáo dục có tăng trường lớp, tăng học sinh thì vẫn phải tinh giảm biên chế", Thứ trưởng Nội vụ nói và giải thích cái cần giảm ở đây là biên chế hưởng lương ngân sách chứ không riêng về giáo viên.
Lãnh đạo Bộ Nội vụ khẳng định việc nói giáo dục cũng phải giảm 10% biên chế là không đúng. Tỷ lệ giảm này là tổng biên chế sự nghiệp, còn địa phương tự cân đối mức giảm của từng ngành. Theo đó, giáo dục, y tế có thể giảm 5% nhưng mức cắt giảm của các ngành khác phải tăng lên, sao cho tổng là 10. "Trường hợp cá biệt phải tăng biên chế giáo dục hay các ngành khác, nhiệm vụ của Bộ Nội vụ là tổng hợp ý kiến và trình Chính phủ quyết định", ông Thăng nói.
Thứ trưởng Nội Vụ Nguyễn Duy Thăng giải trình vấn đề thiếu giáo viên và giảm 10% biên chế giáo dục. Ảnh: Sỹ Điền.
Câu trả lời của Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng được một số đại biểu cho là không thỏa đáng. Bà Phan Thị Bạch Tuyết (đoàn TP HCM) phân tích, biên chế của giáo dục và y tế chiếm tỷ lệ rất lớn, còn các ngành khác chỉ 5-10% tổng biên chế sự nghiệp của địa phương. Do đó, muốn đạt được mức giảm 10% hàng năm thì chỉ có thể giảm ở hai ngành có tỷ lệ lớn nhất. "Làm sao mà cắt hết viên chức ở các ngành khác để bù qua cho ngành giáo dục. Ý kiến này của Thứ trưởng, tôi thấy hoàn toàn không phù hợp", bà Tuyết nói.
Đồng tình với ý kiến cắt giảm biên chế giáo dục hiện nay gây khó khăn cho địa phương, nhưng Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ cho biết "vẫn phải thực hiện Nghị quyết 19 về tinh giảm biên chế". Hướng giải quyết được ông đề xuất là tập trung giảm ở bộ phận phục vụ còn giáo viên phải đảm bảo đủ để giảng dạy cho học sinh. Ngoài ra, cần tăng cường tính chủ động cho địa phương có năng lực để tự giải quyết bài toán nhân sự.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng giáo dục được xác định là quốc sách, là lĩnh vực thuộc trách nhiệm nhà nước khi yêu cầu phổ cập giáo dục. Việc xử lý các vấn đề liên quan đến biên chế nhà giáo do đó cần có tính đặc thù, lấy số lượng học sinh làm tiêu chuẩn để xác định chỉ tiêu, bố trí giáo viên. Hai Bộ Giáo dục và Nội vụ cần thống nhất trong việc giải quyết bài toán biên chế ngành giáo dục, có sự rà soát nhu cầu thực tế để tham mưu Chính phủ đưa ra các quyết sách phù hợp.
Việc giao quyền cho một số địa phương có năng lực được tự giải quyết bài toán nhân sự ngành giáo dục, xử lý các văn bản quy phạm chồng chéo hoặc mâu thuẫn về xác định biên chế giáo viên, các bộ ngành cần xem xét giải quyết.
Gần 500 trụ sở Hà Nội đóng bộ "đồng phục": Giảm biên chế đâu cần trụ sở to đẹp
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Hà Nội tính mặc đồng phục cho gần 500 trụ sở xã, phường là quá lãng phí, không cần ... |
Bỏ “biên chế suốt đời” - việc cần làm sớm
Bộ Nội vụ đang dự thảo Nghị định về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức để thay thế Nghị định ... |
Đề xuất bỏ biên chế vĩnh viễn đối với giáo viên
Đó là đề xuất của ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie tại hội nghị Góp ý về Dự thảo Luật giáo dục ... |
Không có ‘chân’ biên chế cũng khó mơ danh hiệu
Những nghệ sỹ “thị trường” ấy không phải miệt mài lao động, sáng tạo nghệ thuật để có thành công, để thu hút đông đảo ... |